5 lưu ý cho kế hoạch đầu tư của nhà đầu tư từ Quy Hoạch Điện VIII

kế hoạch đầu tư của NĐT từ Quy Hoạch Điện VIII

Quy Hoạch Điện VIII được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào ngày 15/5/2023 theo Quyết định số 500/QĐ-TTg về Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi chung là “Quy Hoạch Điện VIII”). Mục tiêu chính của quy hoạch này là thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Theo đó, Chính phủ đã xây dựng lộ trình theo từng giai đoạn để thực hiện mục tiêu này. Vậy các nhà đầu đầu tư cần nắm thông tin nào trước khi lập kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực điện ở Việt Nam?

Thông qua bài viết này, BLawyers Vietnam sẽ trình bày 5 điểm lưu ý chính để nhà đầu tư xem xét.

1. Cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam tính đến năm 2050 có những thay đổi như thế nào?

Theo Quy Hoạch Điện VIII, cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam được định hướng phát triển theo 02 mốc thời gian năm 2030 và 2050 như sau:

  1. Tổng công suất các nhà máy điện
    • Đến năm 2030: Tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước 150.489 MW (không bao gồm xuất khẩu, điện mặt trời mái nhà hiện hữu, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới);
    • Đến năm 2050: Tổng công suất các nhà máy điện 490.529 – 573.129 MW (không bao gồm xuất khẩu, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới).
  2. Định hướng phát triển mạnh đối với nguồn điện gió ngoài khơi (từ 4% lên hơn 14% tổng công suất các nhà máy điện) và nguồn điện mặt trời (từ 8.5% lên hơn 33% tổng công suất các nhà máy điện);
  3. Giảm công suất các nhà máy điện từ các nguồn điện như: thủy điện (từ 19.5% giảm xuống 7%), nhiệt điện khí (từ 9.9% giảm xuống 1.4%). Đặc biệt đến năm 2050 thì nhiệt điện than sẽ không được sử dụng.
2. Mục tiêu dài hạn của Việt Nam là xây dựng lộ trình để các nhà máy điện khí chuyển sử dụng LNG kết hợp hydro
2.1. Cơ cấu phát triển nguồn điện khí
  1. Về nhiệt điện khí
    • Ưu tiên sử dụng tối đa khí trong nước cho phát điện. Trong trường hợp sản lượng khí trong nước suy giảm thì nhập khẩu bổ sung bằng khí thiên nhiên hoặc LNG. Phát triển các dự án sử dụng LNG và hạ tầng nhập khẩu LNG đồng bộ với quy mô phù hợp, sử dụng công nghệ hiện đại. Thực hiện lộ trình chuyển đổi nhiên liệu sang hydro khi công nghệ được thương mại hóa và giá thành phù hợp.
    • Đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy sử dụng khí trong nước đạt 14.930 MW, sản xuất 73 tỷ kWh.
    • Đến năm 2050, khoảng 7.900 MW tiếp tục sử dụng khí trong nước hoặc chuyển sang sử dụng LNG, điện năng sản xuất 55,9 – 56,9 tỷ kWh; 7.030 MW dự kiến chuyển sang sử dụng hydro hoàn toàn, điện năng sản xuất 31,6 – 31,9 tỷ kWh.
  2. Về nhiệt điện LNG
    • Hạn chế phát triển các nguồn điện sử dụng LNG nếu có phương án thay thế để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.
    • Đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện LNG tối đa đạt 22.400 MW, sản xuất 83,5 tỷ kWh. Đến năm 2050, các nhà máy sử dụng LNG chuyển dần sang sử dụng hydro, tổng công suất 25.400 MW, sản xuất 129,6 – 136,7 tỷ kWh.
2.2. Định hướng về tổng công suất của nguồn điện
  1. Đến năm 2030
    • Nhiệt điện khí trong nước 14.930 MW (9,9%);
    • Nhiệt điện LNG 22.400 MW (14,9%).
  2. Đến năm 2050
    • Nhiệt điện khí trong nước và chuyển sử dụng LNG 7.900 MW (1,4 – 1,6%);
    • Nhiệt điện khí trong nước chuyển chạy hoàn toàn bằng hydro 7.030 MW (1,2 – 1,4%);
    • Nhiệt điện LNG đốt kèm hydro 4.500 – 9.000 MW (0,8 – 1,8%);
    • Nhiệt điện LNG chuyển chạy hoàn toàn bằng hydro 16.400 – 20.900 MW (3,3 – 3,6%).
2.3. Đến năm 2050, chỉ sử dụng LNG kết hợp với hydro và hoàn toàn bằng hydro

Theo phương án phát triển và định hướng công suất của nguồn điện khí vào năm 2030 và 2050, có thể thấy sẽ có sự chuyển đổi từ cơ cấu chỉ sử dụng LNG thành cơ cấu sử dụng LNG kết hợp với hydro và hoàn toàn bằng hydro.

