Trong quá trình hoạt động kinh doanh, một doanh nghiệp có thể lâm vào tình trạng khủng hoảng ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của doanh nghiệp đó. Để bảo vệ quyền của các cá nhân/ tổ chức có liên quan đến doanh nghiệp đó, luật Việt Nam cho phép họ có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp.
Thông qua bài viết này, BLawyers Vietnam sẽ trình bày về quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản theo luật Việt Nam.
I. Ai có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp?
Theo luật, các chủ thể sau đây có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản:
- Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (“Đơn Yêu Cầu”) khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
- Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp Đơn Yêu Cầu khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp Đơn Yêu Cầu khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
- Chủ Doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của Công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp Đơn Yêu Cầu khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
- Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp Đơn Yêu Cầu khi Công ty cổ phần mất khả năng thanh toán.
- Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp Đơn Yêu Cầu khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.
Trong đó, mất khả năng thanh toán là trường hợp doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng đến hạn thanh toán.
II. Quy trình thực hiện quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản tại Việt Nam
Quy trình yêu cầu mở thủ tục phá sản được khái quát qua các bước sau:
Bước 1: Nộp Đơn Yêu Cầu
Ở giai đoạn này, chỉ có những người có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản như được đề cập ở Mục I mới được nộp Đơn Yêu Cầu. Người có yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp Đơn Yêu Cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án có thẩm quyền.
Bước 2: Tòa án nhận và xem xét Đơn Yêu Cầu
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Đơn Yêu Cầu, Tòa án có thẩm quyền sẽ chỉ định một Thẩm phán xử lý đơn và thông báo cho người nộp về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản (nếu có), nếu Đơn Yêu Cầu là hợp lệ.
Bước 3: Tòa án thụ lý Đơn Yêu Cầu
Tòa án thụ lý Đơn Yêu Cầu khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản. Sau đó, Tòa án ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.
Bước 4: Mở thủ tục phá sản
Ở giai đoạn này, người có quyền có thể yêu cầu Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo toàn tài sản của doanh nghiệp và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Bước 5: Hội nghị chủ nợ (“HNCN”)
Kể từ ngày kết thúc việc kiểm kê tài sản (trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc sau việc lập danh sách chủ nợ) hoặc kể từ ngày kết thúc việc lập danh sách chủ nợ (trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc trước việc lập danh sách chủ nợ), Thẩm phán triệu tập HNCN.
HNCN có quyền đưa ra nghị quyết trong đó có một trong các quyết định sau:
- Đề nghị đình chỉ giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản;
- Đề nghị tuyên bố doanh nghiệp phá sản; hoặc
- Đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp.
Bước 6: Tòa án ban hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản
Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản trong các trường hợp sau:
- Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh; hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng vẫn mất khả năng thanh toán; hoặc
- Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết có tuyên bố doanh nghiệp phá sản.
Bước 7: Thi hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản
Sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự sẽ thực hiện thủ tục thi hành quyết định này với các bước sau:
- Thanh lý tài sản phá sản; và
- Phân chia tiền thu được từ việc bán tài sản của doanh nghiệp cho các đối tượng theo thứ tự phân chia tài sản.
Tóm lại, việc yêu cầu mở thủ tục phá sản là một trong các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan khi nhận thấy doanh nghiệp đang trong tình trạng mất khả năng thanh toán.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ consult@blawyersvn.com. BLawyers Vietnam rất muốn nghe từ bạn!
Ngày: 10/06/2022
Người viết: Tuyến Phạm
Maybe you want to read:
Luật Việt Nam quy định vai trò của Quản tài viên trong vụ việc phá sản như thế nào?
Giải thể doanh nghiệp trong mùa dịch Covid-19: 7 vấn đề cần lưu ý