Ngày: 08/02/2021
Tác giả: Yến Lê
Đối với khoản vay mà công ty con ở Việt Nam vay công ty mẹ ở nước ngoài thì thường có những cách trả nợ như sau: (1) đến hạn thì công ty con trả công ty mẹ cả gốc và lãi như đã thỏa thuận; (2) nếu chưa trả nợ được công ty mẹ thì công ty con gia hạn thời gian trả nợ nước ngoài; hoặc (3) công ty mẹ sẽ chuyển khoản vay này thành khoản vốn góp trong công ty con. Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin về phương án (3) chuyển khoản vay nước ngoài thành vốn góp.
Phương án (3) có một số đặc điểm như sau:
1. Việc chuyển đổi làm tăng vốn điều lệ và giá trị vốn góp của công ty mẹ
Chuyển đổi khoản vay thành vốn góp làm tăng vốn điều lệ của công ty con tương ứng với khoản vay đó. Điểm khác biệt với hoạt động góp vốn là việc chuyển tiền đã được thực hiện xong từ trước. Đồng thời, giá trị vốn góp của công ty mẹ sẽ bị thay đổi. Tuỳ theo loại hình doanh nghiệp mà cần phải có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông / Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu trước khi tiến hành chuyển đổi.
2. Điều kiện để chuyển đổi
Một số điều kiện cần lưu ý bao gồm:
- Chứng minh tính hợp pháp của hợp đồng vay vốn mà hai công ty đã ký kết;
- Nếu khoản vay nước ngoài là khoản vay trung, dài hạn thì doanh nghiệp phải đăng ký khoản vay với Ngân hàng nhà nước (“NHNN”). Nếu khoản vay ngắn hạn phải báo cáo với NHNN;
- Khoản vay được chuyển đúng vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp của công ty con;
- Sau khi chuyển đổi, tỷ lệ góp vốn của công ty mẹ nước ngoài phải tuân theo giới hạn pháp luật quy định.
3. Các bước thực hiện thủ tục chuyển đổi
Công ty con sẽ tiến hành các thủ tục như sau:
- Điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cấp cho công ty con (Bước 1).
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của công ty con (Bước 2).
- Thông báo hủy bỏ khoản vay nước ngoài với NHNN (Bước 3).
4. Những lưu ý khi làm việc với cơ quan Nhà nước
Thứ nhất, các bên cần lưu ý về giá trị của khoản vay để xác định cơ quan có thẩm quyền đối với Bước 3.
Thứ hai, mặc dù pháp luật đã quy định chi tiết và rõ ràng về hồ sơ, thủ tục, trình tự… nhưng trên thực tế các cơ quan nhà nước có thể yêu cầu khác hơn.
Tóm lại, hoạt động chuyển đổi khoản vay thành vốn góp chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật trong lĩnh vực chuyên ngành. Đây cũng là hoạt động mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thủ tục chuyển đổi, doanh nghiệp nên tìm kiếm sự hỗ trợ và tư vấn từ những đơn vị am hiểu về lĩnh vực này.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về nội dung nêu trên, vui lòng gửi cho BLawyers Vietnam đến địa chỉ email consult@blawyersvn.com.
Có thể bạn muốn tìm hiểu thêm:
Thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài cho các doanh nghiệp có phức tạp không?