Việt Nam: Danh sách 19 câu hỏi thường gặp và câu trả lời về giấy phép bán lẻ và cơ sở bán lẻ của công ty có vốn đầu tư nước ngoài

FQA on Trading permit

Qua bộ 19 Câu Hỏi Thường Gặp và Câu Trả Lời này, BLawyers Vietnam trình bày tổng quan về quy định đối với Giấy phép bán lẻ và Cơ sở bán lẻ hàng hóa tại Việt Nam. Trong đó, chúng tôi sẽ nêu về điều kiện, hồ sơ thủ tục mà nhà đầu tư nước ngoài (“NĐT”) cần thực hiện để xin cấp Giấy phép bán lẻ và Giấy phép thành lập Cơ sở bán lẻ theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.

1. Đối với trường hợp NĐT thành lập một cơ sở bán lẻ, NĐT cần thực hiện thủ tục giấy phép như thế nào?

Sơ lược về các thủ tục NĐT cần thực hiện như sau:

      1. Bước 1: Trước khi thành lập Cơ sở bán lẻ (“CSBL”), NĐT phải đảm bảo công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam của NĐT (“Công Ty”) có đăng ký ngành, nghề bán lẻ hàng hóa.
        • Trường hợp Công Ty chưa được thành lập: NĐT đăng ký mã ngành, nghề liên quan đến bán lẻ hàng hóa khi thành lập Công Ty; hoặc
        • Trường hợp Công Ty đã thành lập nhưng chưa đăng ký ngành, nghề bán lẻ hàng hóa: Công Ty sẽ cần thực hiện thủ tục đăng ký bổ sung ngành, nghề bán lẻ hàng hóa phù hợp với hoạt động bán lẻ của Công Ty.
      2. Bước 2: Công Ty thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh (“GPKD”) đồng thời với thành lập CSBL. Trường hợp sau khi có GPKD, Công Ty mới thành lập cơ sở bán lẻ thì Công Ty phải bổ sung một giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ (“GPCSBL”).
2. Các trường hợp nào phải xin cấp GPKD?

GPKD được cấp cho Công Ty để thực hiện các hoạt động sau:

      1. Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa, không bao gồm hàng hóa quy định tại Mục 2(iii) nêu bên dưới;
      2. Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn hàng hóa là dầu, mỡ bôi trơn;
      3. Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa là gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí;
      4. Cung cấp dịch vụ logistics; trừ các phân ngành dịch vụ logistics mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
      5. Cho thuê hàng hóa, không bao gồm cho thuê tài chính; trừ cho thuê trang thiết bị xây dựng có người vận hành;
      6. Cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại, không bao gồm dịch vụ quảng cáo;
      7. Cung cấp dịch vụ trung gian thương mại;
      8. Cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
      9. Cung cấp dịch vụ tổ chức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.
3. Điều kiện để được cấp GPKD là gì?

3.1 Đối với NĐT thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có cam kết mở cửa thị trường cho hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa:

      1. Đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
      2. Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp GPKD;
      3. Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.

3.2 Đối với NĐT không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc dịch vụ kinh doanh chưa được cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên:

      1. Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp GPKD;
      2. Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.
      3. Ngoài ra, cần đáp ứng thêm các tiêu chí sau:
        • Phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành;
        • Phù hợp với mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động;
        • Khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước;
        • Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước.

3.3 Đối với NĐT thực hiện kinh doanh các hàng hóa chưa được cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bao gồm dầu, mỡ bôi trơn, gạo, đường, vật phẩm đã ghi hình, sách, báo và tạp chí:

      1. Thỏa mãn các điều kiện quy định tại Mục 3(b) ở trên;
      2. Đối với hàng hóa là dầu, mỡ bôi trơn: Xem xét cấp phép thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có thực hiện một trong các hoạt động sau:
        • Sản xuất dầu, mỡ bôi trơn tại Việt Nam;
        • Sản xuất hoặc được phép phân phối tại Việt Nam máy móc, thiết bị, hàng hóa có sử dụng dầu, mỡ bôi trơn loại đặc thù.
      3. Đối với hàng hóa là gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí: Xem xét cấp phép thực hiện quyền phân phối bán lẻ cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có CSBL dưới hình thức siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi để bán lẻ tại các cơ sở đó.
4. Thành phần của hồ sơ xin cấp GPKD bao gồm các tài liệu gì?

