Ngày viết: 13/10/2021
Tác giả: Linh Nguyễn
Ngày nay, khi mà các nguồn năng lượng hóa thạch (như than đá, dầu mỏ…) đang ngày càng cạn kiệt, con người đứng trước thách thức phải tìm ra những nguồn năng lượng mới để thay thế. Năng lượng hạt nhân là một giải pháp tiềm năng để giảm thiểu biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. Để tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển điện hạt nhân, Việt Nam đã xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về năng lượng nguyên tử, tạo hành lang pháp lý phát triển điện hạt nhân an toàn và hiệu quả. BLawyers Vietnam sẽ giới thiệu khái quát pháp luật Việt Nam liên quan đến năng lượng hạt nhân như bên dưới:
1. Năng lượng hạt nhân và nhà máy điện hạt nhân
Năng lượng hạt nhân hay năng lượng nguyên tử là năng lượng được giải phóng trong quá trình biến đổi hạt nhân bao gồm năng lượng phân hạch, năng lượng nhiệt hạch, năng lượng do phân rã chất phóng xạ. Nó cũng là năng lượng sóng điện từ có khả năng ion hoá vật chất và năng lượng các hạt được gia tốc.
Nhà máy điện hạt nhân là tổ hợp công trình bao gồm một hoặc nhiều tổ máy điện hạt nhân, hệ thống biến áp truyền tải điện lên lưới điện, nơi lưu trữ, lưu chuyển và xử lý chất phóng xạ được đặt tại cùng địa điểm và liên quan trực tiếp đến việc khai thác nhà máy điện hạt nhân đó.
2. Năng lượng hạt nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam
a. Pháp luật trong nước
Luật Năng lượng Nguyên tử đã được Quốc hội Việt Nam thông qua vào ngày 3/6/2008 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2009. Đây là đạo luật chuyên ngành đầu tiên điều chỉnh về năng lượng nguyên tử, đặc biệt là về lò phản ứng hạt nhân và nhà máy điện hạt nhân. Theo đó, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, an ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật luật có liên quan.
Ngay sau đó hàng loạt các văn bản hướng dẫn khác đã được ban hành, như Nghị định 07/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Năng lượng Nguyên tử, Nghị định 70/2010/NĐ-CP ngày 22/06/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Năng lượng Nguyên tử về nhà máy điện hạt nhân,…
Theo quy định, nhà máy điện hạt nhân thuộc danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, phải được bảo vệ đặc biệt, tuyệt đối an toàn trong quá trình khảo sát, thiết kế, xây dựng, vận hành và quản lý theo theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Việc đầu tư nhà máy điện hạt nhân phải tuân theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và các quy hoạch khác liên quan. Mọi hoạt động liên quan đến đầu tư xây dựng, vận hành và chấm dứt hoạt động của nhà máy điện hạt nhân phải đảm bảo yêu cầu cao nhất về an toàn và an ninh. Việc đầu tư xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân phải đạt được hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, giảm thiểu ảnh hưởng đối với môi trường, cải thiện và nâng cao đời sống của dân cư tại địa phương nơi có nhà máy điện hạt nhân.
b. Các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên ký kết
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia các điều ước quốc tế về năng lượng hạt nhân như: Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân 1982; Công ước về thông báo sớm khi có tai nạn hạt nhân 1987; Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện; Hiệp định về quyền ưu đãi và miễn trừ đối với IAEA 1967; Công ước an toàn hạt nhân 2010; Công ước chung về quản lý an toàn nhiên liệu đã qua sử dụng và an toàn quản lý chất thải phóng xạ 2013. Đây là các điều ước quốc tế hết sức quan trọng và cơ bản khi Việt Nam thực hiện phát triển điện hạt nhân.
3. Các dự án nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam
Việt Nam đã nghiên cứu và chọn được hai địa điểm xây dựng điện hạt nhân là Phước Dinh và Vĩnh Hải (Tỉnh Ninh Thuận). Trên cơ sở Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2007 về Chiến lược Năng lượng quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050, chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung Ương Đảng nhất trí vào tháng 9/2009. Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vào tháng 11/2009.
Do tình hình phát triển kinh tế Việt Nam có thay đổi so với thời điểm quyết định đầu tư dự án, vì vậy, theo Nghị quyết 31/2016/QH14 đề ngày 22/11/2016 Quốc hội đã cho dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ consult@blawyersvn.com. BLawyers Vietnam rất muốn nghe từ bạn!
Có thể bạn muốn tìm hiểu thêm:
Chính sách thuế đối với cá nhân, hộ gia đình kinh doanh điện mặt trời mái nhà
Danh mục chi tiết về chính sách ưu đãi và thủ tục đăng ký hoạt động hệ thống điện mặt trời mái nhà
[Đã cập nhật] 3 loại giấy phép cần có cho dự án điện mặt trời mái nhà