Hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động tại Việt Nam: Danh sách 15 câu hỏi thường gặp và câu trả lời

thương mại điện tử qua

BLawyers Vietnam sẽ trình bày bên dưới bộ 15 Câu Hỏi Thường Gặp và Câu Trả Lời về quy định của pháp luật Việt Nam đối với hoạt động thương mại điện tử (“TMĐT”) thông qua ứng dụng trên thiết bị di động.

1. Có bao nhiêu loại ứng dụng trong hoạt động TMĐT?

Theo quy định pháp luật hiện hành, có tổng cộng 06 loại ứng dụng, bao gồm:

  1. Ứng dụng di động là ứng dụng cài đặt trên thiết bị di động có nối mạng cho phép người dùng truy cập vào cơ sở dữ liệu của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để mua bán hàng hóa, cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ, bao gồm ứng dụng bán hàng và ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT;
  2. Ứng dụng bán hàng là ứng dụng TMĐT trên thiết bị di động do thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình;
  3. Ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT là ứng dụng TMĐT trên thiết bị di động do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại, bao gồm ứng dụng sàn giao dịch TMĐT, ứng dụng đấu giá trực tuyến và ứng dụng khuyến mại trực tuyến;
  4. Ứng dụng sàn giao dịch TMĐT là ứng dụng di động cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu ứng dụng có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó;
  5. Ứng dụng khuyến mại trực tuyến là ứng dụng di động do thương nhân, tổ chức thiết lập để thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác theo các điều khoản của hợp đồng dịch vụ khuyến mại; và
  6. Ứng dụng đấu giá trực tuyến là ứng dụng di động cung cấp giải pháp cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu ứng dụng có thể tổ chức đấu giá cho hàng hóa của mình trên đó.
2. Khi nào người mua và người bán trên ứng dụng di động được xem là đã chính thức giao kết hợp đồng với nhau?
  1. Thời điểm giao kết hợp đồng khi sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên ứng dụng di động là thời điểm khách hàng nhận được trả lời của thương nhân, tổ chức, cá nhân bán hàng chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.
  2. Trường hợp đối tượng của hợp đồng là sản phẩm nội dung số hoặc dịch vụ trực tuyến và việc trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng được thể hiện bằng việc giao sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ thì cơ chế rà soát và xác nhận phải đáp ứng các quy định sau:
    • Hiển thị tên sản phẩm hoặc dịch vụ, tổng số tiền khách hàng phải trả cho hàng hóa, dịch vụ đó và phương thức thanh toán sẽ được áp dụng;
    • Cho phép khách hàng sau khi rà soát những thông tin trên được lựa chọn hủy hoặc xác nhận đề nghị giao kết hợp đồng.
3. Nguyên tắc thông báo, đăng ký ứng dụng di động là gì?
  1. Thương nhân, tổ chức sở hữu ứng dụng di động có cả chức năng bán hàng và chức năng cung cấp dịch vụ TMĐT chỉ thực hiện thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương (“BCT”) theo quy định.
  2. Với một ứng dụng di động, thương nhân, tổ chức, cá nhân chỉ thực hiện thủ tục thông báo hoặc đăng ký một lần cho các phiên bản ứng dụng khác nhau.
4. Thủ tục thông báo ứng dụng bán hàng được thực hiện như thế nào?

Thông thường có 04 bước như sau:

Bước 1: Thương nhân, tổ chức, cá nhân đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống online.gov bằng việc cung cấp thông tin theo mẫu.

Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, thương nhân, tổ chức, cá nhân nhận kết quả từ BCT qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:

  1. Trường hợp 1: Thông tin đăng ký tài khoản đầy đủ, thương nhân, tổ chức, cá nhân được cấp một tài khoản đăng nhập hệ thống và tiến hành bước tiếp theo.
  2. Trường hợp 2: Đăng ký tài khoản bị từ chối hoặc yêu cầu bổ sung, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải tiến hành đăng ký lại hoặc bổ sung thông tin theo yêu cầu.

Bước 3: Sau khi được cấp tài khoản đăng nhập hệ thống, thương nhân, tổ chức, cá nhân tiến hành đăng nhập, chọn chức năng Thông báo ứng dụng bán hàng và tiến hành khai báo thông tin theo mẫu.

Bước 4: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, thương nhân, tổ chức, cá nhân nhận thông tin phản hồi của BCT qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:

  1. Xác nhận thông tin khai báo đầy đủ, hợp lệ; hoặc
  2. Cho biết thông tin khai báo chưa đầy đủ hoặc không hợp lệ. Khi đó, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải quay về Bước 3 để khai báo lại hoặc bổ sung các thông tin theo yêu cầu.

