Danh sách 35 câu hỏi về CISG thường gặp và câu trả lời (phần 2)

Qua Bộ Câu Hỏi Thường Gặp và Câu Trả Lời này, BLawyers Vietnam sẽ cung cấp tổng quan về nội dung Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG). Vui lòng xem phần 1 tại đây.

CISG

Chào hàng và chấp nhận chào hàng

14. Thế nào là một lời chào hàng? Chào hàng gửi đi rồi có thể rút lại được không?

Một đề nghị về việc giao kết hợp đồng được gửi đến một hay nhiều người xác định sẽ cấu thành một chào hàng nếu nó đủ rõ ràng và thể hiện ý định chịu sự ràng buộc của bên chào hàng trong trường hợp được chấp nhận. Một đề nghị là đủ rõ ràng khi nó nêu rõ hàng hóa, ấn định giá cả và số lượng một cách trực tiếp hay gián tiếp hoặc quy định thể thức xác định các yếu tố này.

Theo CISG, chào hàng ngay cả khi không thể hủy bỏ, vẫn có thể bị rút lại nếu bên được chào hàng nhận được thông báo rút lại vào trước hoặc vào thời điểm nhận được chào hàng. Pháp luật Việt Nam có quy định tương tự về việc thay đổi, rút lại (thu hồi) đề nghị giao kết hợp đồng (Điều 389 Bộ luật Dân sự năm 2015).

15. Chào hàng được gửi cho nhiều người không xác định có được xem là một lời chào hàng hay không?

Một đề nghị giao kết hợp đồng để được xem là một chào hàng cần đáp ứng 03 điều kiện, bao gồm tính rõ ràng của đề nghị, tính xác định của người được đề nghị và ý chí của người chào hàng muốn tự ràng buộc bởi chào hàng đó.

Theo đó đề nghị phải được gửi đến một hay nhiều người xác định. Tuy nhiên CISG có ngoại lệ đối với trường hợp đề nghị giao kết được gửi cho nhiều người không xác định, bao gồm:

  1. Trường hợp đề nghị được gửi cho nhiều người không xác định rõ danh tính mà không khẳng định nó là một chào hàng (ví dụ quảng cáo, phát tờ rơi), thì đó chỉ được coi như một lời giới thiệu về chào hàng, sản phẩm, hay một lời mời chào hàng mà không cấu thành một chào hàng có giá trị pháp lý.
  2. Trường hợp đề nghị được gửi đến một hoặc nhiều bên không xác định nhưng đề nghị đó thể hiện ý chí của người chào hàng xem nó là một chào hàng thật sự, thì đề nghị đó đã đáp ứng đủ tính xác định để cấu thành một chào hàng.
16. Huỷ bỏ chào hàng có khác so với rút lại chào hàng không? Khi nào một chào hàng có thể bị huỷ bỏ?

Hủy bỏ một chào hàng là việc hủy bỏ, chấm dứt hiệu lực của một chào hàng đã phát sinh hiệu lực. Rút lại một chào hàng là việc thu hồi một chào hàng trước khi nó có giá trị hiệu lực. Như vậy, cả hai thuật ngữ đều được sử dụng trong trường hợp làm chấm dứt hiệu lực của một chào hàng. Tuy nhiên, xét theo tiêu chí về thời điểm khác nhau mà mỗi thuật ngữ được sử dụng và hiểu khác nhau. Trong đó:

  1. Thuật ngữ “Rút lại chào hàng” (quy định tại Điều 15.2 CISG): thời điểm rút lại chào hàng là lúc thông báo rút lại chào hàng tới nơi người được chào hàng trước hoặc cùng lúc với chào hàng.
  2. Thuật ngữ “Hủy bỏ chào hàng” (quy định tại Điều 16 CISG): thời điểm hủy bỏ chào hàng là lúc thông báo hủy chào hàng tới nơi người được chào hàng trước khi người này gửi chấp nhận chào hàng.

