Công đoàn cơ sở và 4 vấn đề liên quan đến tổ chức này khi người lao động bị sa thải

Ngày viết: 17/12/2021

Người viết: Huy Nguyễn & Thảo Nguyễn

 Trong quá trình làm việc cho người sử dụng lao động (“NSDLĐ”), người lao động (“NLĐ”) phải tuân thủ các quy định, nội quy nhằm đảm bảo tiến độ và nâng cao hiệu suất công việc. Nếu NLĐ có các hành vi vi phạm và phải bị xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải thì quá trình xử lý kỷ luật cần thực hiện theo quy định pháp luật. Một trong số quy định đó là sự tham gia bắt buộc của đại diện công đoàn cơ sở (“CĐCS”).

Vậy các vấn đề liên quan đến CĐCS khi xử lý kỷ luật sa thải NLĐ được quy định như thế nào? BLawyers Vietnam phân tích dưới đây.

CĐCS

1. Vai trò của Công đoàn cơ sở trong quan hệ lao động

Công đoàn là tổ chức có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong quan hệ lao động. Điều 10 của Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của NLĐ được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho NLĐ, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Bên cạnh đó, Hiến pháp còn quy định công đoàn có thể tham gia  giám sát hoạt động của doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của NLĐ;  tuyên truyền, vận động NLĐ học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vị trí và vai trò của tổ chức công đoàn được tái khẳng định tại Điều 1 của Luật Công đoàn 2012. Điều đó cho thấy, trong các quy định của pháp luật Việt Nam, tổ chức Công đoàn có một vị trí đặc biệt quan trọng, là cầu nối giữa NLĐ và NSDLĐ trong quan hệ lao động, đồng thời là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ – bên yếu thế trong quan hệ lao động.

Ngoài ra, quyền và nghĩa vụ của CĐCS còn được quy định rõ tại Điều 178 của Bộ luật Lao động 2019 (“BLLĐ 2019”) như sau:

  1. Được tham khảo ý kiến xây dựng và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động và những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của NLĐ là thành viên của mình;
  2. Đại diện cho NLĐ trong quá trình giải quyết khiếu nại, tranh chấp lao động cá nhân khi được NLĐ ủy quyền; và
  3. Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Các vấn đề liên quan đến Công đoàn cơ sở khi xử lý kỷ luật sa thải NLĐ

Chúng tôi liệt kê một số vấn đề chính như sau:

Thứ nhất, khi xử lý kỷ luật lao động sa thải phải có sự tham gia của đại diện CĐCS. Theo quy định tại Điều 122.1.b, BLLĐ 2019 thì khi tiến hành xử lý kỷ luật NLĐ thì đại diện tập thể NLĐ tại cơ sở phải có mặt. Tức là, khi xử lý kỷ luật sa thải NLĐ thì sự có mặt của CĐCS là điều kiện cần để tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật sa thải NLĐ.

Thứ hai, CĐCS phải được thông báo về cuộc họp xử lý kỷ luật sa thải NLĐ. Theo quy định của pháp luật, ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày tiến hành họp xử lý kỷ luật sa thải, NSDLĐ phải thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm tiến hành cuộc họp, hành vi vi phạm và họ tên người bị xử lý kỷ luật lao động sa thải đến CĐCS.

Thứ ba, biên bản cuộc họp xử lý kỷ luật sa thải phải có chữ ký của đại diện CĐCS. Pháp luật hiện hành quy định nội dung cuộc họp xử lý kỷ luật lao động sa thải phải được lập thành biên bản, thông qua trước khi kết thúc cuộc họp và có chữ ký của đại diện CĐCS tham gia phiên họp sa thải . Việc quy định quyền ký biên bản cuộc họp nhằm chứng minh sự tham gia của CĐCS cũng như thể hiện vai trò giám sát của CĐCS trong việc xử lý kỷ luật lao động sa thải.

Thứ tư, quyết định xử lý kỷ luật sa thải phải được gửi đến CĐCS. Theo quy định của pháp luật người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động sa thải ban hành quyết định xử lý kỷ luật lao động sa thải và gửi đến đại diện CĐCS tham gia phiên họp sa thải.

Như vậy, nếu không tuân thủ vấn đề CĐCS trong việc sa thải NLĐ, quyết định sa thải có thể bị xem là vi phạm luật. Xem thêm về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật do người sử dụng lao động.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ consult@blawyersvn.com. BLawyers Vietnam rất muốn nghe từ bạn!

Có thể bạn muốn tìm hiểu thêm:

18 câu hỏi và trả lời quan trọng về nội quy lao động (NQLĐ) theo luật Việt Nam

Đã cập nhật: Thế nào là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật của người sử dụng lao động?

4 thay đổi đáng lưu ý về Bộ luật Lao động mới của Việt Nam

blawyersvn-cta-image

Yêu cầu tư vấn luật miễn phí

Vui lòng gọi cho chúng tôi hoặc điền vào mẫu đơn bên dưới. Chúng tôi sẽ phản hồi bạn trong vòng 24 giờ đồng hồ.

This field is for validation purposes and should be left unchanged.