Hiện nay, các thiết bị bay không người lái đang trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam. Chúng được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống như ứng dụng trong quay phim, chụp ảnh, xây dựng bản đồ, vận chuyển và giao hàng nhanh, ứng dụng trong xây dựng, nông nghiệp,… Tuy nhiên, một lượng lớn thiết bị bay không người lái sử dụng tại Việt Nam được nhập khẩu từ nước ngoài. Qua bài viết này, BLawyers Vietnam sẽ nêu 02 điều cần chú ý khi nhập khẩu thiết bị bay không người lái tại Việt Nam.
1. Việc nhập khẩu thiết bị bay không người lái phải được Nhà nước chấp thuận
Mặc dù thiết bị bay không người lái thường có kích thước không lớn, dễ sử dụng và có nhiều công dụng hữu ích cho đời sống, chúng cũng tiềm ẩn khả năng gây hại đối với an ninh quốc phòng của một quốc gia.
Ở các nước phát triển khác trên thế giới, đã có không ít các trường hợp thiết bị bay không người lái được sử dụng với mục đích quân sự. Ngoài ra, ngay cả khi người sử dụng không có ý định gây hại nhưng việc sử dụng thiết bị bay của họ nếu không được kiểm soát có thể vô tình gây nguy hiểm đến với việc di chuyển hàng không. Chính vì vậy, để đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự xã hội và an toàn hàng không, mọi thiết bị bay, tàu bay đều phải được kiểm soát bởi các cơ quan có thẩm quyền.
Theo luật Việt Nam, thiết bị bay không người lái được xem là hàng hóa có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng . Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhập khẩu các thiết bị bay không người lái phải có công văn đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chấp thuận trước khi thực hiện việc xin cấp giấy phép nhập khẩu từ Bộ Công Thương.
2. Quy trình xin giấy phép nhập khẩu thiết bị bay không người lái
Đối với việc xin giấy phép nhập khẩu, thương nhân nhập khẩu thiết bị bay không người lái thực hiện theo quy trình sau đây :
(i) Bước 1: Thương nhân nộp công văn xin chấp thuận nhập khẩu thiết bị bay không người lái tại Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Không có quy định cụ thể về thời gian trả lời chấp thuận tại Bước này.
(ii) Bước 2: Sau khi nhận được chấp thuận, Thương nhân gửi một bộ hồ sơ đến Bộ Công Thương gồm:
- Văn bản đề nghị cấp giấy phép;
- Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản sao có đóng dấu của thương nhân); và
- Một số giấy tờ, tài liệu liên quan khác theo quy định của pháp luật.
(iii) Bước 3: Thương nhân sẽ được thông báo trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định hoặc cần bổ sung tài liệu giải trình trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
(iv) Bước 4: Thương nhân sẽ nhận được văn bản trả lời kết quả trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định.
Lưu ý: Thời hạn xử lý có thể dài hơn trong trường hợp Bộ Công Thương phải trao đổi ý kiến với các cơ quan liên quan khác.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ consult@blawyersvn.com. BLawyers Vietnam rất muốn nghe từ bạn!
Ngày viết: 24/01/2022
Tác giả: Quang Nguyễn & Huy Nguyễn
Có thể bạn muốn tìm hiểu thêm:
Danh mục chi tiết về chính sách ưu đãi và thủ tục đăng ký hoạt động hệ thống điện mặt trời mái nhà
4 loại giấy phép mà nhà kinh doanh rượu cần tìm hiểu trước khi thực hiện tại Việt Nam