Điều kiện áp dụng thu hồi và hủy bỏ chào hàng cũng khác nhau:

  1. Người chào hàng có thể thu hồi chào hàng ngay cả đối với loại chào hàng không thể hủy ngang (trong thực tiễn kinh doanh thường được gọi là chào hàng cố định);
  2. Chào hàng sẽ không thể bị hủy bỏ nếu như nó có ấn định thời hạn xác định cho việc chấp nhận chào hàng hay ấn định rằng nó không thể bị hủy bỏ, hoặc người được chào hàng coi là không thể hủy bỏ và đã hành động hợp lý theo chiều hướng đó.
17. Hành vi nào được xem là chấp nhận chào hàng? Im lặng có được xem là chấp nhận chào hàng không?

Một chấp nhận chào hàng không nhất thiết phải được biểu hiện thông qua văn bản, lời nói mà còn có thể được ghi nhận bằng hành vi. Bên cạnh việc các bên cùng nhau ký kết văn bản thỏa thuận, chấp nhận chào hàng có thể được thể hiện thông qua các hành vi liên quan đến nghĩa vụ chủ yếu của các bên khi hợp đồng được hình thành như gửi hàng hay trả tiền, tạm ứng tiền.

Chấp nhận chào hàng bằng hành vi có thể được thể hiện ở 03 cách thức sau:

  1. Chào hàng thể hiện hoặc cho phép rõ ràng việc chấp thuận bằng một hành vi;
  2. Các bên thông qua các giao dịch tương tự trong quá khứ đã hình thành một thói quen chấp thuận bằng hành vi; và
  3. Thói quen thương mại được thừa nhận rộng rãi như là một hình thức chấp thuận chào hàng.

Trong một số trường hợp đặc biệt, việc bên mua đưa chào giá của bên bán vào trong một chào giá của mình cho một bên thứ ba và giao kết hợp đồng với bên thứ ba đó, cũng có thể coi là một hành vi chấp nhận chào hàng ràng buộc bên bán phải cung cấp hàng hóa đó cho bên mua.

Sự im lặng hoặc không hành động không mặc nhiên có giá trị là một chấp nhận. Hay nói cách khác, bản thân sự im lặng không thể đảm bảo chắc chắn cho người chào hàng rằng chào hàng của họ đã được chấp nhận. Trong mọi trường hợp, sau khoảng thời gian im lặng, bên nhận chào hàng chắc chắn phải thực hiện một hành vi thể hiện rõ ràng khuynh hướng chấp nhận chào hàng của họ (như gửi hàng hoặc trả tiền).

18. Thời hạn chấp nhận chào hàng được tính như thế nào? CISG quy định như thế nào về chấp nhận chào hàng muộn?

CISG có quy định về mốc tính thời hạn chấp nhận chào hàng khác nhau đối với các hình thức chào hàng được gửi đi như sau:

  1. Đối với chào hàng bằng điện tín hay thư thì thời hạn chấp nhận chào hàng bắt đầu được tính từ ngày ghi trên thư hoặc ngày bưu điện đóng dấu trên phong thư hoặc kể từ ngày bức điện được giao để gửi đi;
  2. Đối với chào hàng bằng điện thoại, telex hoặc phương tiện thông tin liên lạc khác thì thời hạn chấp nhận chào hàng bắt đầu được tính từ lúc người được chào hàng nhận được chào hàng.

Chấp nhận chào hàng muộn xảy ra khi người được đề nghị giao kết hợp đồng trả lời chấp nhận đề nghị sau thời điểm mà người đề nghị đặt ra để giới hạn thời gian trả lời. Nếu sau khi nhận được lời chấp nhận trong trường hợp trên, người đề nghị vẫn có ý định giao kết hợp đồng, họ phải thông báo lại bằng miệng cho người được đề nghị mà không trì hoãn. Trong trường hợp này, hợp đồng được coi là đã giao kết kể từ thời điểm người đề nghị nhận được chấp nhận chào hàng muộn.