Thành phần hồ sơ bao gồm 4 mục chính như sau:

      1. Đơn đề nghị cấp GPKD;
      2. Bản giải trình có nội dung về điều kiện cấp GPKD, kế hoạch kinh doanh và kế hoạch tài chính;
      3. Tài liệu của cơ quan thuế chứng minh không còn nợ thuế quá hạn; và
      4. Bản sao của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa (nếu có).
5. Thủ tục cần thực hiện để xin cấp GPKD như thế nào?

Công Ty cần thực hiện như sau:

      1. Bước 1: Gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc qua mạng điện tử đến Cơ quan cấp Giấy phép. Số bộ hồ sơ thì tùy từng trường hợp theo quy định của pháp luật sẽ có số lượng tương ứng.
      2. Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ chưa đủ và hợp lệ.
      3. Bước 3: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đủ và hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra việc đáp ứng điều kiện tương ứng theo quy định.
      4. Bước 4: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương và bộ quản lý ngành căn cứ vào nội dung tương ứng theo quy định để có văn bản chấp thuận cấp GPKD; trường hợp từ chối, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
6. Các nội dung nào sẽ được thể hiện trên GPKD?

Các nội dung được quy định trong GPKD, bao gồm:

      1. Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính và người đại diện theo pháp luật;
      2. Chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông sáng lập;
      3. Hàng hóa phân phối;
      4. Các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa;
      5. Các nội dung khác.

Khi có thay đổi một trong các nội dung trên thì Công Ty phải thực hiện thủ tục điều chỉnh GPKD.

7. Cơ sở bán lẻ là gì?

CSBL là địa điểm thực hiện hoạt động bán lẻ. CSBL gồm CSBL thứ nhất và CSBL khác gọi là CSBL ngoài CSBL thứ nhất.

Theo đó, CSBL ngoài CSBL thứ nhất là CSBL được lập ở Việt Nam bởi một trong những NĐT, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có một CSBL ở Việt Nam, hoặc được lập dưới cùng tên, nhãn hiệu với ít nhất một CSBL do tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có tại Việt Nam.

8. Các điều kiện cần có để thành lập CSBL?
      1. Để thành lập CSBL thứ nhất, Công Ty cần phải:
        • Có kế hoạch về tài chính để lập CSBL;
        • Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã được thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên;
        • Địa điểm lập CSBL phù hợp với quy hoạch có liên quan tại khu vực thị trường địa lý.
      2. Để thành lập CSBL ngoài CSBL thứ nhất, Công Ty cần phải:
        • Trường hợp không phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế: Đáp ứng các điều kiện tại Mục 8(i) đề cập ở trên;
        • Trường hợp phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế:
          • Đáp ứng các điều kiện tại Mục 8(i) đề cập ở trên;
          • Quy mô của khu vực thị trường địa lý chịu ảnh hưởng khi CSBL hoạt động;
          • Số lượng các CSBL đang hoạt động trong khu vực thị trường địa lý;
          • Tác động của CSBL tới sự ổn định của thị trường và hoạt động kinh doanh của các CSBL, chợ truyền thống trong khu vực thị trường địa lý;
          • Ảnh hưởng của CSBL tới mật độ giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy trong khu vực thị trường địa lý;
          • Khả năng đóng góp của CSBL đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực thị trường địa lý.
9. Khi nào cần phải kiểm tra nhu cầu kinh tế (“ENT”)?

Hiện nay, thủ tục kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) là thủ tục mà NĐT trong lĩnh vực phân phối (bán buôn và bán lẻ tất cả các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam hoặc nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam) phải đáp ứng được khi có nhu cầu thành lập các cơ sở bán lẻ (ngoài cơ sở thứ nhất).

Cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng ENT khi Công Ty đăng ký thành lập CSBL ngoài CSBL thứ nhất, trừ các trường hợp sau:

      1. CSBL đó có diện tích dưới 500 m2;
      2. Được thành lập trong trung tâm thương mại; hoặc
      3. Không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini.
10.  Thành phần của hồ sơ xin cấp GPCSBL bao gồm các tài liệu nào?

