Làm thế nào nếu phát hiện một doanh nghiệp có tên thương mại giống với một nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam?

Trên thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp tên thương mại của một doanh nghiệp trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ của chủ thể khác. Việc này dẫn đến xung đột quyền với quyền sở hữu trí tuệ (“QSHTT”) đã tồn tại trước. Vậy làm thế nào để bảo vệ quyền và lợi ích của chủ thể QSHTT khi phát hiện một doanh nghiệp có tên thương mại trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ?

1. Các quy định của pháp luật nhằm ngăn ngừa tên thương mại xâm phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ

Pháp luật về doanh nghiệp có những quy định cụ thể nhằm ngăn ngừa việc đặt tên cho doanh nghiệp xâm phạm đến QSHTT của chủ thể khác. Điều 19.1 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định doanh nghiệp không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu đó.

Nghị định số 01/2021/NĐ-CP cũng khuyến khích doanh nghiệp trước khi đăng ký đặt tên doanh nghiệp, nên tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp.

2. Các tiêu chí xác định tên thương mại xâm phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ

Để được pháp luật bảo hộ dưới danh nghĩa là tên thương mại, tổ chức, cá nhân cần phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 78 của Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi năm 2007 (“LSHTT 2005”), bao gồm: (i) Chứa thành phần tên riêng; (ii) Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh; và (iii) Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.

Do đó, để có thể kết luận tên thương mại có xâm phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ hay không, cần căn cứ vào ít nhất là hai yếu tố sau:

(1) Việc sử dụng tên thương mại có thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người sử dụng không? Để đưa ra được kết luận về vấn đề này, cần xem xét tên thương mại và nhãn hiệu được pháp luật bảo hộ không, bảo hộ trong phạm vi nào; và

(2) Tên thương mại có trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ của chủ thể khác không?

3. Bảo vệ nhãn hiệu khi tên thương mại xâm phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ

Trên thực tế, pháp luật Việt Nam về bảo hộ nhãn hiệu tuân theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, nghĩa là ưu tiên cho người nộp đơn đăng ký bảo hộ sớm nhất. Theo đó, khi tên thương mại chứa đựng yếu tố xâm phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ trước đó, chủ sở hữu nhãn hiệu có thể bảo vệ QSHTT bằng các biện pháp sau:

3.1. Yêu cầu người sử dụng tên thương mại chấm dứt hành vi xâm phạm

Khi xác định rõ hành vi xâm phạm của người sử dụng tên thương mại thì chủ sở hữu nhãn hiệu có thể yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm đó phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.

3.2. Xử lý hành vi vi phạm bằng biện pháp dân sự

Nếu yêu cầu nêu tại Mục 3.1 ở trên không có kết quả hoặc kết quả không như mong muốn thì chủ sở hữu nhãn hiệu có thể khởi kiện để yêu cầu tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây đối với người sử dụng tên thương mại có hành vi xâm phạm nhãn hiệu:

(i) Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;

(ii) Buộc xin lỗi, cải chính công khai;

(iii) Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;

(iv) Buộc bồi thường thiệt hại;

(v) Và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền yêu cầu Tòa án cấm bên vi phạm sử dụng tên thương mại đó hoặc đề nghị Cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm nhãn hiệu của mình phải thay đổi tên gọi cho phù hợp.

3.3. Xử lý xâm phạm nhãn hiệu bằng biện pháp hành chính

Khi xác định rõ hành vi xâm phạm của người sử dụng tên thương mại thì chủ sở hữu nhãn hiệu có thể nộp đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm.

3.4. Xử lý hành vi vi phạm nhãn hiệu bằng biện pháp hình sự

Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm QSHTT có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.

Khi chủ sở hữu nhãn hiệu có căn cứ xác định có hành vi vi phạm xâm phạm theo quy định tại Điều 226 của Bộ luật Hình sự 2015 thì có thể yêu cầu cơ quan chức năng khởi tố vụ án hình sự.

Đọc thêm: Sơ lược về xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ consult@blawyersvn.com. BLawyers Vietnam rất muốn nghe từ bạn!

Ngày viết: 13/01/2022

Tác giả: Huy Nguyễn

Có thể bạn muốn tìm hiểu thêm:

Sơ lược về xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

Việt Nam: 04 lưu ý về đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp

Đăng ký nhãn hiệu ở Việt Nam: những điều cần lưu ý

blawyersvn-cta-image

Yêu cầu tư vấn luật miễn phí

Vui lòng gọi cho chúng tôi hoặc điền vào mẫu đơn bên dưới. Chúng tôi sẽ phản hồi bạn trong vòng 24 giờ đồng hồ.

This field is for validation purposes and should be left unchanged.