08 nội dung cơ bản của một hợp đồng theo luật hiện hành của Việt Nam

Ngày nay, hầu hết trong mọi giao dịch, các bên đều lập hợp đồng bằng văn bản để ghi nhận các thỏa thuận. 

Qua bài viết này, BLawyers Vietnam sẽ giới thiệu những nội dung cơ bản của hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành và một số lưu ý thực tiễn trong quá trình chúng tôi hỗ trợ các khách hàng. 

1. Thông tin về chủ thể giao kết hợp đồng

Nội dung này là tất yếu của hợp đồng. Tại mục này, các bên cần ghi nhận những thông tin cơ bản sau:

  • Tên đầy đủ của chủ thể giao kết (trong trường hợp chủ thể là tổ chức thì ghi thêm thông tin về người đại diện theo pháp luật của tổ chức đó);
  • Địa chỉ liên hệ;
  • Số điện thoại liên hệ;
  • Email;
  • Một số thông tin khác tùy vào tính chất của hợp đồng. Trong một số trường hợp, nếu thấy cần thiết, các bên có thể ghi nhận thêm số tài khoản ngân hàng để tiện lợi trong việc giao dịch.

Lưu ý, thông tin về chủ thể giao kết hợp đồng cần ghi chính xác để tránh phải xác minh khi giải quyết tranh chấp.

2. Đối tượng của hợp đồng

Đối tượng của hợp đồng là những gì các bên nhắm tới để đạt được thông qua hợp đồng.

Ví dụ: Trong hợp đồng mua bán, đối tượng của hợp đồng chính là hàng hóa mà bên bán muốn bán và bên mua muốn mua. Trong hợp đồng dịch vụ, đối tượng của hợp đồng là dịch vụ của bên cung ứng cho bên sử dụng dịch vụ.

Lưu ý, các bên nên ghi rõ đối tượng của hợp đồng để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng theo đúng thỏa thuận.

3. Số lượng, chất lượng của đối tượng của hợp đồng

Các bên cần nêu rõ và chi tiết về số lượng, chất lượng của đối tượng của hợp đồng. Việc này sẽ giúp xác định rõ nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ và hạn chế tranh chấp không đáng có.

4. Giá, phương thức thanh toán, thời điểm thanh toán

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đây là nội dung các bên có thể ghi không rõ ràng dẫn đến việc một bên trì hoãn việc thanh toán hoặc thanh toán không đúng hạn dẫn đến tranh chấp. Do đó, cần xác định cụ thể nội dung này trong hợp đồng.

5. Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng

Nội dung này tạo ra sự thống nhất về cách hiểu của các bên khi thực hiện đối tượng của hợp đồng. Nội dung này sẽ trả lời những câu hỏi: “Khi nào?”, “Ở đâu?”, “Làm thế nào để đạt được mục đích của hợp đồng?”, … khi các bên thực hiện hợp đồng.

6. Quyền, nghĩa vụ của các bên

Việc ghi nhận rõ quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng sẽ giúp các bên biết mình được quyền làm gì và không được làm gì. Ngoài những quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định cho từng loại hợp đồng, các bên của hợp đồng có thể thỏa thuận thêm những quyền và nghĩa vụ khác, miễn là chúng không vi phạm điều cấm/ trái luật.

Lưu ý, nội dung này có thể được tập hợp tại một điều khoản duy nhất, hoặc có thể nằm rải rác ở các điều xuyên suốt hợp đồng, tùy vào việc soạn thảo.

7. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng

Để đảm bảo hơn quyền và lợi ích của các bên và đảm bảo việc thực hiện đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng, các bên nên thỏa thuận về điều kiện phạt vi phạm và bồi thường thiêt hại.

Lưu ý: Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại là hai vấn đề khác nhau. Nếu có xảy ra thiệt hại do có sự vi phạm nghĩa vụ, đồng thời hợp đồng cũng có thỏa thuận về việc phạt vi phạm, bên vi phạm phải vừa bồi thường thiệt hại, vừa chịu phạt. Các bên cần thỏa thuận rõ hai vấn đề này trong hợp đồng.

Vấn đề phạt vi phạm có thể áp dung song song với việc tiếp tục hợp đồng nếu trường hợp vi phạm không rơi vào trường hợp một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.

8. Phương thức giải quyết tranh chấp

Hiện nay, nhiều hợp đồng không có quy định hoặc quy định một cách sơ sài về phương thức giải quyết tranh chấp. Khi đó, các bên sẽ mất thêm công sức hoặc thời gian để thỏa thuận phương thức giải quyết tranh chấp (nếu chọn trọng tài thương mại) hoặc không còn cách nào khác đưa tranh chấp ra Tòa án để giải quyết.

Ngoài việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án, có nhiều phương thức giải quyết tranh chấp với các ưu, nhược điểm khác nhau như: tự các bên thỏa thuận, nhờ hòa giải viên, hoặc trọng tài thương mại. Các bên nên cân nhắc trước để tiết kiệm được thời gian và chi phí tùy vào khả năng và đảm bảo mối quan hệ giữa hai bên khi xảy ra tranh chấp.

9. Một số nội dung cần thiết khác

Ngoài các nội dung được pháp luật quy định bên trên, hợp đồng còn cần có những nội dung phổ biến sau:

  • Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng: Nếu không có thỏa thuận khác, hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày ký kết;
  • Chấm dứt, đơn phương chấm dứt hợp đồng;
  • Bảo mật thông tin và không tiết lộ cho bên thứ ba;
  • Ngôn ngữ của hợp đồng và ngôn ngữ có hiệu lực trong trường hợp có sai khác giữa 2 loại ngôn ngữ khác nhau trở lên;
  • Chuyển giao, chuyển nhượng và kế thừa các nghĩa vụ của hợp đồng.

Nội dung nêu trên không phải là ý kiến tư vấn chính thức từ BLawyers Vietnam. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ consult@blawyersvn.com. Chúng tôi rất vui khi nghe từ bạn.

Ngày: 19/10/2022

Người viết: Quang Nguyễn

blawyersvn-cta-image

Yêu cầu tư vấn luật miễn phí

Vui lòng gọi cho chúng tôi hoặc điền vào mẫu đơn bên dưới. Chúng tôi sẽ phản hồi bạn trong vòng 24 giờ đồng hồ.

This field is for validation purposes and should be left unchanged.