Đại lý thương mại là một trong 04 hoạt động trung gian thương mại của một thương nhân được luật Việt Nam quy định (cùng với đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, ủy thác mua bán hàng hóa). Vậy đại lý thương mại là gì và cần lưu ý về đại lý thương mại theo pháp luật Việt Nam?
Thông qua bài viết này, BLawyers Vietnam sẽ trả lời câu hỏi nêu trên.
I. Đại lý thương mại và phạm vi của đại lý thương mại
Theo Điều 166 của Luật Thương mại 2005, đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.
Trong đó, bên giao đại lý là thương nhân giao hàng hoá cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua hoặc là thương nhân uỷ quyền thực hiện dịch vụ cho đại lý cung ứng dịch vụ. Bên đại lý là thương nhân nhận hàng hoá để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận uỷ quyền cung ứng dịch vụ. Luật Thương mại cũng quy định rõ thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.
Như vậy, phạm vi của đại lý thương mại là những hoạt động thương mại mà bên đại lý được thực hiện theo sự ủy quyền của bên giao đại lý để giao kết hợp đồng với bên thứ ba.
II. 03 vấn đề cần lưu ý về đại lý thương mại
1. Về hình thức của đại lý
Hiện nay pháp luật Việt Nam chỉ đề cập đến 03 loại hình đại lý thông dụng nhất bao gồm:
- Đại lý bao tiêu: Đây là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý.
- Đại lý độc quyền: Đây là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định.
- Tổng đại lý mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ: Là hình thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý.
2. Về hợp đồng đại lý
Hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Đây là một vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến tính hiệu lực của hợp đồng nên các bên trong giao kết cần chú ý.
Bên cạnh đó, hợp đồng cần quy định về quyền và nghĩa vụ của bên giao đại lý và bên đại lý để xác định được phạm vi công việc của các bên và giảm thiểu những tranh chấp về sau.
Trường hợp muốn chấm dứt hợp đồng đại lý, một bên phải thông báo bằng văn bản cho bên kia với một thời hạn thông báo trước theo luật định. Trường hợp chấm dứt hợp đồng đại lý, bên đại lý có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường một khoản tiền cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý đó nếu hai bên không có thỏa thuận khác. Trường hợp hợp đồng đại lý được chấm dứt trên cơ sở yêu cầu của bên đại lý thì bên đại lý không có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý.
Ngoài ra, bên đại lý còn được nhận một khoản thù lao đại lý được trả cho bên đại lý dưới hình thức hoa hồng hoặc chênh lệch giá.
3. Vấn đề thuế đối với hợp đồng đại lý
(i) Thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ
Đối với hoạt động đại lý phân phối cung cấp hàng hóa, bán buôn bán lẻ các loại hàng hóa thì phải nộp thuế GTGT khi nhận tiền bán hàng hóa đại lý cho khách mua theo quy định với mức thuế suất thuế GTGT 10% (trừ hàng hóa, dịch vụ miễn thuế, chịu thuế 0% hoặc 5%). Hiện tại theo Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP thì thuế suất thuế GTGT đang được giảm xuống 8%.
Đối với doanh nghiệp là đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng chỉ chịu thuế GTGT khi nhận thù lao đại lý với thuế suất 8%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải chịu thuế TNDN theo quy định.
(ii) Thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu
Đối với hoạt động phân phối cung cấp hàng hóa, bán buôn bán lẻ các loại hàng hóa (trừ giá trị hàng hóa đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng) chịu thuế suất là 1% và đối với hoạt động đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng sẽ chịu thuế suất 5%.
(iii) Thuế thu nhập cá nhân kinh doanh
Riêng cá nhân, hộ kinh doanh là đại lý thì khi thực hiện hoạt động phân phối cung cấp hàng hóa, bán buôn bán lẻ các loại hàng hóa (trừ giá trị hàng hóa đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng) phải kê khai và nộp thuế GTGT 1% và thuế TNCN 0,5%.
Tóm lại, đại lý thương mại ở Việt Nam không phải là một hoạt động trung gian thương mại mới mẻ tại Việt Nam nhưng có những quy định về pháp luật cần lưu ý.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ consult@blawyersvn.com. BLawyers Vietnam rất muốn nghe từ bạn!
Ngày: 10/06/2022
Người viết: Tuyến Phạm
Maybe you want to read:
Hợp đồng đại lý độc quyền và 5 vấn đề có thể phát sinh tranh chấp