Nhằm phù hợp với định hướng cơ cấu nguồn điện khí theo Quy Hoạch Điện VIII, các nhà đầu tư khi phát triển, xây dựng nhà máy điện LNG cần lên kế hoạch kỹ càng để có thể chuyển đổi nhà máy điện LNG thành nhà máy điện LNG đốt kèm hydro hoặc chuyển thành nhà máy điện chạy hoàn toàn bằng hydro theo chính sách của quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong tương lai.

3. Phụ tải điện

Luật Điện lực năm 2004 quy định về chính sách của Nhà nước trong việc phát triển điện lực như sau:

  1. Xây dựng và phát triển thị trường điện lực theo nguyên tắc công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, có sự điều tiết của Nhà nước để nâng cao hiệu quả trong hoạt động điện lực; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện; thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực.
  2. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng.
  3. Ngoài ra chính sách còn đề ra việc Nhà nước độc quyền trong các hoạt động vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, đến nay việc đầu tư và vận hành lưới điện truyền tải do tổ chức tự xây dựng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

4. Hạn chế phát thải các-bon
4.1 Mục tiêu Quy Hoạch Điện VIII lớn về hạn chế phát thải các-bon

Quy Hoạch Điện VIII đề ra mục tiêu giảm phát thải khí ô nhiễm và khí gây hiệu ứng nhà kính, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, hướng đến đáp ứng các quy định về phát thải các-bon trên đơn vị sản phẩm hàng hóa xuất khẩu và thị trường các-bon.

4.2 Ảnh hưởng đến nhà đầu tư
  1. Về mặt tích cực
    • Thị trường các-bon: Đề ra quy chế về hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon đảm bảo công khai, hài hòa lợi ích của các chủ thể khi tham gia thị trường các-bon.
    • Các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường các-bon theo cơ chế tự nguyện.
    • Giao dịch thông qua thị trường các-bon: các chủ thể tham gia có thể đấu giá, chuyển giao, vay mượn, nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính, sử dụng tín chỉ các-bon để bù trừ phát thải khí nhà kính .
  2. Về mặt hạn chế
    • Tăng cường quản lý và giám sát đối với việc phát thải khí các bon của doanh nghiệp: Cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường hợp đặc biệt phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính .
    • Đề ra các yêu cầu khi thực hiện giảm nhẹ phát thải nhà kính, như là: Đo đạc phải được thực hiện theo quy trình đo đạc, báo cáo, thẩm định do cơ quan có thẩm quyền ban hành, đảm bảo độ chính xác, tính minh bạch, liên tục và nhất quán của kết quả đo đạc; hoặc Báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phải thể hiện đầy đủ, chính xác thông tin về phương pháp đo đạc, số liệu hoạt động, hệ số phát thải áp dụng, giải pháp công nghệ, phương thức quản lý để giảm phát thải khí nhà kính và kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
5. Xây dựng và hoàn thiện khung chính sách, cơ sở pháp lý cho năng lượng tái tạo

Theo Quy Hoạch Điện VIII, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện khung pháp lý về năng lượng tái tạo như sau:

  • Nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật về năng lượng tái tạo: Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng Tái tạo theo nhiệm vụ Chính phủ giao và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2023. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông tin mới từ Bộ Công Thương.
  • Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển năng lượng tái tạo, phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới phục vụ trong nước và xuất khẩu, phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị ngành điện.
  • Xây dựng Luật Điện lực sửa đổi để hoàn thiện chính sách về đầu tư, quy hoạch, điều hành giá điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh, xử lý các vướng mắc, thể chế hóa cơ chế phát triển, tạo đột phá khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo; tách bạch vai trò quản lý nhà nước với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Ban hành thí điểm, tiến tới xây dựng chính thức cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất điện năng lượng tái tạo và khách hàng tiêu thụ đồng bộ với sửa đổi Luật Điện lực và lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh.

Nội dung nêu trên không phải là ý kiến tư vấn chính thức từ BLawyers Vietnam. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ consult@blawyersvn.com. Chúng tôi rất vui khi nghe từ bạn.

Ngày: 25/10/2023

Người viết: Tính Nguyễn và Minh Trương

blawyersvn-cta-image

Yêu cầu tư vấn luật miễn phí

Vui lòng gọi cho chúng tôi hoặc điền vào mẫu đơn bên dưới. Chúng tôi sẽ phản hồi bạn trong vòng 24 giờ đồng hồ.

This field is for validation purposes and should be left unchanged.