Thương nhân, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ qua thư điện tử hoặc tài khoản truy cập hệ thống đã được cấp để tiến hành cập nhật và chỉnh sửa thông tin theo yêu cầu.

Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo yêu cầu bổ sung thông tin ở Bước 4 theo quy định, nếu thương nhân, tổ chức, cá nhân không có phản hồi thì hồ sơ thông báo sẽ bị chấm dứt và phải tiến hành thông báo lại hồ sơ từ Bước 3.

5. Có cần cập nhật thông tin của ứng dụng bán hàng khi có sự thay đổi không?

Tùy từng trường hợp, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải thông báo về BCT trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi có sự thay đổi các thông tin sau:

  1. Tên ứng dụng;
  2. Địa chỉ lưu trữ hoặc địa chỉ tải ứng dụng;
  3. Loại hàng hóa, dịch vụ giới thiệu trên ứng dụng;
  4. Tên đăng ký của thương nhân, tổ chức hoặc tên của cá nhân sở hữu ứng dụng;
  5. Địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc địa chỉ thường trú của cá nhân;
  6. Số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức; hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân; và
  7. Tên, chức danh, số chứng minh nhân dân, số điện thoại và địa chỉ thư điện tử của người đại diện thương nhân, người chịu trách nhiệm đối với ứng dụng bán hàng.
6. Thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu ứng dụng bán hàng có trách nhiệm gì liên quan đến ứng dụng bán hàng?

Chủ sở hữu ứng dụng bán hàng có 07 nghĩa vụ như sau:

  1. Thông báo với BCT nếu ứng dụng có chức năng đặt hàng trực tuyến.
  2. Cung cấp đầy đủ các thông tin sau trên ứng dụng:
    • Tên và địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân;
    • Số điện thoại, địa chỉ thư điện tử hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác.
  3. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động TMĐTtrên ứng dụng di động
    • Tuân thủ các nghĩa vụ về bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng;
    • Thông báo cho người tiêu dùng về việc ứng dụng của mình sẽ thu thập những thông tin gì trên thiết bị di động khi được cài đặt và sử dụng;
    • Không được phép mặc định buộc người tiêu dùng phải sử dụng các dịch vụ đính kèm khi cài đặt và sử dụng ứng dụng của mình.
  4. Thực hiện các quy định về hoạt động của chức năng đặt hàng trực tuyến nếu ứng dụng bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.
  5. Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê TMĐT, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong TMĐT.
  6. Tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ.
  7. Trong trường hợp sử dụng ứng dụng bán hàng để kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, thì phải đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đồng thời công bố trên ứng dụng số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
7. Thủ tục đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT được thực hiện như thế nào?

Thông thường có 05 bước như sau:

Bước 1: Thương nhân, tổ chức đăng ký tài khoản đăng nhập hệ thống tại địa chỉ www.online.gov.vn bằng việc cung cấp những thông tin sau:

  1. Tên thương nhân, tổ chức;
  2. Số đăng ký kinh doanh của thương nhân, số quyết định thành lập của tổ chức;
  3. Lĩnh vực kinh doanh/hoạt động;
  4. Địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức; và
  5. Các thông tin liên hệ.

Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, thương nhân, tổ chức nhận kết quả từ BCT qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:

  1. Nếu thông tin đăng ký tài khoản đầy đủ, thương nhân, tổ chức được cấp một tài khoản đăng nhập hệ thống và tiến hành tiếp Bước 3;
  2. Nếu đăng ký tài khoản bị từ chối hoặc yêu cầu bổ sung thông tin, thương nhân, tổ chức phải tiến hành đăng ký lại hoặc bổ sung thông tin theo yêu cầu.

Bước 3: Sau khi được cấp tài khoản đăng nhập hệ thống, thương nhân, tổ chức tiến hành đăng nhập, chọn chức năng Đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT, tiến hành khai báo thông tin theo mẫu và đính kèm hồ sơ đăng ký.

Bước 4: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, thương nhân, tổ chức nhận thông tin phản hồi của BCTqua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký về một trong các nội dung sau:

  1. Xác nhận hồ sơ đăng ký đầy đủ, hợp lệ và yêu cầu thương nhân, tổ chức thực hiện tiếp Bước 5;
  2. Thông báo hồ sơ đăng ký không hợp lệ hoặc yêu cầu bổ sung thông tin. Khi đó thương nhân, tổ chức quay về Bước 3 để khai báo lại hoặc bổ sung các thông tin, hồ sơ theo yêu cầu.

Bước 5: Sau khi nhận được thông báo xác nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, thương nhân, tổ chức gửi về BCT(Cục TMĐT và Công nghệ thông tin) bộ hồ sơ đăng ký hoàn chỉnh (bản giấy).

