3 vấn đề cần xem xét khi mua tài sản trong giao dịch M&A

Ngày viết: 27/8/2021

Tác giả: Thảo Nguyễn

Mua (một phần hoặc toàn bộ) tài sản của doanh nghiệp là một hình thức khá phổ biến trong các giao dịch M&A. Tài sản trong giao dịch M&A phải thỏa mãn các điều kiện để doanh nghiệp mua có thể sở hữu tài sản đó. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến việc mua bán tài sản lại được quy định tản mát ở các văn bản luật khác nhau, gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi lựa chọn hình thức này. 

Qua bài viết dưới đây, Công ty Luật BLawyers Vietnam sẽ đưa ra 3 vấn đề mà doanh nghiệp cần xem xét khi mua tài sản trong giao dịch M&A.

1. Vấn đề lao động

Có hai vấn đề liên quan đến người lao động (“NLĐ”) mà doanh nghiệp cần lưu ý khi mua tài sản trong giao dịch M&A. Thứ nhất, hoạt động mua bán tài sản dẫn đến việc tổ chức lại lực lượng lao động và là nguyên nhân gây ra việc chấm dứt hợp đồng lao động (“HĐLĐ”) với NLĐ. Thứ hai là việc bên mua kế thừa các HĐLĐ đối với những NLĐ được chuyển giao sau khi hoàn tất giao dịch mua tài sản.

Đối với trường hợp thứ nhất thì bên bán là chủ thể xây dựng phương án sử dụng lao động. Tuy nhiên, bên mua cần thẩm định về cấu trúc nhân sự, thông tin NLĐ và HĐLĐ để thỏa thuận với bên bán về việc xây dựng phương án sử dụng lao động sao cho đạt được hiệu quả tốt nhất.

Đối với trường hợp thứ hai, bên mua cần phải xem xét các yếu tố như: chính sách lương thưởng, kế toán và thuế, quyền con người, chống hối lộ, giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài, các khiếu nại và khởi kiện của người lao động đang chờ giải quyết, đình công, tỷ lệ nghỉ việc, an toàn lao động,… để xác định các vấn đề cần giải quyết khi kế thừa các quyền và nghĩa vụ của bên bán đối với những người lao động được chuyển giao.

Đừng bỏ qua: 6 điều người sử dụng lao động không được làm đối với người lao động trong thời kì dịch bệnh Covid-19 

2. Quyền sở hữu tài sản hữu hình

Điều quan trọng khi mua tài sản là xác định tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của bên bán. Điều này có thể được thể hiện qua Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc những hợp đồng mua bán tài sản. Bên mua cũng cần xem xét đến các vấn đề về đồng sở hữu, những tranh chấp, khiếu nại đang được giải quyết liên quan đến tài sản mua.

Trường hợp tài sản mua là công trình đang trong quá trình xây dựng thì bên mua cần phải thẩm định sự phù hợp của công trình theo quy định của pháp luật để đảm bảo công trình sau khi được chuyển nhượng thì sẽ không bị gián đoạn quá trình xây dựng hay bị giảm sút về giá trị.

Trường hợp bên mua tài sản là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì cần phải chú ý đến quy định về hạn chế quyền sở hữu bất động sản đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phép mua tài sản gắn liền với đất nhưng không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người sử dụng đất hiện hữu .

3. Quyền sở hữu trí tuệ (“QSHTT”)

Khi tài sản được mua là QSHTT thì bên mua cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Thứ nhất, bên mua cần xác định quyền sở hữu của bên bán đối với các tài sản sở hữu trí tuệ. Đối với các QSHTT xác lập trên cơ sở đăng ký, bên mua phải kiểm tra dựa trên các văn bằng đã được cấp. Đối với các QSHTT không cần hoặc không thể đăng ký văn bằng bảo hộ, bên mua phải xem xét liệu bên bán có đáp ứng đủ các quy định pháp luật để được xem là chủ sở hữu các QSHTT này hay không.
  • Thứ hai, bên mua cần xác định rằng: (i) QSHTT có thể được chuyển nhượng hay không; (ii) QSHTT có đang bị thế chấp tại các tổ chức khác hay không; (iii) việc chuyển nhượng có cần sự đồng ý từ một bên thứ ba khác hay không; (iv) QSHTT có đang bị tranh chấp hay không; hoặc (v) các rủi ro tiềm ẩn khác có thể xảy ra.
  • Thứ ba, việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản và hợp đồng này chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp . Bên mua cần thực hiện đúng quy định của pháp luật để bảo đảm giá trị pháp lý của hợp đồng chuyển nhượng.

Để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình và hạn chế rủi ro tìm ẩn khi thực hiện hoạt động mua tài sản trong giao dịch M&A, doanh nghiệp cần chú trọng các vấn đề nêu trên. Đồng thời, doanh nghiệp nên tham vấn bên tư vấn để đảm bảo giao dịch diễn ra thuận lợi và nhanh chóng.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ consult@blawyersvn.com. BLawyers Vietnam rất muốn nghe từ bạn!

Có thể bạn muốn tìm hiểu thêm:

Căn cứ pháp lý nào sẽ ảnh hưởng đến các giao dịch M&A từ năm 2021?

Rủi ro thường gặp hậu giao dịch mua bán và sáp nhâp (M&A)

blawyersvn-cta-image

Yêu cầu tư vấn luật miễn phí

Vui lòng gọi cho chúng tôi hoặc điền vào mẫu đơn bên dưới. Chúng tôi sẽ phản hồi bạn trong vòng 24 giờ đồng hồ.

This field is for validation purposes and should be left unchanged.