Kinh doanh rượu tại Việt Nam đang được các nhà đầu tư trong và ngoài Việt Nam quan tâm nhiều trong thời gian gần đây. BLawyers Vietnam sẽ trình bày những lưu ý về vấn đề này đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
1. Đối với nhà đầu tư trong nước
Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Do đó, khi đầu tư vào ngành nghề này, nhà đầu tư phải đáp ứng một số điều kiện nhất định.
a. Về vấn đề xin cấp giấy phép và đăng ký
Để có thể sản xuất, kinh doanh rượu, tùy thuộc vào từng mục đích mà doanh nghiệp phải có các loại giấy phép sau: Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp; Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh; Giấy phép phân phối rượu; Giấy phép bán buôn rượu; Giấy phép bán lẻ rượu; và Giấy phép bán rượu tiêu dùng. Theo đó, căn cứ vào mục đích kinh doanh cụ thể, doanh nghiệp sẽ làm các bộ hồ sơ khác nhau để thực hiện đăng ký xin cấp giấy phép phù hợp.
Lưu ý rằng, doanh nghiệp sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải có giấy phép. Đồng thời, doanh nghiệp bán rượu có độ cồn từ 5.5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ, kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5.5 độ phải đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện.
b. Các quy định cần phải tuân thủ
Khi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh rượu cần lưu ý đến các quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 và Luật Quảng cáo 2012.
Trong quá trình phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp được thành lập với mục đích sản xuất rượu thì ngoài pháp luật về an toàn thực phẩm thì cần phải tuân thủ pháp luật về phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường.
Trong trường hợp cần công bố sản phẩm thì doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác liên quan.
2. Đối với nhà đầu tư nước ngoài
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, ngoài việc đáp ứng các điều kiện như nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài cần phải lưu ý đến các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như là: Cam kết gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc…
Ngoài ra, việc thành lập cơ sở bán lẻ (ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất) của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được xem xét trên cơ sở kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT).
Tóm lại, hoạt động liên quan đến kinh doanh rượu rất đa dạng, doanh nghiệp có thể phải thực hiện nhiều thủ tục khác nhau đối với từng hoạt động nhất định. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước cũng cần chú ý đến các điều kiện khi thực hiện kinh doanh ngành nghề này tại Viêt Nam.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ consult@blawyersvn.com. BLawyers Vietnam rất muốn nghe từ bạn!
Ngày: 27/09/2022
Người viết: Tuyến Phạm
Maybe you want to read:
4 loại giấy phép mà nhà kinh doanh rượu cần tìm hiểu trước khi thực hiện tại Việt Nam