19. Chấp nhận chào hàng có thể bị thu hồi không?

Mặc dù chấp nhận chào hàng đã được gửi đi đúng theo quy định của pháp luật, nhưng nó vẫn có thể bị thu hồi với điều kiện việc thông báo thu hồi đó phải tới trước hoặc cùng lúc với thông báo chấp nhận chào hàng. Như vậy, nguyên tắc để thu hồi chấp nhận chào hàng được áp dụng giống như việc thu hồi chào hàng.

20. Một trả lời có khuynh hướng chấp nhận chào hàng nhưng chứa các điều khoản sửa đổi, bổ sung thì được xem là chấp nhận chào hàng hay một chào hàng mới?

Về nguyên tắc, trả lời của bên được chào hàng chỉ được xem là chấp nhận chào hàng nếu bên được chào hàng chấp nhận toàn bộ nội dung của chào hàng (quy tắc tấm gương phản chiếu).

Tuy nhiên, Điều 19.2 CISG cho phép trường hợp ngoại lệ. Theo đó, trừ trường hợp bên chào hàng không chậm trễ phản đối bằng miệng hoặc bằng cách gửi thông báo phản đối, một trả lời có chứa các điều khoản bổ sung, sửa đổi vẫn có thể cấu thành một chấp nhận chào hàng nếu các điều khoản được điều chỉnh là các điều khoản không cơ bản hay không làm biến đổi một cách cơ bản nội dung của chào hàng (điều khoản không cơ bản).

Một số sửa đổi được coi là điều khoản không cơ bản bao gồm các điều chỉnh về số lượng hàng hóa trong mỗi lô hàng mà không làm thay đổi tổng số lượng hàng; bảo lãnh ngân hàng; chi phí vận tải; điều khoản bảo lưu quyền thay đổi ngày giao hàng trong điều khoản mẫu của bên bán.

Nghĩa vụ người bán và người mua

21. Theo CISG, người bán phải giao hàng trong thời hạn nào? Nếu hợp đồng không quy định về địa điểm giao hàng thì người bán phải tiến hành việc giao hàng như thế nào?

Thời hạn giao hàng của người bán được quy định theo 03 trường hợp cụ thể:

i. Nếu hợp đồng có thỏa thuận một ngày cụ thể, hoặc có thể xác định ngày cụ thể bằng cách tham chiếu hợp đồng, người bán phải giao hàng chính xác vào thời điểm được ấn định. Bất cứ sự giao hàng chậm trễ nào cũng sẽ cấu thành một sự vi phạm hợp đồng;

ii. Nếu người bán không bắt buộc phải giao hàng tại một nơi nhất định nào đó, thì địa điểm giao hàng sẽ được xác định như sau:

  • Nếu hợp đồng mua bán quy định cả việc vận chuyển hàng hoá thì người bán phải giao hàng cho người chuyên chở đầu tiên để chuyển giao cho người mua;
  • Trong những trường hợp không quy định ở điểm trên, mà đối tượng của hợp đồng mua bán là hàng đặc định hoặc là hàng đồng loại phải được lấy ra từ một khối lượng hàng xác định hoặc phải được chế tạo hay sản xuất ra và vào lúc giao kết hợp đồng, các bên đã biết rằng hàng đã ở kho hàng đó hay được chế tạo hoặc sản xuất ra tại một địa điểm cụ thể thì người bán phải có nghĩa vụ đặt hàng dưới quyền định đoạt của người mua tại địa điểm đó;
  • Trong các trường hợp khác, người bán có nghĩa vụ đặt hàng dưới quyền định đoạt của người mua tại nơi người bán có trụ sở thương mại vào thời điểm giao kết hợp đồng.

