Phạt vi phạm hợp đồng, thỏa thuận phạt bao nhiêu là hợp pháp?

Phạt vi phạm được các bên áp dụng khá phổ biến trong hợp đồng, như một phần tất yếu để đảm bảo cho nghĩa vụ thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ quy định về mức phạt vi phạm hợp đồng. Qua bài viết này, BLawyers Vietnam sẽ giới thiệu một số điểm đáng lưu ý về thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng.

"phạt vi phạm"

1. Điều kiện áp dụng phạt vi phạm hợp đồng

Căn cứ theo Bộ luật dân sự và Luật thương mại hiện hành thì có ba điều kiện quan trọng cần được thỏa mãn để có thể áp dụng chế tài phạt vi phạm hợp đồng.

  1. Điều kiện thứ nhất là các bên phải có thỏa thuận về phạt vi phạm. Nếu không có thỏa thuận thì dù có hành vi vi phạm hợp đồng xảy ra trên thực tế thì bên bị vi phạm cũng không được quyền áp dụng chế tài này.
  2. Điều kiện thứ hai là phải có hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để áp dụng phạt vi phạm hợp đồng. Như vậy, không phải tất cả các hành vi vi phạm đều dẫn đến việc áp dụng chế tài phạt vi phạm. Chỉ những hành vi vi phạm được nêu trong thỏa thuận phạt vi phạm mới có thể dẫn đến việc áp dụng chế tài phạt vi phạm.
  3. Điều kiện thứ ba là hành vi vi phạm phải không thuộc các trường hợp được miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Đọc thêm chuỗi các bài về hợp đồng của chúng tôi:

Xung đột pháp luật về hợp đồng theo luật Việt Nam và 4 nguyên tắc giải quyết xung đột

Sự kiện bất khả kháng và 4 lưu ý khi soạn thảo điều khoản này trong hợp đồng

7 vấn đề tranh chấp hợp đồng li-xăng thường thấy ở Việt Nam

Đóng dấu văn bản – khi nào phải có?

2. Giới hạn mức phạt vi phạm trong hợp đồng

Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác” . Như vậy, về nguyên tắc, mức phạt vi phạm không bị giới hạn mà thay vào đó các bên trong hợp đồng được tự do thỏa thuận mức phạt vi phạm, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

Hiện nay, chỉ có Luật thương mại và Luật xây dựng có quy định về giới hạn mức phạt vi phạm trong hợp đồng. Luật thương mại 2005 đặt ra mức phạt vi phạm tối đa là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp phạt vi phạm do vô ý giám định sai. Cụ thể, khoản tiền phạt vi phạm trong trường hợp vô ý giám định sai sẽ do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá mười lần thù lao dịch vụ giám định . Còn Luật xây dựng 2014 thì đặt ra mức phạt tối đa đối với công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công là 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm .

Để áp dụng chế tài phạt vi phạm một cách hợp pháp, cần có sự phân biệt rõ ràng giữa khái niệm “giá trị hợp đồng” và “giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm”.

Có thể lấy một ví dụ minh họa cho sự khác biệt giữa hai khái niệm như sau:

Vào ngày 1/1/2021, công ty A ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa với công ty B theo quy định của Luật thương mại 2005. Theo đó, công ty B có nghĩa vụ thanh toán cho công ty A 3 tỷ đồng sau khi nhận đủ hàng hóa. Ngày 1/5/2021, công ty B đã nhận đủ hàng hóa nhưng chỉ thanh toán cho công ty A 2 tỷ đồng. Như vậy, giá trị hợp đồng trong trường hợp này là 3 tỷ đồng nhưng giá trị phần hợp đồng bị vi phạm thì chỉ có 1 tỷ đồng – tương đương với số tiền mà công ty B đã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán với công ty A.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể dễ dàng xác định phần hợp đồng bị vi phạm. Ví dụ như vi phạm nghĩa vụ cung cấp tài liệu, nghĩa vụ chuyển giao tài sản… Những nghĩa vụ nêu trên không thể định giá được bằng tiền, nên rất khó để xác định giá trị phần hợp đồng bị vi phạm.

3. Hệ quả pháp lý khi thỏa thuận vượt quá mức phạt vi phạm tối đa

Pháp luật hiện hành không có một quy định nào đề cập đến cách thức giải quyết trong trường hợp hai bên thỏa thuận mức phạt vi phạm vượt quá mức tối đa được quy định. Tuy nhiên, trên thực tiễn xét xử các bản án kinh doanh thương mại, Tòa án giải quyết theo hướng giảm mức phạt vi phạm xuống 8% để phù hợp với quy định của Luật thương mại.

Như vậy, kể cả khi các bên thỏa thuận mức phạt vượt quá mức tối đa được pháp luật quy định, thỏa thuận phạt vi phạm vẫn không bị vô hiệu, các bên không phải chịu bất kỳ chế tài nào. Điều này dẫn đến thực trạng là các bên trong hợp đồng thường thỏa thuận mức phạt theo mong muốn của bản thân, bỏ qua quy định về mức phạt vi phạm tối đa. Chỉ khi phát sinh tranh chấp tại Tòa án thì các bên mới đồng ý điều chỉnh lại mức phạt vi phạm phù hợp với quy định pháp luật.

Tóm lại, phạt vi phạm là chế tài được sử dụng phổ biến trong quan hệ hợp đồng. Các bên trong hợp đồng cần nắm rõ quy định pháp luật để thỏa thuận mức phạt hợp pháp. Điều này sẽ giúp giảm thiểu tranh chấp phát sinh trong tương lai.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ consult@blawyersvn.com. BLawyers Vietnam rất muốn nghe từ bạn!

Ngày: 25/03/2022

Người viết: Quang Nguyễn & Thảo Nguyễn 

Maybe you want to read:

7 vấn đề tranh chấp hợp đồng li-xăng thường thấy ở Việt Nam

Xung đột pháp luật về hợp đồng theo luật Việt Nam và 4 nguyên tắc giải quyết xung đột

Sự kiện bất khả kháng và 4 lưu ý khi soạn thảo điều khoản này trong hợp đồng

blawyersvn-cta-image

Yêu cầu tư vấn luật miễn phí

Vui lòng gọi cho chúng tôi hoặc điền vào mẫu đơn bên dưới. Chúng tôi sẽ phản hồi bạn trong vòng 24 giờ đồng hồ.

This field is for validation purposes and should be left unchanged.