21 câu hỏi thường gặp về quan hệ vợ chồng trong giai đoạn ly hôn và thủ tục ly hôn

Ngày viết: 25/11/2021

Thông qua bài viết này, BLawyers Vietnam xin giới thiệu đến bạn đọc danh sách 21 câu hỏi thường gặp về quan hệ vợ chồng trong giai đoạn ly hôn và thủ tục ly hôn tại Việt Nam.

1. Ai có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn giữa vợ và chồng?

Những người sau đây có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn:

  1. Vợ hoặc chồng hoặc cả hai người; hoặc
  2. Cha, mẹ, người thân thích khác khi một bên vợ hoặc chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng hoặc vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần.
2. Trong trường hợp nào thì không thể yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn giữa vợ và chồng?

Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

3. Thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam đối với việc ly hôn có yếu tố nước ngoài được quy định như thế nào?

Theo quy định hiện hành, những tranh chấp hoặc yêu cầu giải quyết ly hôn mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài thì thuộc thẩm quyền của Tòa án Nhân dân cấp tỉnh. Những trường hợp khác thì thuộc Tòa án Nhân dân cấp huyện.

Riêng đối với trường hợp Tòa án giải quyết ly hôn giữa công dân Việt Nam ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì thuộc thẩm quyền của Tòa án Nhân dân cấp huyện.

4. Việc hòa giải tại cơ sở có phải thủ tục bắt buộc trước khi giải quyết ly hôn không?

Không. Việc hòa giải tại cơ sở khi vợ chồng có yêu cầu ly hôn là không bắt buộc nhưng được Nhà nước khuyến khích.

5. Việc hòa giải tại Tòa án có phải thủ tục bắt buộc trước khi giải quyết ly hôn không?

Không. Điều 54 của Luật hôn nhân gia đình 2014 (“LHNGĐ 2014”) quy định sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 207.3 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (“BLTTDS 2015”) Tòa án không tiến hành hòa giải khi một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.

6. Thế nào là thuận tình ly hôn theo pháp luật Việt Nam?

Theo quy định của pháp luật, thuận tình ly hôn là việc vợ và chồng cùng đồng ý ly hôn và đã đạt được thỏa thuận về việc chia tài sản, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con.

7. Quy trình giải quyết thuận tình ly hôn giữa vợ và chồng tại Tòa án như thế nào?

Quy trình giải quyết thuận tình ly hôn tại Tòa án bao gồm các bước sau:

  1. Bước 1: Vợ chồng chuẩn bị hồ sơ thuận tình ly hôn và nộp tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền;
  2. Bước 2: Sau khi nhận được hồ sơ yêu cầu thuận tình ly hôn, trong thời hạn 03 ngày làm việc, Chánh án Tòa Án sẽ phân công thẩm phán giải quyết. Nếu hồ sơ đủ điều kiện,Thẩm phán sẽ ra thông báo cho vợ chồng thực hiện nộp lệ phí trong vòng 05 ngày làm việc;
  3. Bước 3: Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý, các đương sự sẽ được thông báo về việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn;
  4. Bước 4: Tòa án chuẩn bị xét đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn;
    • Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 01 tháng, kể từ ngày thụ lý. Thời gian này có thể được kéo dài nhưng không quá 01 tháng.
    • Trong thời gian chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án ra quyết định mở phiên họp giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn.
  5. Bước 5: Tòa án mở phiên họp giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp.
  6. Bước 6: Ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn:
    • Trong trường hợp hòa giải thành, vợ chồng đoàn tụ với nhau thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn.
    • Nếu hòa giải không thành, vợ chồng vẫn muốn ly hôn thì Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày quyết định công nhận thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật.
8. Tòa án có thể giải quyết việc thuận tình ly hôn giữa vợ và chồng mà cả hai bên đương sự đều không có mặt tại Việt Nam không?