iii. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận khác, thì CISG cho phép xác định địa điểm giao hàng trong ba trường hợp cụ thể, đó là:

  • Nếu hợp đồng có quy định cả việc vận chuyển hàng hóa thì người bán phải giao hàng cho người chuyên chở đầu tiên;
  • Khi hàng hóa đang được đặt ở một nơi cụ thể, người bán sẽ giao hàng cho người mua ở nơi đó;
  • Trong các trường hợp khác, người bán sẽ giao hàng cho người mua tại địa điểm kinh doanh của người bán được xác định vào thời điểm giao kết hợp đồng.
22. Thế nào là hàng hóa không phù hợp với hợp đồng? CISG quy định về việc kiểm tra hàng hoá như thế nào?

Theo CISG, người bán sẽ vi phạm nghĩa vụ của mình nếu hàng hoá được giao không phù hợp với quy định của hợp đồng. Bên bán có nghĩa vụ giao hàng đúng số lượng, chất lượng và miêu tả theo quy định trong hợp đồng và được đóng gói bằng cách thức theo quy định trong hợp đồng.

Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, hàng hóa không phù hợp với hợp đồng, trừ khi chúng:

  1. Phù hợp với mục đích sử dụng thông thườ ng của hàng hóa cùng loại;
  2. Phù hợp với bất kỳ mục đích sử dụng cụ thể nào mà bên mua đã cho bên bán biết một cách rõ ràng hoặc ngầm định vào thời điểm giao kết hợp đồng, trừ trường hợp hoàn cảnh chỉ ra rằng bên mua không hành động dựa trên sự tin tưởng đối với năng lực và đánh giá của bên bán hoặc đối với bên mua thì hành động như vậy là không hợp lý;
  3. Có chất lượng giống như mẫu hàng hóa mà bên bán giao cho bên mua;
  4. Được đóng gói bằng cách thức thông thường cho loại hàng hóa đó hoặc, nếu không có cách thức đó, bằng cách thức phù hợp để bảo quản và bảo vệ hàng hóa.

Người mua phải tiến hành kiểm tra hàng hóa hoặc đảm bảo đã có sự kiểm tra hàng hóa trong một thời hạn ngắn nhất mà thực tế có thể làm được tùy vào từng tình huống cụ thể. Bên cạnh đó, CISG cho phép xác định việc kiểm tra hàng hóa trong trường hợp hợp đồng có quy định về việc chuyên chở và trong trường hợp điểm đến của hàng bị thay đổi trong thời gian hàng đang trên đường vận chuyển.

23. Khi rủi ro đã được chuyển từ người bán sang cho người mua, người bán có phải chịu trách nhiệm về việc hàng hóa không phù hợp với hợp đồng nữa không?

Người bán vẫn phải chịu trách nhiệm theo hợp đồng hoặc CISG nếu sự không phù hợp của hàng hoá nảy sinh tại thời điểm rủi ro được chuyển sang cho người mua, ngay cả khi sự không phù hợp của hàng hoá chỉ được phát hiện sau đó. Theo đó, thời điểm sự không phù hợp xuất hiện, thay vì thời điểm sự không phù hợp được phát hiện, mới là yếu tố quyết định trách nhiệm của người bán. Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong việc mua bán các hàng hóa nông lâm thủy hải sản. Ngược lại, nếu hàng hoá trở nên không phù hợp sau khi rủi ro đã được chuyển sang cho người mua, thì người bán không phải chịu trách nhiệm cho sự không phù hợp đó.

Trong trường hợp hàng hoá không phù hợp do lỗi của người bán, người bán sẽ phải chịu trách nhiệm ngay cả khi sự không phù hợp của hàng hoá chỉ xuất hiện sau khi rủi ro đã được chuyển sang cho người mua.