Một bộ hồ sơ sẽ bao gồm 5 thành phần chính như sau:

      1. Đơn đề nghị cấp GPCSBL.
      2. Bản giải trình có nội dung:
        • Địa điểm lập CSBL: Địa chỉ CSBL; mô tả khu vực chung, có liên quan và khu vực sử dụng để lập CSBL; giải trình việc đáp ứng điều kiện địa diểm lập CSBL phù hợp với quy hoạch có liên quan tại khu vực thị trường địa lý; kèm theo tài liệu về địa điểm lập CSBL;
        • Kế hoạch kinh doanh tại CSBL: Trình bày kế hoạch kinh doanh và phát triển thị trường; nhu cầu về lao động; đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của kế hoạch kinh doanh;
        • Kế hoạch tài chính cho việc lập CSBL: Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trên cơ sở báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm gần nhất trong trường hợp đã thành lập ở Việt Nam từ 01 năm trở lên; giải trình về vốn, nguồn vốn và phương án huy động vốn; kèm theo tài liệu về tài chính.
      3. Tài liệu của cơ quan thuế chứng minh không còn nợ thuế quá hạn.
      4. Bản sao: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án lập CSBL (nếu có), GPKD.
      5. Bản giải trình các tiêu chí ENT, trong trường hợp phải thực hiện ENT.
11. Trình tự thực hiện thủ tục xin cấp GPCSBL (không thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục ENT) như thế nào?

Để xin cấp GPCSBL (không thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục ENT), Công Ty cần phải thực hiện các thủ tục như sau:

      1. Bước 1: Gửi 02 bộ hồ sơ bằng phương thức trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc qua mạng điện tử đến Cơ quan cấp Giấy phép.
      2. Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ chưa đủ và hợp lệ.
      3. Bước 3: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đủ và hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra việc đáp ứng điều kiện theo quy định:
        • Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Cơ quan cấp Giấy phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
        • Trường hợp đáp ứng điều kiện, Cơ quan cấp Giấy phép gửi hồ sơ kèm văn bản lấy ý kiến Bộ Công Thương theo quy định.
      4. Bước 4: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương căn cứ vào nội dung tương ứng quy định theo quy định để có văn bản chấp thuận cấp GPCSBL; trường hợp từ chối phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
      5. Bước 5: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương, Cơ quan cấp Giấy phép cấp GPCSBL. Trường hợp Bộ Công Thương từ chối, Cơ quan cấp Giấy phép phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
12. Trình tự thực hiện thủ tục xin cấp GPCSBL (thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục ENT)  như thế nào?

Để xin cấp GPCSBL (thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục ENT), Công Ty cần phải thực hiện các thủ tục như sau:

      1. Bước 1: Công Ty thực hiện như Bước 1 & 2 của thủ tục xin cấp GPCSBL (trường hợp không cần thực hiện thủ tục ENT).
      2. Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đủ và hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra việc đáp ứng điều:
        • Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Cơ quan cấp Giấy phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
        • Trường hợp đáp ứng điều kiện, Cơ quan cấp Giấy phép đề xuất thành lập Hội đồng ENT.
      3. Bước 3: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị thành lập Hội đồng ENT, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng ENT.
      4. Bước 4: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập, Hội đồng ENT đánh giá các tiêu chí ENT theo quy định để Chủ tịch Hội đồng ENT có văn bản kết luận đề xuất.
      5. Bước 5: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản kết luận đề xuất của Chủ tịch Hội đồng ENT:
        • Trường hợp văn bản kết luận đề xuất không cấp phép, Cơ quan cấp Giấy phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
        • Trường hợp văn bản kết luận đề xuất cấp phép, Cơ quan cấp Giấy phép gửi hồ sơ kèm văn bản lấy ý kiến Bộ Công Thương theo quy định.
      6. Bước 6: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương căn cứ vào nội dung theo quy định để có văn bản chấp thuận cấp GPCSBL; trường hợp từ chối phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
      7. Bước 7: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương, Cơ quan cấp Giấy phép cấp GPCSBL. Trường hợp Bộ Công Thương từ chối, Cơ quan cấp Giấy phép phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
13. GPCSBL có thời hạn bao lâu?
      1. GPCSBL có thời hạn tương ứng với thời hạn còn lại trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án lập CSBL. Trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thời hạn của GPCSBL tương ứng với thời hạn được ghi trong tài liệu về địa điểm lập CSBL.
      2. Thời hạn của GPCSBL được cấp lại bằng thời hạn còn lại của GPCSBL đã được cấp.
      3. Thời hạn của GPCSBL được gia hạn thực hiện theo quy định.
14. Thành phần của hồ sơ xin gia hạn GPCSBL bao gồm các tài liệu gì?

