Có bắt buộc phải thương lượng, hoà giải theo thoả thuận trước khi khởi kiện tranh chấp ra Trọng tài Thương mại tại Việt Nam?

Trong hầu hết các hợp đồng kinh doanh thương mại hiện nay, các bên trong hợp đồng thường đưa vào thoả thuận trọng tài để yêu cầu Trọng tài giải quyết nếu có phát sinh tranh chấp. Tuy vậy, các bên vẫn thường ưu tiên tìm kiếm một giải pháp mang tính thiện chí và ôn hoà trước hết và thoả thuận rằng tranh chấp phải được giải quyết thông qua hoà giải, thương lượng trước khi một bên tiếp cận thủ tục Trọng tài.

Vậy, giải quyết như thế nào nếu một bên không tuân thủ thoả thuận này và khởi kiện ra Trọng tài khi chưa tiến hành thủ tục hoà giải, thương lượng?

Thông qua bài báo này, BLawyers Vietnam sẽ trình bày về vấn đề nêu trên.

thương mại

1. Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài Thương mại

Trọng tài Thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp có tính chất tài phán phi Nhà nước và chỉ được áp dụng khi có thoả thuận của các đương sự. Theo đó, tranh chấp sẽ do một bên thứ ba trung lập (Trọng tài viên hay Hội đồng trọng tài) giải quyết để đưa ra một phán quyết có tính chất chung thẩm ràng buộc các bên.

Không phải mọi tranh chấp đều có thể được giải quyết bởi Trọng tài Thương mại. Các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài thương mại bao gồm :

  1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại;
  2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; và
  3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

2. Giải quyết tranh chấp bằng thủ tục thương lượng, hoà giải

Ngoài tố tụng Trọng tài và tố tụng Toà án, pháp luật hiện hành cũng coi thương lượng và hoà giải là các hình thức giải quyết tranh chấp.

Thương lượng là việc giao tiếp, trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp giữa các bên để cùng nhau tìm ra phương án giải quyết tranh chấp mà không có sự tham gia của bất kỳ bên thứ ba nào.

Hoà giải thương mại là hình thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của một trung gian hoà giải gọi là hoà giải viên thương mại. Hoà giải viên thương mại chỉ có vai trò hỗ trợ các bên đàm phán để đạt được thoả thuận hợp lý mà không có thẩm quyền đưa ra một quyết định có tính chất ràng buộc các bên.

Lưu ý rằng, hoà giải có thể được tiến hành như một thủ tục tiền tố tụng trước khi đưa vụ tranh chấp ra Trọng tài Thương mại hoặc là một thủ tục nằm trong tố tụng trọng tài.

3. Điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng

Điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng là một thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết tranh chấp. Điều khoản này quy định rằng khi có tranh chấp phát sinh, các bên phải giải quyết thông qua các phương thức thương lượng, hoà giải trong một khoảng thời gian cụ thể. Sau khoảng thời gian này, nếu các bên không thể giải quyết được tranh chấp thì một bên mới có quyền khởi kiện ra Toà án hoặc Trọng tài.

Trên thực tế, thoả thuận giải quyết tranh chấp đa tầng thường bị phá vỡ khi một bên đã khởi kiện để yêu cầu Trọng tài giải quyết mặc dù chưa tiến hành thủ tục hoà giải trước đó, thông thường vì các lý do như sau:

  • Các bên chưa hiểu rõ bản chất của hoà giải. Khi xảy ra tranh chấp, các bên tiến hành trao đổi với nhau thông qua gặp gỡ trực tiếp hoặc qua điện thoại, email và xem như đã trải qua giai đoạn hoà giải; hoặc
  • Các bên không còn có thiện chí muốn giải quyết tranh chấp bằng phương thức hoà giải, thương lượng như thoả thuận trước đó.

4. Hậu quả pháp lý khi một bên tiến hành tố tụng Trọng tài khi chưa thương lượng, hoà giải như thoả thuận

Luật trọng tài thương mại hiện hành của Việt Nam không quy định rõ ràng về giá trị pháp lý của các thoả thuận giải quyết tranh chấp đa tầng, nên thực tiễn cho thấy dù một bên không tuân thủ việc giải quyết thương lượng, hoà giải trước khi khởi kiện ra Trọng tài nhưng Trọng tài vẫn thụ lý vụ tranh chấp của các bên để giải quyết và ra phán quyết Trọng tài.

Hậu quả xảy ra là, bên còn lại thường yêu cầu Toà án có thẩm quyền huỷ phán quyết Trọng tài vì cho rằng Trọng tài đã thụ lý tranh chấp khi chưa đủ điều kiện thụ lý.

Trên thực tiễn giải quyết huỷ phán quyết trọng tài trong trường hợp này, các Toà án tại Việt Nam tồn tại hai luồng quan điểm như sau:

  • Quan điểm thứ nhất: Không chấp nhận yêu cầu huỷ phán quyết Trọng tài

Toà án cho rằng thoả thuận giải quyết tranh chấp tiền tố tụng Trọng tài là ràng buộc các bên nhưng không phải là tiền đề bắt buộc của thủ tục trọng tài, nên các bên vẫn có quyền khởi kiện ra Trọng tài và phán quyết của Trọng tài là có hiệu lực và hợp pháp (Tham khảo quyết định số 526/2013/KDTM-QĐ ngày 15/5/2013 của TAND TP. Hồ Chí Minh).

  • Quan điểm thứ hai: Toà án quyết định huỷ phán quyết trọng tài

Toà án cho rằng thoả thuận giải quyết tranh chấp tiền tố tụng Trọng tài phải được tôn trọng tuyệt đối và thực thi đầy đủ. Trọng tài thụ lý vụ việc khi chưa đầy đủ điều kiện tố tụng là không đúng quy định của pháp luật (Tham khảo quyết định số 10/2014/QĐ-PQTT ngày 28/10/2014 của TAND TP. Hà Nội).

Tóm lại, vì quy định của pháp luật chưa rõ ràng, để đảm bảo rằng điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng có giá trị pháp lý ràng buộc và hiệu quả để áp dụng trong tương lai, các bên cần lưu ý chuẩn bị và thiết kế điều khoản này một cách rõ ràng, cụ thể cho việc thực hiện.

Nội dung nêu trên không phải là ý kiến tư vấn chính thức từ BLawyers Vietnam. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ consult@blawyersvn.com. Chúng tôi rất vui khi nghe từ bạn.

Ngày: 26/11/2022

Người viết: Trinh Nguyễn

blawyersvn-cta-image

Yêu cầu tư vấn luật miễn phí

Vui lòng gọi cho chúng tôi hoặc điền vào mẫu đơn bên dưới. Chúng tôi sẽ phản hồi bạn trong vòng 24 giờ đồng hồ.

This field is for validation purposes and should be left unchanged.