Nếu người bán đưa ra bảo đảm là trong một khoản thời gian nhất định, hàng hoá vẫn sẽ phù hợp cho mục đích thông dụng hoặc mục đích cụ thể nào đó, hoặc vẫn duy trì được những tính chất hay đặc tính đã quy định, thì người bán sẽ phải chịu trách nhiệm nếu hàng hoá trở nên không phù hợp sau khi rủi ro đã được chuyển sang cho người mua. Người mua sẽ phải chứng minh rằng người bán đã đưa ra lời đảm bảo nói trên.

24. Thời hạn để người mua khiếu nại người bán khi có hành vi vi phạm hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế như thế nào? Người mua có quyền áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng không?

Khi người bán vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, theo CISG, người mua có thể tiến hành khiếu nại người bán. Trong mọi trường hợp, người mua phải tiến hành khiếu nại người bán trong thời hạn 02 năm kể từ ngày hàng hóa đã thực sự được giao cho người mua, trừ khi thời hạn này trái ngược với thời hạn bảo hành được quy định trong hợp đồng.

Tuy nhiên, trước khi thực hiện việc khiếu nại, người mua cũng phải thực hiện một số yêu cầu khác theo quy định của CISG như:

  1. Thông báo cho người bán về sự không phù hợp của hàng hóa trong một thời hạn hợp lý kể từ lúc người mua phát hiện ra hoặc đáng lẽ phát hiện ra sự không phù hợp đó. Nếu không thực hiện việc thông báo này, người mua sẽ mất quyền khiếu nại người bán về sự không phù hợp của hợp đồng;
  2. Thông báo cho người bán những thông tin về tính chất của quyền hạn hay yêu sách của người thứ ba, trong một thời hạn hợp lý kể từ lúc người mua đã biết hoặc đáng lẽ phải biết về quyền hoặc yêu sách đó. Trường hợp này được áp dụng khi có quyền hoặc yêu sách của người thứ ba liên quan đến quyền sở hữu hàng hóa hoặc quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của CISG. Nếu người mua không tiến hành thông báo thì người mua cũng sẽ mất quyền khiếu nại người bán về vấn đề có liên quan.

Khi người bán có hành vi vi phạm hợp đồng, theo CISG, người mua có quyền áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng. CISG cho phép người mua có thể yêu cầu người bán thực hiện các nghĩa vụ của mình (như yêu cầu người bán giao hàng, yêu cầu người bán cung cấp bảo lãnh ngân hàng theo quy định của hợp đồng, yêu cầu người bán giao chứng từ, yêu cầu người bán giao hàng đúng chất lượng ,…). Việc chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng được nêu lên đầu tiên trong số các chế tài mà CISG quy định (từ Điều 46 đến 52) để người mua có thể áp dụng khi quyền lợi của họ bị ảnh hưởng cho thấy CISG hướng đến duy trì quan hệ hợp đồng giữa các bên trong mọi chừng mực có thể.

25. Người mua phải thực hiện việc nghĩa vụ thanh toán như thế nào? Người mua có được gia hạn thực hiện nghĩa vụ của mình không?

Nghĩa vụ thanh toán của người mua bao gồm việc thực hiện các biện pháp và các thủ tục mà hợp đồng hoặc bất kỳ luật nào đòi hỏi để có thể thực hiện được thanh toán tiền hàng. Điều này đã đặt cho người mua nghĩa vụ thực hiện các bước và thủ tục thanh toán theo hợp đồng hoặc luật qui định, nó cũng ngầm chỉ rằng người mua phải chịu chi phí cho các hoạt động đó.

Người bán có quyền gia hạn cho người mua một thời hạn hợp lý để thực hiện nghĩa vụ (ở đây là nghĩa vụ thanh toán hoặc nghĩa vụ nhận hàng). Đây là “quyền” của người bán, chứ không phải nghĩa vụ. Có nghĩa là người bán có thể lựa chọn gia hạn hoặc không gia hạn cho người mua trong trường hợp người mua chậm thực hiện nghĩa vụ.