Có. Theo quy định tại Điều 367.2 BLTTDS 2015, trong trường hợp vợ và chồng không thể về Việt Nam để tham dự phiên họp giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn đồng thời có có đơn đề nghị Tòa án giải quyết thuận tình ly hôn vắng mặt thì Tòa án có thể xem xét và giải quyết vụ việc thuận tình ly hôn theo thủ tục chung.

9. Quy trình giải quyết tranh chấp khi ly hôn giữa vợ và chồng tại Tòa án như thế nào?

Việc giải quyết tranh chấp ly hôn giữa vợ và chồng bao gồm các bước sau:

  1. Bước 1: Vợ hoặc chồng chuẩn bị đơn ly hôn và tài liệu kèm theo và nộp tại Tòa án có thẩm quyền;
  2. Bước 2: Sau khi nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp khi ly hôn, Tòa án sẽ xem xét về việc thụ lý vụ án ly hôn. Nếu xét thấy có căn cứ để thụ lý vụ án, Tòa án yêu cầu người khởi kiện nộp tạm ứng án phí;
  3. Bước 3: Tòa án tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật. Tại phiên hòa giải:
    • Nếu hòa giải thành thì Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành;
    • Nếu không hòa giải được thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử.
  4. Bước 4:  Tòa án mở phiên xét xử sơ thẩm và đưa ra phán quyết giải quyết tranh chấp khi ly hôn. Sau khi xét xử, Tòa án sẽ ra bản án chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng.
10. Tòa án có thể tách tranh chấp về tài sản để giải quyết riêng trong vụ án ly hôn được không?

Có. Yêu cầu về ly hôn, yêu cầu liên quan đến tranh chấp về tài sản khi ly hôn, yêu cầu liên quan đến tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn… được coi là những yêu cầu khác nhau nhưng giống về thành phần đương sự. Nếu thấy cần thiết, Tòa Án hoàn toàn có thể tách việc tranh chấp về tài sản để giải quyết riêng so với những yêu cầu khác trong vụ án ly hôn.

11. Người nước ngoài không sinh sống tại Việt Nam có thể ủy quyền cho người khác tham gia giải quyết ly hôn tại Tòa án Việt Nam không?

Không. Theo quy định của pháp luật, đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Đương sự chỉ có thể ủy quyền cho người khác giải quyết tranh chấp về tài sản khi ly hôn.

12. Tạm ứng án phí và án phí đối với việc ly hôn tại Tòa án là bao nhiêu?
a. Tạm ứng án phí

Trong trường hợp yêu cầu của đương sự không phải là một số tiền hoặc không thể xác định giá trị bằng một số tiền cụ thể thì được coi như là tranh chấp về hôn nhân gia đình không có giá ngạch và mức tạm ứng án phí trong trường hợp này bằng với mức án phí tranh chấp hôn nhân gia đình sơ thẩm không có giá ngạch, tức là 300.000 VNĐ.

Trong trường hợp yêu cầu của đương sự là một số tiền hoặc là tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể thì được coi như là tranh chấp về hôn nhân gia đình có giá ngạch và mức tạm ứng án phí trong trường hợp này bằng 50% mức án phí tranh chấp về hôn nhân gia đình sơ thẩm có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết nhưng tối thiểu không thấp hơn 300.000 VNĐ.

b. Tạm ứng lệ phí

Trong trường hợp thuận tình ly hôn, mức tạm ứng lệ phí bằng với mức lệ phí, tức là 300.000 VNĐ.

13. Nghĩa vụ chịu tạm ứng án phí sơ thẩm và lệ phí đối với việc ly hôn tại Tòa án được quy định như thế nào?
a. Nghĩa vụ tạm ứng án phí sơ thẩm

Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn trong vụ án ly hôn hoặc người nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm.

