Ngày viết: 27/12/2021
Tác giả: Thư Trần
Chứng quyền đã đem lại nhiều lợi ích vượt trội cho nhà đầu tư chứng khoán như vốn đầu tư bỏ ra thấp, cơ chế giao dịch linh hoạt, không phải ký quỹ, cố định khoản lỗ tối đa và có tính đòn bẩy. Tuy thực tế thị trường chứng quyền đang ngày càng phát triển tiêu biểu là số lượng các mã chứng quyền lớn như MBB, CPNJ, MWG, HPG, FPT… Lợi ích lớn thì đi kèm là rủi ro, đặc biệt là những rủi ro về mặt pháp luật mà chủ sở hữu chứng quyền nên lưu ý. BLawyers Vietnam sẽ làm rõ bên dưới.
1. Chứng quyền là gì?
Chứng quyền theo luật định là loại chứng khoán được phát hành cùng với việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông nhất định theo mức giá đã được xác định trước trong khoảng thời gian xác định.
Trong đó, chứng quyền có đảm bảo là loại chứng khoán có tài sản bảo đảm do công ty chứng khoán phát hành, cho phép chủ sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở với tổ chức phát hành theo mức giá đã được xác định trước, tại hoặc trước một thời điểm đã được ấn định hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.
Tuy nhiên theo quy chế kèm Quyết định 72/QĐ-UBCK của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ chấp nhận loại chứng quyền mua dựa trên chứng khoán cơ sở là cổ phiếu niêm yết và thực hiện quyền kiểu châu Âu và có phương thức thanh toán bằng tiền.
Đọc thêm: Cổ phiếu thưởng ESOP: Danh sách 30 câu hỏi thường gặp dưới góc nhìn chứng khoán và lao động
2. Những những rủi ro pháp lý đối với chủ sở hữu chứng quyền
Thứ nhất, chủ sở hữu chứng quyền bị hạn chế quyền đối với tổ chức phát hành
Chủ sở hữu chứng quyền không có những quyền lợi giống như cổ đông công ty cổ phần. Theo đó, chủ sở hữu chứng quyền sẽ không có quyền tham dự Đại hội đồng cổ đông, quyền biểu quyết, quyền nhận cổ tức hay mua cổ phiếu phát hành thêm hoặc các quyền khác phát sinh từ chứng khoán cơ sở.
Vì vậy, chủ sở hữu chứng quyền sẽ không kiểm soát được các hoạt động của tổ chức phát hành cũng như không biết được các thông tin bất lợi, có lợi về chứng quyền đang sở hữu.
Thứ hai, chứng quyền có bảo đảm có thể bị hủy niêm yết
Một trong những rủi ro lớn nhất đối với chủ sở hữu chứng quyền có bảo đảm là việc chứng quyền buộc bị hủy niêm yết trong các trường hợp sau:
- Chứng khoán cơ sở bị hủy niêm yết hoặc không thể xác định được chỉ số chứng khoán;
- Hồ sơ đăng ký chào bán chứng quyền có bảo đảm có những thông tin sai lệch, bỏ sót nội dung quan trọng có thể ảnh hưởng tới quyết định đầu tư và gây thiệt hại cho nhà đầu tư; hoặc khi phát hiện tổ chức phát hành không ký quỹ bảo đảm thanh toán hoặc không có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng;
- Tổng số lượng chứng khoán cơ sở được quy đổi từ các chứng quyền đã phát hành so với tổng số lượng chứng khoán cơ sở tự do chuyển nhượng vượt quá một tỷ lệ phần trăm theo quy chế của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
- Tổ chức phát hành vi phạm nghĩa vụ phòng ngừa rủi ro hoặc vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ tạo lập thị trường dẫn đến bị chấm dứt hoạt động tạo lập thị trường theo quy chế của Sở giao dịch chứng khoán;
- Tổ chức niêm yết bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành; và
- Tổ chức niêm yết chấm dứt sự tồn tại do tổ chức lại, giải thể hoặc phá sản.
Trường hợp chứng quyền có bảo đảm bị gỡ niêm yết, tổ chức phát hành có nghĩa vụ phải mua lại chứng quyền từ nhà đầu tư với mức giá thanh toán được Sở giao dịch chứng khoán chấp thuận. Như vậy, chủ sở hữu chứng quyền sẽ không được đảm bảo về mặt lợi nhuận đối với chứng khoán cơ sở và quyền của chủ sở hữu cũng chấm dứt.
Thứ ba, chứng quyền có thể bị tạm ngừng giao dịch
Chứng quyền có thể bị tạm ngừng giao dịch trong các trường hợp sau:
- Chỉ số cơ sở của chứng quyền bị tạm ngừng tính toán;
- Chứng khoán cơ sở của chứng quyền bị tạm ngừng giao dịch;
- Sự cố bất khả kháng do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố kỹ thuật tại hệ thống giao dịch, hệ thống thanh toán; và
- Các trường hợp Sở Giao dịch chứng khoán thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và sau khi đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Việc tạm ngừng giao dịch chứng quyền gây bất lợi cho chủ sở hữu về việc thực hiện quyền mua hoặc bán chứng quyền của mình ngay đúng thời điểm.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ consult@blawyersvn.com. BLawyers Vietnam rất muốn nghe từ bạn!
Có thể bạn muốn tìm hiểu thêm:
Cổ phiếu thưởng ESOP: Danh sách 30 câu hỏi thường gặp dưới góc nhìn chứng khoán và lao động
Nhà đầu tư phải làm gì khi tạm ngừng dự án đầu tư ở Việt Nam?