26. Người mua có phải nhận hàng trong mọi trường hợp không? Trường hợp nào người mua được phép không nhận hàng?

Nhận hàng là nghĩa vụ của người mua, tuy nhiên không phải trường hợp nào người mua cũng phải nhận hàng. Có những trường hợp người mua không phải nhận hàng như người bán giao hàng trước thời hạn thì người mua có quyền lựa chọn chấp nhận hoặc từ chối việc nhận hàng quy định này là hợp lý vì nếu người mua phải nhận hàng thì sẽ gây ra những bất tiện và phát sinh chi phí lưu kho cho họ; hoặc khi người bán giao nhiều hơn số lượng quy định thì người mua có quyền chấp nhận hay từ chối việc giao hàng vượt trội này.

Huỷ bỏ hợp đồng và bồi thường thiệt hại

27. Người mua và người bán được tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng trong những trường hợp nào? Trường hợp nào thì người bán và người mua mất quyền tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng?

Quyền huỷ bỏ hợp đồng của người mua:

Việc người bán không thực hiện một nghĩa vụ nào đó của họ phát sinh từ hợp đồng hay từ CISG cấu thành một vi phạm cơ bản hợp đồng thì người mua có quyền hủy bỏ hợp đồng. Bên cạnh đó, người mua còn có thể hủy bỏ hợp đồng nếu người bán không giao hàng trong thời gian bổ sung hợp lý đã được người mua gia hạn thêm cho họ hoặc nếu người bán tuyên bố sẽ không giao hàng trong thời gian được gia hạn này.

Nếu trước thời điểm bên bán phải thực hiện hợp đồng, có dấu hiệu rõ ràng về việc người bán sẽ vi phạm cơ bản thì người mua cũng được tuyên bố hủy bỏ hợp đồng.

Quyền huỷ bỏ hợp đồng của người bán:

Người bán có quyền tuyên bố hủy bỏ hợp đồng khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

  1. Khi người mua không thực hiện một nghĩa vụ hợp đồng hoặc quy định của CISG cấu thành vi phạm cơ bản hợp đồng; or
  2. Khi người mua không thanh toán hoặc không nhận hàng hoặc tuyên bố không thực hiện nghĩa vụ trong thời hạn bổ sung được người bán ấn định.

Trường hợp người mua mất quyền hủy bỏ hợp đồng:

  1. Người mua việc mất quyền hủy bỏ hợp đồng khi người mua không tuyên bố về việc hủy trong một thời hạn hợp lý.
  2. Khi hàng hóa không phù hợp, người mua mất quyền tuyên bố hủy bỏ hợp đồng nếu họ không thể hoàn lại hàng hóa trong tình trạng về cơ bản giống như tình trạng khi họ nhận hàng đó.
28. Vi phạm cơ bản là gì?

Một sự vi phạm hợp đồng do một bên gây ra là vi phạm cơ bản nếu sự vi phạm đó làm cho bên kia bị thiệt hại mà người bị thiệt hại, trong một chừng mực đáng kể bị mất cái mà họ có quyền chờ đợi trên cơ sở hợp đồng, trừ phi bên vi phạm không tiên liệu được hậu quả đó và một người có lý trí minh mẫn cũng sẽ không thể tiên liệu được nếu họ cũng ở vào hoàn cảnh tương tự.

Như vậy, vi phạm hợp đồng bị coi là vi phạm cơ bản theo CISG phải thỏa mãn các yếu tố sau:

  1. Vi phạm hợp đồng của bên vi phạm phải gây thiệt hại cho bên bị vi phạm đến mức tước đi đáng kể những gì bên bị vi phạm có quyền kỳ vọng từ hợp đồng; và
  2. Bên vi phạm lường trước được thiệt hại đó.
29. Hậu quả pháp lý của huỷ bỏ hợp đồng là gì?

