Tín dụng xanh cho hệ thống điện mặt trời tại Việt Nam: cần lưu ý gì?

Tín dụng xanh” đang ngày càng phổ biến thông qua các gói tín dụng cho dự án tiết kiệm năng lượng, tái tạo năng lượng và công nghệ sạch với mục tiêu là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường. Những gói hỗ trợ này được nhiều ngân hàng gọi với cái tên “tín dụng xanh”.

Thông qua bài viết này, BLawyers Vietnam sẽ giới thiệu sơ lược về tín dụng xanh cho hệ thống điện mặt trời tại Việt Nam.

Tín dụng xanh

1. Tín dụng xanh là gì?

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tín dụng xanh là tín dụng được cấp cho các dự án đầu tư sau đây: (i) Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; (ii) Ứng phó với biến đổi khí hậu; (iii) Quản lí chất thải; (iv) Xử lí ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; (v) Phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; (vi) Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; (vii) Tạo ra lợi ích khác về môi trường.

Như vậy, có thể hiểu tín dụng xanh là những khoản tín dụng được ngân hàng hỗ trợ cho các dự án sản xuất, kinh doanh không gây rủi ro, hoặc nhằm mục đích bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ sinh thái chung.

Đối với các dự án điện mặt trời, các ngân hàng sẽ đưa ra những gói hỗ trợ vay vốn đến với những khách hàng có nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà và đã ký kết hợp đồng với nhà thầu thực hiện việc tư vấn, khảo sát, thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống này.

2. Đặc điểm của tín dụng xanh

Tín dụng xanh là một hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại với các đặc điểm sau:

  1. Tín dụng xanh được cấp cho các dự án sản xuất, kinh doanh mà không gây rủi ro về môi trường. Tuy nhiên, không phải dự án xanh nào cũng được cấp tín dụng mà phải đáp ứng những tiêu chí nhất định. Đối với doanh nghiệp, các dự án phải chứng minh được tính hiệu quả, kinh doanh có lợi nhuận, có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ xanh, chứng minh được đầu ra của sản phẩm. Đối với cá nhân, phải chứng minh được năng lực tài chính, có hồ sơ sạch, không có nợ xấu tại ngân hàng;
  2. Tín dụng xanh cho vay chủ yếu bằng vốn huy động của các thành phần trong xã hội chứ không phải hoàn toàn là vốn huy động của ngân hàng. Các ngân hàng có thể tiếp cận nguồn vốn thông qua các hợp đồng ủy thác của Ngân hàng trung ương hay Ngân hàng Nhà nước, các quỹ hỗ trợ tín dụng xanh hoặc trực tiếp phát hành trái phiếu xanh trên thị trường. Trong đó, trái phiếu xanh là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành để huy động vốn cho dự án thuộc danh mục phân loại xanh; và
  3. Hoạt động cấp tín dụng xanh của ngân hàng liên quan đến nhiều cơ quan chức năng và Chính phủ khuyến khích các dự án xanh thông qua các chính sách thuế và cam kết đầu ra ổn định cho các doanh nghiệp đầu tư dự án hướng tới bảo vệ môi trường. Ngoài ra, ngân hàng cam kết cung cấp vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi.
3. Cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh của Việt Nam

Hiện nay pháp luật Việt Nam đã có cơ chế khuyến khích việc cấp tín dụng xanh, cụ thể:

  1. Khuyến khích tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam ưu tiên bố trí nguồn vốn để tài trợ, cho vay ưu đãi đối với dự án thuộc danh mục phân loại xanh, là những dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.
  2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cấp tín dụng xanh được hưởng các cơ chế khuyến khích sau:
    • Ưu tiên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển; và
    • Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ đào tạo, tập huấn cấp tín dụng xanh.
4. Lộ trình thực hiện tín dụng xanh tại Việt Nam

Theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, lộ trình thực hiện tín dụng xanh được quy định như sau:

  1. Bước 1: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tập trung, bố trí nguồn vốn phù hợp để cho vay ưu đãi khuyến khích chủ đầu tư thực hiện dự án thuộc danh mục phân loại xanh.
  2. Bước 2: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, hỗ trợ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tiếp nhận nguồn vốn viện trợ, cho vay ưu đãi nước ngoài để tài trợ cho dự án thuộc danh mục phân loại xanh theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công và pháp luật khác có liên quan.
  3. Bước 3: Căn cứ cân đối ngân sách Nhà nước và thực tế cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với dự án thuộc danh mục phân loại xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ lãi suất đối với dự án thuộc danh mục phân loại xanh sau khi kết thúc hợp đồng vay vốn trung, dài hạn tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam để thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2026.

Nội dung nêu trên không phải là ý kiến tư vấn chính thức từ BLawyers Vietnam. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ consult@blawyersvn.com. Chúng tôi rất vui khi nghe từ bạn.

Ngày: 21/4/2023

Người viết: Linh Nguyễn

blawyersvn-cta-image

Yêu cầu tư vấn luật miễn phí

Vui lòng gọi cho chúng tôi hoặc điền vào mẫu đơn bên dưới. Chúng tôi sẽ phản hồi bạn trong vòng 24 giờ đồng hồ.

This field is for validation purposes and should be left unchanged.