Đối với yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì vợ, chồng có thể thỏa thuận về việc nộp tiền tạm ứng lệ phí. Trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được người nộp tiền tạm ứng lệ phí thì mỗi người phải nộp một nửa tiền tạm ứng lệ phí.

b. Nghĩa vụ tạm ứng lệ phí

Đối với yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì vợ, chồng có thể thỏa thuận về việc nộp tiền tạm ứng lệ phí. Trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được người nộp tiền tạm ứng lệ phí thì mỗi người phải nộp một nửa tiền tạm ứng lệ phí.

14. Những tài liệu nào cần có khi nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn?

Những tài liều cần có khi nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn bao gồm:

  1. Đơn xin ly hôn. Lưu ý:
    • Trường hợp hai bên thuận tình ly hôn thì đơn ly hôn do cả hai vợ chồng cùng ký.
    • Trường hợp vợ hoặc chồng ở nước ngoài thì phải có xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước đó.
  2. Bản sao có chứng thực của CMND/Hộ chiếu, Hộ khẩu;
  3. Bản gốc giấy chứng nhận kết hôn; và
  4. Các tài liệu khác theo yêu cầu của pháp luật.
15. Thế nào là ly hôn có yếu tố nước ngoài?

Ly hôn có yếu tố nước ngoài việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án trong trường hợp các đương sự là người nước ngoài hoặc đương sự ở nước ngoài, bao gồm:

  1. Trường hợp ly hôn giữa người Việt Nam với người nước ngoài;
  2. Ly hôn giữa hai người nước ngoài thường trú tại Việt Nam;
  3. Trường hợp ly hôn mà có con cái đang ở nước ngoài;
  4. Ly hôn mà có tài sản ở nước ngoài; hoặc
  5. Ly hôn mà có đương sự ở nước ngoài.
16. Người nước ngoài có bắt buộc phải có mặt tại Việt Nam để nhận phán quyết giải quyết ly hôn của Tòa án không?

Không. Theo Điều 85.4 của BLTTDS 2015, đối với vụ việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng.

Hơn nữa, Điều 474.1.e của BLTTDS 2015 quy định rằng Tòa án có thể thực hiện việc tống đạt, thông báo văn bản tố tụng theo đường dịch vụ bưu chính cho người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam của đương sự ở nước ngoài.

Có thể hiểu rằng pháp luật chỉ cấm việc ủy quyền tham gia tố tụng tại Tòa án trong vụ việc ly hôn và cho phép đương sự ủy quyền để nhận tống đạt phán quyết của Tòa án. Do đó, người nước ngoài không bắt buộc phải có mặt tại Việt Nam để nhận phán quyết ly hôn của Tòa án.

17. Việc công nhận và cho thi hành bản án của nước ngoài về ly hôn tại Việt Nam được thực hiện như thế nào?

Việc công nhận và cho thi hành bản án của nước ngoài về ly hôn tại Việt Nam được thực hiện theo các bước sau:

  1. Bước 1: Nộp đơn và giấy tờ tài liệu kèm theo để yêu cầu công nhận và cho thi hành. Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày bản án về ly hôn của Tòa án nước ngoài có hiệu lực pháp luật, người được thi hành, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ gửi đơn kèm theo các giấy tờ tài liệu cần thiết đến Bộ Tư pháp Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước có Tòa án đã ra bản án, quyết định cùng là thành viên hoặc Tòa án Việt Nam có thẩm quyền theo quy định của pháp luật để yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định đó;
  2. Bước 2: Chuyển hồ sơ cho Tòa án. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Tư pháp chuyển cho Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
  3. Bước 3: Thụ lý hồ sơ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Bộ Tư pháp chuyển đến hoặc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu và giấy tờ, tài liệu kèm theo do người có yêu cầu gửi đến, Tòa án xem xét, thụ lý hồ sơ và thông báo cho người có đơn yêu cầu, người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ tại Việt Nam, Viện kiểm sát cùng cấp và Bộ Tư pháp;
  4. Bước 4: Chuẩn bị xét đơn yêu cầu. Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý. Trong thời hạn này, tuỳ từng trường hợp mà Tòa án ra một trong các quyết định sau đây:
    1. Tạm đình chỉ việc xét đơn yêu cầu;
    2. Đình chỉ việc xét đơn yêu cầu; hoặc
    3. Mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
  5. Bước 5: Phiên họp xét đơn yêu cầu. Việc xét đơn yêu cầu được tiến hành tại phiên họp do Hội đồng xét đơn yêu cầu gồm ba Thẩm phán thực hiện, trong đó một Thẩm phán làm chủ tọa theo sự phân công của Chánh án Tòa án. Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp tham gia phiên họp; trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp. Phiên họp được tiến hành với sự có mặt của người được thi hành, người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ; nếu một trong những người này vắng mặt lần thứ nhất thì phải hoãn phiên họp;
  6. Bước 6: Gửi quyết định của Tòa án. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định, Tòa án gửi quyết định đó cho các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát cùng cấp. Trong trường hợp quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết đơn, Tòa án gửi quyết định đó cho các cơ quan, cá nhân nêu trên trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.
18. Công dân Việt Nam đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nước ngoài thì có thể yêu cầu giải quyết ly hôn tại Việt Nam không?

Có. Điều 469.1.d của BLTTDS 2015 quy định Tòa án của Việt Nam có thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam. Do đó trong trường hợp công dân Việt Nam đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại nước ngoài thì vẫn có thể giải quyết ly hôn tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để việc kết hôn giữa công dân Việt Nam và công dân nước ngoài tại nước ngoài được công nhận tại Việt Nam thì việc kết hôn này phải được ghi vào Sổ hộ tịch theo quy định tại Điều 34 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Do đó, trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn, một trong các bên phải làm thủ tục ghi chú kết hôn theo quy định.

19. Ly thân có được pháp luật Việt Nam thừa nhận không?

Không. Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về ly thân. Tuy nhiên, Điều 19.2 của LHNGĐ 2014 quy định vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác. Do đó, pháp luật thừa nhận việc vợ chồng không chung sống với nhau nếu có thỏa thuận.

20. Trong thời gian giải quyết ly hôn tại Tòa án, việc một bên đương sự chung sống với người khác có vi phạm pháp luật Việt Nam không?

Có. Điều 57.1 của LHNGĐ 2014 quy định thời điểm chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ chồng là kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Theo Điều 5.2.c của LHNGĐ 2014, pháp luật cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.

Do đó, trong thời gian giải quyết ly hôn tại Tòa án thì quan hệ hôn nhân giữa vợ, chồng vẫn đang còn tồn tại và việc một bên đương sự chung sống với người khác là vi phạm pháp luật Việt Nam.

21. Những hành vi nào pháp luật Việt Nam cấm khi ly hôn?

Theo quy định tại Điều 5.2 LHNGĐ 2014, những hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến ly hôn bao gồm các hành vi sau đây:

  1. Ly hôn giả tạo;
  2. Cưỡng ép ly hôn;
  3. Lừa dối ly hôn; và
  4. Cản trở ly hôn.

Theo đó, những hành vi này sẽ được pháp luật xử lý nghiêm minh. Hơn nữa, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm nêu trên.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ consult@blawyersvn.com. BLawyers Vietnam rất muốn nghe từ bạn!

Có thể bạn muốn tìm hiểu thêm:

Một bên có thể yêu cầu tăng mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn không?

Giao dịch bất động sản tại Việt Nam: 27 câu hỏi luật sư thường gặp và câu trả lời

Di chúc và thừa kế theo luật Việt Nam: Danh sách 28 câu hỏi “khó” thường gặp

blawyersvn-cta-image

Yêu cầu tư vấn luật miễn phí

Vui lòng gọi cho chúng tôi hoặc điền vào mẫu đơn bên dưới. Chúng tôi sẽ phản hồi bạn trong vòng 24 giờ đồng hồ.

This field is for validation purposes and should be left unchanged.