Ngày viết: 13/8/2021
Tác giả: Thư Trần
Hiện nay, các công ty du lịch đang quảng bá sản phẩm “tour du lịch mua trước, dùng sau” với nhiều lợi ích. Khách du lịch mua tour này có thể quyết định thực hiện tour tại một thời điểm trong tương lai mà không phụ thuộc vào lịch trình định sẵn như tour du lịch thông thường. Tuy nhiên, tour này vẫn có rủi ro tranh chấp khi khách hàng phải trả tiền trước mà không biết tại thời điểm thực hiện tour công ty du lịch/ đối tác của họ sẽ ra sao. Vậy luật Việt Nam sẽ bảo vệ khách mua tour như thế nào?
Qua bài viết này, BLawyers Vietnam sẽ cung cấp một số lưu ý để khách mua tour tham khảo.
1. Quyền lợi cơ bản của khách du lịch khi tham gia tour du lịch theo hợp đồng
- Thứ nhất, khách du lịch được quyền sử dụng tour du lịch theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng du lịch. Đây được xem như quyền cơ bản nhất của khách du lịch. Công ty du lịch không được thay đổi bất kỳ điều khoản nào trong thời hạn thực hiện hợp đồng mà không được sự đồng ý của khách hàng. Nếu công ty du lịch vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.
- Thứ hai, khách du lịch có quyền được cung cấp đầy đủ thông tin về công ty du lịch, chương trình, dịch vụ, điểm đến du lịch. Đây đều là những thông tin quan trọng mà các công ty du lịch phải cung cấp đến khách du lịch. Nếu việc không cung cấp đủ các thông tin dẫn đến tranh chấp phát sinh từ hợp đồng thì công ty du lịch sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định.
- Thứ ba, khách du lịch được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản khi sử dụng dịch vụ du lịch. Theo đó, công ty du lịch phải cảnh báo nguy hiểm, thông báo, chỉ dẫn khách du lịch kịp thời trong trường hợp khẩn cấp và áp dụng biện pháp cần thiết khác. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch phải có biện pháp phòng, tránh rủi ro và tổ chức bộ phận bảo vệ, cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch. Khách du lịch cũng có thể yêu cầu công ty du lịch cung cấp thông tin về an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại khu du lịch, điểm du lịch.
- Thứ tư, Luật Du Lịch 2017 cấm các cơ sở lưu trú du lịch “tự phong sao”, nghĩa là có hành vi quảng cáo không đúng loại, hạng của cơ sở lưu trú du lịch theo quy định. Điều này nhằm bảo vệ khách hàng trước những thông tin sai lệch về chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch.
- Thứ năm, khách du lịch khi tham gia tour du lịch đều phải được các công ty du lịch mua bảo hiểm, trừ trường hợp khách du lịch đã có bảo hiểm cho toàn bộ tour du lịch. Hơn nữa, các công ty kinh doanh vận tải khách du lịch cũng phải có trách nhiệm mua bảo hiểm cho khách du lịch theo phương tiện vận tải.
2. Quyền của khách du lịch trong trường hợp công ty du lịch không cung ứng dịch vụ đúng như thỏa thuận
Trong trường hợp công ty du lịch không đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng dịch vụ du lịch, khách du lịch có thể thực hiện các quyền sau để bảo vệ chính mình:
- Thứ nhất, quyền kiến nghị với tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch và cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến hoạt động du lịch. Thậm chí khách du lịch có thể khiếu nại, tố cáo lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền khi công ty du lịch có hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Thứ hai, quyền yêu cầu thực hiện tour du lịch và bồi thường thiệt hại. Hình thức tour du lịch trả tiền trước, dùng sau tiềm ẩn nhiều nguy cơ về việc công ty du lịch đã nhận tiền nhưng lại không thực hiện cung cấp tour du lịch khi đến thời điểm khách yêu cầu. Điều này là vi phạm thỏa thuận giữa các bên. Trong trường hợp này khách du lịch có thể yêu cầu công ty du lịch tiếp tục thực hiện tour du lịch và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có). Ngoài ra, việc cung ứng dịch vụ không đúng thời hạn cũng là một căn cứ để khách du lịch yêu cầu giảm tiền dịch vụ, công ty du lịch phải hoàn lại số tiền theo yêu cầu.
- Thứ ba, quyền yêu cầu hủy bỏ tour du lịch và chấm dứt hợp đồng dịch vụ du lịch. Theo pháp luật dân sự, khách du lịch có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu việc tiếp tục thực hiện hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho mình. Đối với tour du lịch chưa được thực hiện thì công ty du lịch buộc phải trả lại toàn bộ tiền mà khách hàng đã đóng từ trước và nếu tour du lịch đang được thực hiện chưa hoàn thành thì công ty phải trả lại phần tiền tương ứng với giá trị phần dịch vụ chưa cung ứng cho khách du lịch.
Đừng bỏ qua: 3 điều nào cần xem xét trước khi tiến hành một vụ kiện ở Việt Nam?
3. Quyền được giải thích về hợp đồng dịch vụ du lịch
Một quyền lợi nữa của khách du lịch được pháp luật bảo vệ thông qua việc giải thích hợp đồng dịch vụ du lịch theo quy định tại Luật Bảo Vệ Quyền Lợi Người Tiêu Dùng:
“Điều 15. Giải thích hợp đồng giao kết với người tiêu dùng
Trong trường hợp hiểu khác nhau về nội dung hợp đồng thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng.”
Vì công ty du lịch là bên soạn hợp đồng dịch vụ du lịch, họ sẽ là bên có lợi thế hơn so với khách du lịch. Vì vậy, có những nội dung hợp đồng gây mâu thuẫn, chưa được pháp luật định nghĩa và mỗi bên đều có một cách hiểu khác nhau thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phải giải thích theo hướng có lợi cho khách du lịch.
4. Quyền đàm phán, sửa đổi và chấm dứt hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản
Vì tính chất của tour du lịch mua trước dùng sau là cung ứng một dịch vụ trong tương lai nên sẽ có những thay đổi khách quan không thể lường trước được, đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 xảy ra. Nếu những thay đổi này khiến cho các bên khó có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng thì sẽ phải xử lý như sau:
- Thứ nhất, công ty du lịch phải có trách nhiệm áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn nguy cơ gây thiệt hại cho khách hàng. Nếu có căn cứ cho rằng lợi ích của khách du lịch bị ảnh hưởng bởi những thay đổi cơ bản đó, khách du lịch có quyền yêu cầu bên phía công ty cùng đàm phán lại hợp đồng.
- Thứ hai, nếu hai bên vẫn không thể thống nhất với nhau, khách du lịch có quyền khởi kiện yêu cầu chấm dứt hợp đồng hoặc sửa đổi hợp đồng.
Đừng bỏ qua: Cách xác định tiền lãi chậm trả, phạt vi phạm và bồi thường trong quan hệ thương mại theo Án lệ số 09/2016/AL?
Tóm lại, pháp luật Việt Nam đã có những quy định về việc bảo vệ quyền lợi của khách du lịch. Vậy nên khách du lịch cần lưu ý để bảo vệ chính mình.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ consult@blawyersvn.com. BLawyers Vietnam rất muốn nghe từ bạn!
Có thể bạn muốn tìm hiểu thêm:
6 điều người sử dụng lao động không được làm đối với người lao động trong thời kì dịch bệnh Covid-19
Thư yêu cầu của Luật sư giúp ích cho các doanh nghiệp như thế nào?
Rủi ro nào cho việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng nhà đất có giá trị thấp hơn thực tế?