04 lưu ý cho các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon do Liên minh Châu Âu xác lập từ năm 2026

Rào cản thuế carbon ở thị trường Liên Minh Châu Âu

Vào ngày 01/10/2023, Liên minh Châu Âu (“EU”) đã bắt đầu thực hiện thí điểm Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (“CCĐCBGC”), chính sách này sẽ tạo nên một số rào cản nhất định cho ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, mọi sản phẩm nhập khẩu vào EU có phát thải khí carbon sẽ phải nộp thuế carbon khi CCĐCBGC chính thức có hiệu lực từ năm 2026.

Thông qua bài viết này, BLawyers Vietnam sẽ trình bày 04 lưu ý về CCĐCBGC khi các doanh nghiệp đến từ các quốc gia ngoài EU muốn đưa hàng hóa vào thị trường này.

1. Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon là gì?

CCĐCBGC là một chính sách về thuế nhập khẩu (hay còn gọi là thuế carbon) do EU ban hành dựa trên dấu chân carbon của sản phẩm trong quá trình sản xuất. Dấu chân carbon của mỗi sản phẩm nhập khẩu (hàng hóa hoặc dịch vụ) sẽ được tính bằng tổng lượng khí nhà kính (“KNK”) phát sinh trong mọi giai đoạn sản xuất của sản phẩm đó.

CCĐCBGC hiện đang được EU thực hiện thí điểm bắt đầu từ ngày 01/10/2023. Cơ chế này sẽ có hiệu lực chính thức vào năm 2026 và được vận hành toàn bộ vào năm 2034.

(i) Mục tiêu của CCĐCBGC

CCĐCBGC được ban hành nhằm hướng đến các mục tiêu sau:

  • Tạo sự cân bằng về giá carbon giữa sản phẩm nội địa và sản phẩm nhập khẩu trong EU: CCĐCBGC sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả sản phẩm nhập khẩu vào thị trường EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.
  • CCĐCBGC giúp giảm thiểu nguy cơ rò rỉ carbon: Rò rỉ carbon xảy ra khi các công ty có trụ sở tại EU chuyển công nghệ sản xuất sử dụng nhiều carbon đến các nước có chính sách khí hậu ít nghiêm ngặt hơn EU, hoặc khi các sản phẩm của EU được thay thế bởi hàng hóa nhập khẩu sử dụng nhiều carbon hơn.

(ii) Phạm vi áp dụng của CCĐCBGC

Các doanh nghiệp tại EU khi nhập khẩu hàng hóa của các quốc gia ngoài EU (“Nhà Nhập Khẩu”) đều phải chịu sự điều chỉnh của CCĐCBGC, cụ thể:

  • Từ ngày 01/10/2023 đến ngày 31/12/2025: Áp dụng đối với các Nhà Nhập Khẩu xi măng, sắt, thép, nhôm, phân bón, năng lượng điện và hydro.
  • Từ tháng 01/2026 trở đi: Áp dụng cho tất cả các Nhà Nhập Khẩu bất kỳ loại hàng hóa nào có trong Hệ Thống Thương Mại Khí Thải của EU (“EU-HTTMKT”).
2. Đối tượng áp dụng thuế carbon theo CCĐCBGC

Các sản phẩm nhập khẩu vào EU phải nộp thuế carbon theo CCĐCBGC được xác định như sau:

(i) Từ ngày 01/10/2023 đến ngày 31/12/2025: Các hàng hóa và tiền chất được chọn lọc sử dụng nhiều carbon khi sản xuất và có nguy cơ rò rỉ carbon cao gồm xi măng, sắt, thép, nhôm, phân bón, năng lượng điện và hydro.

CCĐCBGC có tác động trực tiếp đến 4 ngành công nghiệp chính của Việt Nam là sắt thép, xi măng, phân bón và nhôm. Trong đó, sắt thép là loại hàng hóa bị ảnh hưởng nhiều nhất.

(ii) Từ tháng 01/2026 trở đi: EU sẽ dần bổ sung thêm một số sản phẩm khác ngoài 06 sản phẩm nêu trên và năm 2034 sẽ áp dụng cho toàn bộ sản phẩm nhập khẩu có trong EU-HTTMKT.

3. Nghĩa vụ về thuế carbon theo CCĐCBGC

(i) Từ ngày 01/10/2023 đến ngày 31/12/2025

Các Nhà Nhập Khẩu 06 sản phẩm gồm xi măng, sắt, thép, nhôm, phân bón, năng lượng điện và hydro chưa phải đóng thuế carbon mà chỉ được yêu cầu thực hiện nghĩa vụ báo cáo các thông tin sau đây:

  • Số lượng của từng loại sản phẩm;
  • Tổng lượng phát thải khí nhà kính, bao gồm cả lượng phát thải trực tiếp và gián tiếp tương ứng với lượng hàng hóa nhập khẩu trong quý trước;
  • Bất kỳ thuế carbon nào phải trả ở nước sở tại đối với tổng lượng phát thải khí nhà kính.

(ii) Từ tháng 01/2026 trở đi

Nhà Nhập Khẩu phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo đồng thời giao nộp lại số chứng chỉ CCĐCBGC tương ứng với lượng phát thải khí nhà kính có trong sản phẩm.

Chứng chỉ CCĐCBGC (hay còn gọi là thuế carbon) là loại chứng chỉ do CCĐCBGC phát hành được tính dựa trên giá đấu giá trung bình hàng tuần của các khoản trợ cấp EU-HTTMKT được biểu thị bằng €/tấn CO2 thải ra.

Nếu Nhà Nhập Khẩu có thể chứng minh rằng họ đã thanh toán tín chỉ carbon trong quá trình sản xuất hàng hóa tại nước nhập khẩu thì số tiền tương ứng sẽ được trừ vào thuế carbon phải nộp.

4. Thuế suất thuế carbon ở EU

Thuế carbon là một loại thuế môi trường đánh vào lượng carbon của nhiên liệu, nhằm mục đích định giá phát thải, hạn chế và giảm thiểu khả năng sinh lời của các hoạt động khai thác, sử dụng, tiêu dùng năng lượng quá mức.

Một số quốc gia thành viên EU áp dụng thuế carbon cho hàng hóa nội địa với mức thuế suất như sau:

(i) Ai len: 28 USD/tấn CO2 năm 2010;

(ii) Thụy Sỹ: 99 USD/tấn CO2 năm 2008;

(iii) Pháp: 49 USD/tấn CO2 năm 2014; và

(iv) Tây Ban Nha: 16 USD/tấn CO2 năm 2014.

Hiện nay, EU chưa chính thức công bố mức thuế suất thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu thực hiện theo cơ chế CCĐCBGC.

Tóm lại, để tính toán mức thuế carbon khi nhập khẩu vào EU, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần chuẩn bị kế hoạch sản xuất phù hợp, chủ động giảm lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất để sẵn sàng đáp ứng tiêu chí của CCĐCBGC trong tương lai.

Nội dung nêu trên không phải là ý kiến tư vấn chính thức từ BLawyers Vietnam. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ consult@blawyersvn.com. Chúng tôi rất vui khi nghe từ bạn.

Ngày: 31/10/2023

Người viết: Minh Trương và Chi Huỳnh

blawyersvn-cta-image

Yêu cầu tư vấn luật miễn phí

Vui lòng gọi cho chúng tôi hoặc điền vào mẫu đơn bên dưới. Chúng tôi sẽ phản hồi bạn trong vòng 24 giờ đồng hồ.

This field is for validation purposes and should be left unchanged.