Theo CISG, hợp đồng bị hủy làm phát sinh những hậu quả pháp lý không chỉ đối với chính bản hợp đồng đã được các bên thỏa thuận, ký kết và thực hiện mà còn đối với quyền và nghĩa vụ của các bên, cụ thể:

  1. Chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Khi hợp đồng bị hủy, hợp đồng sẽ không còn hiệu lực đối với các bên, đồng nghĩa với việc các bên chấm dứt thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau, giải phóng các bên khỏi việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.
  2. Phát sinh nghĩa vụ hoàn lại những gì đã cung cấp hoặc đã thanh toán. Việc hủy bỏ hợp đồng có hiệu lực hồi tố và đặt các bên trở lại tình trạng trước khi ký kết hợp đồng, những nghĩa vụ chưa thi hành thì sẽ bị hủy và những nghĩa vụ đã thi hành thì sẽ được thu hồi lại.
30. Nghĩa vụ hạn chế tổn thất của bên bị vi phạm được quy định như thế nào?

Theo CISG, có 02 loại thiệt hại được bồi thường, bao gồm:

  1. Tổn thất mà bên bị vi phạm đã gánh chịu. Trong thực tế, thiệt hại xảy ra do vi phạm hợp đồng thường sẽ là những tài sản bị mất mát hoặc bị hủy hoại hoàn toàn, những hư hỏng, giảm sút về tài sản, chi phí mà bên bị phạm trong hợp đồng phải bỏ ra để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục những hậu quả do bên vi phạm hợp đồng gây ra (ví dụ như chi phí sửa chữa hàng hóa hư hỏng);
  2. Khoản lợi bị bỏ lỡ (thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút) đối với bên bị vi phạm, là hậu quả của sự vi phạm hợp đồng.

Khi có vi phạm hợp đồng, bên bị vi phạm hợp đồng phải áp dụng những biện pháp hợp lý căn cứ vào các tình huống cụ thể để hạn chế tổn thất kể cả khoản lợi bị bỏ lỡ do sự vi phạm hợp đồng gây ra. Nếu bên bị vi phạm hợp đồng không thực hiện việc hạn chế tổn thất, bên vi phạm hợp đồng có thể yêu cầu giảm bớt một khoản tiền bồi thường thiệt hại bằng với mức tổn thất đáng lẽ đã có thể hạn chế được.

31. Thế nào về bồi thường thiệt hại tinh thần?

CISG không quy định cụ thể thiệt hại tinh thần, ví dụ thiệt hại do ảnh hưởng đến uy tín của một bên có được bồi thường hay không.

Mặc dù việc đòi bồi thường thiệt hại tinh thần ít xảy ra đối với hợp đồng mua bán hàng hóa (mà chỉ thường xảy ra trong những hợp đồng ký kết với nghệ sĩ, vận động viên cấp cao hoặc những nhà tư vấn thuộc một công ty hay một tổ chức), các bình luận chính thức của CISG khẳng định bên bị thiệt hại tinh thần được đòi bồi thường, với điều kiện phải tuân thủ các yêu cầu của CISG về tính dự đoán trước được của thiệt hại và phải chứng minh thiệt hại tinh thần đó một cách hợp lý.

Việc bồi thường thiệt hại tinh thần có thể được xác định dưới những hình thức khác nhau và việc quyết định về các hình thức này, áp dụng riêng lẻ hay kết hợp, sao cho phù hợp nhất với việc bồi thường toàn bộ thiệt hại thuộc về toà án. Toà án không những có thể quyết định về bồi thường thiệt hại mà còn quyết định các hình thức sửa chữa khác, như buộc công khai trên báo chí (ví dụ bồi thường cho vi phạm gây ảnh hưởng đến uy tín,…).

