Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (“DTAs”) là cơ sở để một người đóng thuế nước ngoài không phải nộp thuế hai lần đối với những thu nhập phát sinh tại Việt Nam. Ngoài ra, DTAs tạo ra được cơ chế giúp cơ quan thuế Việt Nam xử lý các vấn đề liên quan đến việc thu thuế trùng, tránh thuế đối với các giao dịch qua biên giới và thậm chí là trốn thuế. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cơ quan thuế cũng chấp nhận việc áp dụng DTAs. Vậy, trường hợp nào cơ quan thuế sẽ từ chối áp dụng DTAs?
Thông qua bài viết này, BLawyers Vietnam sẽ cung cấp một số thông tin cho câu hỏi trên.
1. 03 trường hơp cơ quan thuế từ chối áp dụng DTAs
a) Trường hợp 1: Người đề nghị đề nghị áp dụng DTAs đối với số thuế đã phát sinh quá ba năm trước thời điểm đề nghị áp dụng DTAs
Ví dụ: Trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2021, doanh nghiệp A của Hàn Quốc có thu nhập từ việc nhượng quyền thương mại tại Việt Nam theo quy định tại DTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Vào ngày 01/10/2021, doanh nghiệp A nộp hồ sơ đề nghị khấu trừ thuế theo DTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc đối với toàn bộ số thuế đã nộp tại Hàn Quốc trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2021. Trong trường hợp này, Cơ quan thuế Việt Nam chỉ xem xét khấu trừ thuế tại Việt Nam đối với số tiền đã nộp cho số thuế phát sinh tại Việt Nam trong giai đoạn 3 năm từ ngày 01/10/2018 đến ngày 01/10/2021.
b) Trường hợp 2: Khi mục đích chính của các hợp đồng hoặc các thỏa thuận là để được hưởng miễn hoặc giảm thuế theo DTAs.
c) Trường hợp 3: Người đề nghị áp dụng DTAs không phải là người chủ sở hữu thực hưởng của khoản thu nhập mà số thuế liên quan đến khoản thu nhập đó được đề nghị miễn, giảm theo DTAs
Người chủ sở hữu thực hưởng có thể là một cá nhân, một công ty hoặc một tổ chức nhưng phải là đối tượng có quyền sở hữu và kiểm soát đối với thu nhập, tài sản, hoặc các quyền tạo ra thu nhập. Khi xem xét để xác định một đối tượng là một người chủ sở hữu thực hưởng, Cơ quan thuế sẽ xem xét toàn bộ các yếu tố và hoàn cảnh liên quan đến đối tượng đó trên cơ sở nguyên tắc “bản chất quyết định hình thức” vì mục tiêu của DTAs là tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế.
2. Khi nào một đối tượng sẽ không được xem là một người chủ sở hữu thực hưởng?
Theo quy định pháp luật, có thể kể đến các trường hợp sau đây:
- Khi người đề nghị là một đối tượng không cư trú có nghĩa vụ phân phối hơn 50% thu nhập của mình cho một đối tượng cư trú của nước thứ ba trong phạm vi 12 tháng kể từ khi nhận được thu nhập;
- Khi người đề nghị là một đối tượng không cư trú không có (hoặc hầu như không có) bất kỳ hoạt động kinh doanh nào trừ quyền sở hữu đối với tài sản hoặc các quyền tạo ra thu nhập;
- Khi người đề nghị là một đối tượng không cư trú có hoạt động kinh doanh, nhưng số lượng tài sản, qui mô kinh doanh hoặc số lượng nhân viên không tương xứng với thu nhập nhận được;
- Khi người đề nghị là một đối tượng không cư trú không có (hoặc hầu như không có) quyền kiểm soát hoặc định đoạt và không phải gánh chịu hoặc gánh chịu rất ít rủi ro đối với thu nhập, hoặc tài sản hoặc các quyền tạo ra thu nhập;
- Khi các thỏa thuận cho vay hoặc cung cấp bản quyền hoặc cung cấp dịch vụ kỹ thuật giữa người đề nghị là một đối tượng không cư trú và các đối tượng tại Việt Nam bao gồm các điều kiện và điều khoản trong một thỏa thuận khác mà người đề nghị đang có với một bên thứ ba nhưng trong thỏa thuận khác đó người đề nghị là người nhận khoản vay, bản quyền hoặc dịch vụ kỹ thuật;
- Khi người đề nghị là một đối tượng cư trú của một nước hoặc vùng lãnh thổ không thu thuế thu nhập hoặc thu thuế thu nhập với mức thuế suất thấp (dưới 10%) không phải với các lý do khuyến khích đầu tư được quy định tại DTAs; và
- Khi người đề nghị là một đại lý, một công ty trung gian (trừ trường hợp một đại lý, một công ty trung gian đề nghị áp dụng DTAs theo ủy quyền của một chủ sở hữu thực hưởng).
Tóm lại, doanh nghiệp cần nắm được các trường hợp bị cơ quan thuế từ chối áp dụng DTAs ngay từ ban đầu để có thể hạn chế các rủi ro có thể xảy đến, ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ consult@blawyersvn.com. BLawyers Vietnam rất muốn nghe từ bạn!
Ngày: 07/10/2022
Người viết: Tuyến Phạm
Maybe you want to read:
Thanh tra, kiểm tra thuế và 05 lưu ý doanh nghiệp tại Việt Nam cần nắm
Các khoản thu nhập nào của doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo luật Việt Nam?
Các nguyên tắc áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần tại Việt Nam