[Đã cập nhật] 3 loại giấy phép cần có cho dự án điện mặt trời mái nhà

Ngày viết: 19/7/2021

Tác giả: Linh Nguyễn

Hiện nay, dự án hệ thống điện mặt trời mái nhà đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Để hoạt động một cách hợp pháp tại Việt Nam, dự án hệ thống điện mặt trời mái nhà phải đáp ứng điều kiện về giấy phép cần có cũng như hướng dẫn của cơ quan nhà nước.

Qua bài viết này, BLawyers Vietnam xin chia sẻ với bạn đọc các loại giấy phép cần thiết để tiến hành dự án này.

I. Mô hình và điều kiện đối với dự án điện mặt trời mái nhà

Hệ thống điện mặt trời mái nhà (“ĐMTMN”) là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 01 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35kV trở xuống của Bên mua điện. ĐMTMN phải được đặt trên mái của công trình xây dựng với các công năng độc lập. Ngoài ra, các tấm pin mặt trời phải có hiệu suất hơn 16%, hiệu suất của mô-đun phải cao hơn 15%.

ĐMTMN được phép bán một phần hoặc toàn bộ điện năng sản xuất ra cho Bên mua là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (“EVN”) hoặc Bên mua là tổ chức, cá nhân khác. Hiện nay, ĐMTMN được thực hiện theo hai mô hình ở Việt Nam:

  1. Chủ sở hữu mái nhà tự đầu tư xây dựng, lắp hệ thống điện mặt trời trên mái nhà của chính mình để tự sử dụng và bán phần điện không sử dụng cho EVN;
  2. Doanh nghiệp kinh doanh thuê mái nhà để lắp hệ thống ĐMTMN, sau đó bán điện cho chính chủ mái nhà và/hoặc bán cho EVN.

II. Các giấy phép cần thiết để khởi động dự án điện mặt trời mái nhà

Trước khi thực hiện dự án ĐMTMN, các nhà đầu tư phải được cấp ít nhất 03 loại giấy phép chính, bao gồm:

  1. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (“GCN ĐKDN”);
  2. Giấy phép xây dựng (“GPXD”); và
  3. Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy (“GCN PCCC”).

Đừng bỏ qua: Danh mục chi tiết về chính sách ưu đãi và thủ tục đăng ký hoạt động hệ thống điện mặt trời mái nhà

1. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Doanh nghiệp để thực hiện dự án ĐMTMN thì phải có ngành nghề kinh doanh phù hợp. Trước khi tiến hành dự án, doanh nghiệp phải đăng ký hoặc bổ sung ngành nghề sản xuất điện mặt trời và/ hoặc ngành nghề truyền tải phân phối điện. Nội dung này phải được đăng ký với Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài thì phải được cấp Giấy chứng nhận Đăng ký đầu tư trước khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư phải ghi mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp là triển khai thực hiện dự án ĐMTMN.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam có thể chuyển nhượng dự án ĐMTMN cho nhà đầu tư nước ngoài dưới hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần. Tuỳ quy mô dự án, Sở hoặc Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ thụ lý việc giải quyết chuyển nhượng dự án.

2. Giấy phép xây dựng

Theo quy định, ĐMTMN được xem là công trình xây dựng theo Luật Xây dựng hiện hành. Do đó, một dự án ĐMTMN cần phải có GPXD để được phép lắp đặt, trừ một số dự án xây dựng được miễn GPXD. Nhà đầu tư cần kiểm tra lại với Sở xây dựng cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện để xác định dự án cần phải xin giấy phép hay không.

Tùy thuộc vào tình trạng công trình xây dựng khi lắp đặt ĐMTMN, nhà đầu tư phải có giấy phép tương ứng sau:

  1. Giấy phép xây dựng mới: đối với dự án, công trình mới hoặc dự án công trình chưa khởi công nhưng hết thời hạn gia hạn GPXD.
  2. Giấy phép sửa chữa và cải tạo: tòa nhà nơi lắp đặt hệ thống ĐMTMN đã được cấp GPXD nhưng khi lắp đặt ĐMTMN có sự thay đổi về kết cấu xây dựng ban đầu của tòa nhà.

Sau khi được cấp GPXD, nhà đầu tư phải thông báo trước ít nhất 03 ngày làm việc kể từ ngày khởi công xây dựng công trình, kể cả trường hợp được miễn GPXD.

3. Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy

Hệ thống ĐMTMN thuộc dự án đầu tư xây dựng phải được thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Do đó, GCN PCCC là giấy phép bắt buộc để vận hành một dự án ĐMTMN theo luật định. Cơ quan Cảnh sát PCCC là cơ quan thực hiện cấp GCN PCCC.

Dự án ĐMTMN được thực hiện tại một tòa nhà hiện hữu đã đủ điều kiện về PCCC thì vẫn phải nộp đơn xin xác nhận đủ điều kiện. Trong trường hợp thiết kế tòa nhà hiện hữu có thay đổi hoặc việc lắp đặt hệ thống tại tòa nhà mới chưa được thẩm định thiết kế thì chủ cơ sở phải nộp hồ sơ yêu cầu thẩm định thiết kế để được cấp GCN PCCC.

Ngoài ba loại giấy phép nêu trên, nhà đầu tư dự án ĐMTMN phải áp dụng mẫu Hợp đồng mua bán điện theo quy định của Bộ Công Thương.

Tóm lại, hệ thống ĐMTMN phải có các giấy phép theo quy định để được thực hiện trên thực tế. Mặc dù các quy định chung không yêu cầu nhiều giấy phép cho việc lắp đặt và vận hành ĐMTMN, nhưng nhà đầu tư phải kiểm tra và được tư vấn đối với các trường hợp cụ thể để đảm bảo rằng dự án tuân thủ quy định của pháp luật.

Đừng bỏ qua: Các loại giấy phép cần có cho dự án điện mặt trời mái nhà

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ consult@blawyersvn.com. BLawyers Vietnam rất muốn nghe từ bạn!

Có thể bạn muốn tìm hiểu thêm:

Danh mục chi tiết về chính sách ưu đãi và thủ tục đăng ký hoạt động hệ thống điện mặt trời mái nhà

Mẫu hợp đồng mua bán điện cho hệ thống điện mặt trời mái nhà theo luật Việt Nam

Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam: Danh sách 26 câu hỏi thường gặp và câu trả lời

blawyersvn-cta-image

Yêu cầu tư vấn luật miễn phí

Vui lòng gọi cho chúng tôi hoặc điền vào mẫu đơn bên dưới. Chúng tôi sẽ phản hồi bạn trong vòng 24 giờ đồng hồ.

This field is for validation purposes and should be left unchanged.