Thương nhân, tổ chức có trách nhiệm theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ qua thư điện tử hoặc tài khoản truy cập hệ thống đã được cấp để tiến hành cập nhật và chỉnh sửa thông tin theo yêu cầu.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo yêu cầu bổ sung thông tin ở Bước 4, nếu thương nhân, tổ chức không có phản hồi thì hồ sơ đăng ký trên hệ thống sẽ bị chấm dứt và thương nhân, tổ chức phải tiến hành đăng ký lại từ đầu.

8. Hồ sơ đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT bao gồm những tài liệu nào?

Hồ sơ đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT gồm 03 tài liệu chính như sau:

  1. Đơn đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT;
  2. Bản sao được chứng thực quyết định thành lập (đối với tổ chức), giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép đầu tư (đối với thương nhân);
  3. Đề án cung cấp dịch vụ TMĐT bao gồm các nội dung sau:
    • Mô hình tổ chức hoạt động, bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ, hoạt động xúc tiến, tiếp thị dịch vụ cả trong và ngoài môi trường trực tuyến;
    • Cấu trúc, tính năng và các mục thông tin chủ yếu trên ứng dụng cung cấp dịch vụ;
    • Phân định quyền và trách nhiệm giữa thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT với các bên sử dụng dịch vụ.
9. Có cần cập nhật thông tin của ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT khi có sự thay đổi không?

Tùy từng trường hợp, thương nhân, tổ chức phải thông báo về BCT trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày có sự thay đổi thông tin dưới đây:

  1. Thay đổi tên, địa chỉ lưu trữ ứng dụng hoặc địa chỉ để tải ứng dụng;
  2. Thay đổi tên thương nhân, tổ chức;
  3. Thay đổi người đại diện thương nhân, người chịu trách nhiệm đối với ứng dụng cung cấp dịch vụ;
  4. Thay đổi địa chỉ trụ sở giao dịch hoặc thông tin liên hệ;
  5. Thay đổi quy chế và điều kiện giao dịch trên ứng dụng cung cấp dịch vụ;
  6. Thay đổi các điều khoản của hợp đồng cung cấp dịch vụ;
  7. Thay đổi hoặc bổ sung dịch vụ cung cấp trên ứng dụng;
  8. Các thay đổi khác do BCT quy định.
10. Thủ tục hủy bỏ, chấm dứt đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT được thực hiện như thế nào?
  1. Đối với việc chấm dứt đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT, thương nhân, tổ chức phải thông báo cho BCTtrước 07 ngày làm việc để chấm dứt đăng ký. Việc thông báo này được thực hiện trực tuyến qua tài khoản truy cập hệ thống đã được cấp khi tiến hành đăng ký hoặc bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Bộ Công Thương.
  2. Bên cạnh đó, thương nhân, tổ chức bị hủy bỏ đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐTtrong các trường hợp sau:
    • Thực hiện các hành vi bị cấm trong hoạt động TMĐT.
    • Không thực hiện nghĩa vụ báo cáo và tiếp tục tái phạm sau khi đã được BCT (Cục TMĐT và Công nghệ thông tin) nhắc nhở.
    • Bị đình chỉ hoạt động TMĐT theo quyết định xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
    • Không thực hiện các trách nhiệm của chủ sở hữu ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT và tái phạm sau khi đã được Bộ Công Thương.
11. Thương nhân có thể đăng ký lại ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT được thực hiện không?

Thương nhân được đăng ký lại ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT trong 02 trường hợp sau đây:

  1. Thương nhân nhận chuyển nhượng ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT phải tiến hành đăng ký lại ứng dụng trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận chuyển nhượng nêu trên.
  2. Thương nhân bị hủy bỏ đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT bởi các lý do không thực hiện nghĩa vụ báo cáo, và không thực hiện các trách nhiệm của chủ sở hữu ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT, được làm thủ tục đăng ký lại sau khi thương nhân, tổ chức đã khắc phục các hành vi vi phạm dẫn đến bị hủy bỏ đăng ký.
12. Thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT có trách nhiệm gì liên quan đến ứng dụng bán hàng?

Thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu ứng dụng bán hàng có các trách nhiệm sau đây:

  1. Đăng ký với BCT ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT theo luật định.
  2. Xây dựng và công bố trên ứng dụng các thông tin sau:
    • Phạm vi trách nhiệm của thương nhân, tổ chức sở hữu ứng dụng trong những giao dịch được thực hiện qua ứng dụng này;
    • Quyền và nghĩa vụ của các bên trong các giao dịch được thực hiện qua ứng dụng;
    • Cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các bên liên quan đến giao dịch được thực hiện qua ứng dụng;
    • Chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng ứng dụng theo luật định;
    • Biện pháp xử lý với các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thực hiện qua ứng dụng.
  3. Yêu cầu thương nhân, tổ chức, cá nhân là người sử dụng ứng dụng dịch vụ TMĐTđể bán hàng hóa, dịch vụ cung cấp các thông tin dưới đây khi đăng ký sử dụng dịch vụ:
    • Tên và địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân;
    • Số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức, hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân;
    • Số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác.
  4. Lưu trữ thông tin đăng ký của các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng ứng dụng và thường xuyên cập nhật những thông tin thay đổi, bổ sung có liên quan.
  5. Thiết lập cơ chế cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng ứng dụng thực hiện được quy trình giao kết hợp đồng nếu ứng dụng có chức năng đặt hàng trực tuyến.
  6. Thực hiện các trách nhiệm theo quy định về cung cấp dịch vụ khuyến mại trực tuyến nếu ứng dụng có chức năng tương tự như website khuyến mại trực tuyến.
  7. Thực hiện các quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ đấu giá trực tuyến nếu ứng dụng có chức năng đấu giá trực tuyến.
  8. Áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân và thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
  9. Ngăn chặn và loại bỏ khỏi ứng dụng các thông tin bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.
  10. Loại bỏ khỏi ứng dụng những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này.
  11. Yêu cầu người bán các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện trên ứng dụng của mình phải cung cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ đó (trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh).
  12. Cung cấp thông tin, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật sử dụng ứng dụng của mình.
  13. Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê TMĐT, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
13. Thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT để bán hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm gì liên quan đến ứng dụng bán hàng?

Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT để bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm:

  1. Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin cho thương nhân, tổ chức sở hữu ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT khi đăng ký sử dụng ứng dụng;
  2. Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ nếu cho phép khách hàng thực hiện việc đặt hàng trực tuyến;
  3. Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên ứng dụng; và
  4. Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê TMĐT.
14. Thương nhân, tổ chức sở hữu ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT có phải báo cáo hoạt động không?

Có. Thương nhân, tổ chức sở hữu ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT phải báo cáo hoạt động như sau:

  1. Trước ngày 15 tháng 01 hàng năm, thương nhân, tổ chức thiết lập ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT phải báo cáo BCT số liệu thống kê về tình hình hoạt động của năm trước đó.
  2. Việc báo cáo được thực hiện trực tuyến thông qua tài khoản của thương nhân, tổ chức tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT hoặc dưới hình thức văn bản qua đường bưu điện.
15. Có thể thiết lập chức năng thanh toán trực tiếp cho ứng dụng di động không?

Có. Việc thiết lập chức năng thanh toán trực tiếp cho ứng dụng di động được quy định như sau:

  1. Nếu ứng dụng di động có chức năng thanh toán trực tuyến, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải thiết lập cơ chế để khách hàng rà soát và xác nhận thông tin chi tiết về từng giao dịch thanh toán trước khi thực hiện thanh toán.
  2. Thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu ứng dụng di động có chức năng thanh toán trực tuyến phải thực hiện các trách nhiệm như sau:
    • Thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu ứng dụng TMĐT có chức năng thanh toán trực tuyến phải đảm bảo an toàn, bảo mật giao dịch thanh toán của khách hàng, xử lý khiếu nại và đền bù thiệt hại trong trường hợp thông tin thanh toán của khách hàng qua ứng dụng TMĐT bị thay đổi, xóa, hủy, sao chép, tiết lộ, di chuyển trái phép hoặc bị chiếm đoạt gây thiệt hại cho khách hàng.
    • Trường hợp tự phát triển giải pháp thanh toán để phục vụ riêng ứng dụng TMĐT bán hàng của mình, thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu ứng dụng phải áp dụng các biện pháp sau nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật cho giao dịch thanh toán của khách hàng.
    • Thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu ứng dụng TMĐT có chức năng thanh toán trực tuyến phải công bố trên ứng dụng chính sách về bảo mật thông tin thanh toán cho khách hàng.

Nội dung nêu trên không phải là ý kiến tư vấn chính thức từ BLawyers Vietnam. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ consult@blawyersvn.com. Chúng tôi rất vui khi nghe từ bạn.

Ngày: 06/10/2023

Người viết: Tính Nguyễn và Uyên Trần

blawyersvn-cta-image

Yêu cầu tư vấn luật miễn phí

Vui lòng gọi cho chúng tôi hoặc điền vào mẫu đơn bên dưới. Chúng tôi sẽ phản hồi bạn trong vòng 24 giờ đồng hồ.

This field is for validation purposes and should be left unchanged.