32. Rủi ro đối với hàng hoá là gì?

Rủi ro đối với hàng hóa chính là những mất mát hay tổn thất đối với hàng hóa. Sự mất mát của hàng hoá bao gồm các trường hợp hàng hóa không thể được tìm thấy, đã bị đánh cắp hoặc đã được chuyển giao cho người khác. Sự tổn thất của hàng hóa bao gồm hàng hóa bị phá hủy toàn bộ, sự hư hỏng, giảm sút chất lượng hàng hóa và sự thiếu hụt số lượng của hàng hoá trong quá trình vận chuyển hoặc lưu trữ.

33. Khi nào được miễn trách nhiệm trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế? Hậu quả pháp lý của việc miễn trách nhiệm là gì?

Một bên không chịu trách nhiệm về việc không thực hiện bất kì một nghĩa vụ nào đó của họ nếu chứng minh được rằng việc không thực hiện đó là do:

  1. Một trở ngại nằm ngoài sự kiểm soát của họ và người ta không thể chờ đợi một cách hợp lí rằng họ phải tính tới trở ngại đó vào lúc kí kết hợp đồng hoặc là tránh được hay khắc phục được hậu quả của nó; hoặc
  2. Hành vi hoặc thiếu sót của bên còn lại trong hợp đồng. Tuy nhiên, bên không thực hiện phải thông báo cho bên kia biết về trở ngại và ảnh hưởng của nó đối với khả năng thực hiện nghĩa vụ trong một khoảng thời gian hợp lý và chỉ được miễn trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong khoảng thời gian tồn tại trở ngại đó.

Về hậu quả pháp lí của việc miễn trách, mặc dù bên vi phạm được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do gặp phải một trở ngại, bên bị vi phạm vẫn có quyền áp dụng các chế tài còn lại theo quy định của CISG, bao gồm:

  1. Yêu cầu giảm giá hàng hoá;
  2. Buộc thực hiện hợp đồng;
  3. Tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng;
  4. Thanh toán tiền lãi trên các khoản thanh toán chậm.
34. “Trở ngại” theo quy định của CISG có giống với “bất khả kháng” theo quy định của pháp luật Việt Nam không?

Một trở ngại được xem là trường hợp miễn trách phải thoả mãn đồng thời ba điều kiện sau:

  1. Xảy ra ngoài tầm kiểm soát của các bên;
  2. Không thể lường trước một cách hợp lí tại thời điểm kí kết hợp đồng; và
  3. Sự kiện và hậu quả của nó không thể tránh được hoặc không thể khắc phục được.

Đối chiếu với khái niệm bất khả kháng trong pháp luật Việt Nam (Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015), có thể thấy khái niệm “trở ngại khách quan” tại CISG là khá tương đồng với khái niệm “bất khả kháng” trong pháp luật Việt Nam.

35. Điều khoản thay đổi hoàn cảnh cơ bản là gì?

Hội đồng tư vấn CISG cho rằng một sự thay đổi hoàn cảnh khi không thể được tiên liệu một cách hợp lý, dẫn đến việc thực hiện hợp đồng trở nên vô cùng khó khăn hoàn toàn có thể được xem là cơ sở miễn trách. Khi xảy ra thay đổi hoàn cảnh cơ bản, thực tiễn xét xử cho thấy toà án và trọng tài có xu hướng cân nhắc việc giảm trừ hay miễn trách một cách tương thích với CISG và dựa trên các nguyên tắc chung của CISG.

Nội dung nêu trên không phải là ý kiến tư vấn chính thức từ BLawyers Vietnam. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ consult@blawyersvn.com. Chúng tôi rất vui khi nghe từ bạn.

Ngày: 22/12/2022

Người viết: Linh Nguyễn & Tính Nguyễn

blawyersvn-cta-image

Yêu cầu tư vấn luật miễn phí

Vui lòng gọi cho chúng tôi hoặc điền vào mẫu đơn bên dưới. Chúng tôi sẽ phản hồi bạn trong vòng 24 giờ đồng hồ.

This field is for validation purposes and should be left unchanged.