Một bộ hồ sơ sẽ bao gồm 4 thành phần chính như sau:

      1. Đơn đề nghị gia hạn GPCSBL;
      2. Bản giải trình có các nội dung được đề cập tại Mục (ii) của Câu hỏi số 10 ở bên trên;
      3. Tài liệu của cơ quan thuế chứng minh không còn nợ thuế quá hạn;
      4. Bản sao: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án lập CSBL (nếu có), GPKD.
15. Trình tự thực hiện thủ tục xin gia hạn GPCSBL.

Để xin gia hạn GPCSBL, Công Ty cần thực hiện các thủ tục như sau:

      1. Bước 1: Gửi hồ sơ ít nhất 30 ngày trước khi GPCSBL hết hiệu lực.
      2. Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ chưa đủ và hợp lệ.
      3. Bước 3: Trường hợp hồ sơ đủ và hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép gia hạn GPCSBL, trường hợp từ chối phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
16. Công Ty có cần thực hiện báo cáo hoạt động bán lẻ của mình với cơ quan nhà nước không?

Có. Cụ thể như sau:

      1. Trước ngày 31/01 hàng năm, Công Ty có trách nhiệm báo cáo tình hình hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa.
      2. Công Ty có nghĩa vụ báo cáo, cung cấp tài liệu hoặc giải trình những vấn đề có liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa, hoạt động của CSBL theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
17. Trường hợp nào GPKD hoặc GPCSBL bị thu hồi?

Có 06 trường hợp Công Ty bị thu hồi GPKD như sau:

      1. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bị thu hồi;
      2. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của dự án có mục tiêu hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa bị thu hồi;
      3. Nội dung kê khai trong hồ sơ cấp, cấp lại, điều chỉnh GPKD là giả mạo;
      4. Ngừng hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa quá 12 tháng mà không báo cáo Cơ quan cấp Giấy phép;
      5. Không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ trong 24 tháng liên tiếp;
      6. Không gửi báo cáo, tài liệu, giải trình theo quy định sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày hết hạn theo yêu cầu.

Có 07 trường hợp GPCSBL bị thu hồi bao gồm:

      1. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương của dự án lập CSBL, GPKD bị thu hồi;
      2. Nội dung kê khai trong hồ sơ cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn GPCSBL là giả mạo;
      3. Sau 12 tháng kể từ ngày được cấp GPCSBL, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp quy định phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà không báo cáo Cơ quan cấp Giấy phép;
      4. Sau 24 tháng kể từ ngày được cấp GPCSBL, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp quy định phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
      5. Ngừng hoạt động bán lẻ tại CSBL quá 12 tháng mà không báo cáo Cơ quan cấp Giấy phép;
      6. Không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định trong 24 tháng liên tiếp;
      7. Không gửi báo cáo, tài liệu, giải trình theo quy định sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày hết hạn yêu cầu.
18. Nếu Công Ty hoạt động vượt ra ngoài phạm vi ghi trong GPKD hoặc GPCSBL thì bị xử lý như thế nào?

Đối với vi phạm này, Công Ty sẽ bị phạt tiền đến 40.000.000 VNĐ (~1.700 USD) đối với hành vi hoạt động ngoài phạm vi nội dung được ghi trong GPKD hoặc GPCSBL. Mức phạt này áp dụng cho tổ chức.

Ngoài ra, tổ chức vi phạm còn bị tước quyền sử dụng GPKD, GPCSBL từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm và bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

19. Công Ty tiếp tục hoạt động sau khi đã bị thu hồi GPKD, GPCSBL thì bị xử lý như thế nào?

Công Ty bị phạt tiền đến 50.000.000 VNĐ (~2.100 USD) đối với hành vi tiếp tục hoạt động sau khi đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi GPKD, GPCSBL. Mức phạt này là mức phạt áp dụng cho tổ chức.

Ngoài ra, tổ chức vi phạm bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Nội dung nêu trên không phải là ý kiến tư vấn chính thức từ BLawyers Vietnam. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ consult@blawyersvn.com. Chúng tôi rất vui khi nghe từ bạn.

Ngày viết: 24/7/2023

Tác giả: Tính Nguyễn và Minh Trương

blawyersvn-cta-image

Yêu cầu tư vấn luật miễn phí

Vui lòng gọi cho chúng tôi hoặc điền vào mẫu đơn bên dưới. Chúng tôi sẽ phản hồi bạn trong vòng 24 giờ đồng hồ.

This field is for validation purposes and should be left unchanged.