Phần 2. Lưu ý về quyền rút vốn ra khỏi doanh nghiệp và thực tiễn giải quyết tranh chấp có liên quan

Quyền rút vốn trong doanh nghiệp

Tại phần 1 đã xuất bản của bài viết này, BLawyers Vietnam đã trình bày quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến các phương thức rút vốn tại một doanh nghiệp. Có thể thấy rằng, thành viên góp vốn, cổ đông của công ty chỉ có thể rút vốn một cách gián tiếp thông qua các phương thức mà pháp luật quy định, mà không thể trực tiếp và tự do rút vốn theo mong muốn hay thoả thuận, cho dù là toàn bộ hay một phần.

Thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Việt Nam cho thấy các vụ kiện yêu cầu rút vốn, đòi lại phần vốn góp tại doanh nghiệp xảy ra ngày càng phổ biến và chủ yếu xuất phát từ việc cá nhân, tổ chức không hiểu rõ bản chất, cũng như quy định của pháp luật về rút vốn.

Dưới đây là 02 tình huống tranh chấp chủ yếu và lưu ý của BLawyers Vietnam về thực tiễn giải quyết của Toà án tại Việt Nam:

1. Tình huống 1: Thành viên góp vốn, cổ đông yêu cầu công ty hoàn trả phần vốn góp dựa trên thoả thuận rút vốn giữa thành viên với công ty

 Công ty và thành viên góp vốn hoặc cổ đông tự ký kết với nhau thoả thuận về việc công ty cho phép thành viên, cổ đông rút vốn và sẽ hoàn trả lại giá trị phần vốn góp cho thành viên, cổ đông đó. Tranh chấp phát sinh khi công ty không thanh toán đủ số tiền cho thành viên, cổ đông như đã thoả thuận. Thành viên góp vốn đã khởi kiện công ty để yêu cầu công ty trả tiền. Đối với tranh chấp này, Toà án có thẩm quyền đã nhận định thoả thuận rút vốn giữa các bên là không có giá trị pháp lý do việc rút vốn như vậy không tuân thủ trình tự, thủ tục của pháp luật. Quyền, nghĩa vụ của các bên dựa trên thoả thuận rút vốn cũng không thể phát sinh, do đó Toà án không chấp nhận yêu cầu của thành viên góp vốn (Tham khảo bản án số 05/2014/KDTM-ST ngày 08/9/2014 của Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai).

Liên quan đến tình huống trên, kể cả khi hai bên không có tranh chấp về việc thực hiện thoả thuận rút vốn đã ký thì một trong những vấn đề, rủi ro mà công ty phải đối mặt đó là làm thế nào để hạch toán các khoản tiền trả lại cho thành viên theo đúng quy định.

2. Tình huống 2: Thành viên góp vốn, cổ đông yêu cầu công ty trả lại phần vốn góp dựa trên các căn cứ khác nhau, không có cơ sở theo quy định của pháp luật

Các thành viên góp vốn, cổ đông cũng thường khởi kiện công ty tại cơ quan tài phán để đòi lại phần vốn đã góp dựa trên nhiều căn cứ khác nhau, có thể phát sinh từ việc số vốn góp trên thực tế của họ nhiều hơn số vốn được ghi nhận chính thức trên sổ sách; từ bất đồng trong quản lý, điều hành, phân chia lợi nhuận và khoản lỗ; hoặc từ mâu thuẫn về việc góp vốn ban đầu. Và thông thường, yêu cầu rút vốn hoặc hoàn trả vốn góp trong các trường hợp này sẽ không được chấp nhận vì không có cơ sở theo quy định của pháp luật.

Ví dụ, một công ty TNHH đã nhận tiền và tài sản do một thành viên góp vào tại thời điểm thành lập cũng như trong quá trình hoạt động. Tại thời điểm thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty có ghi nhận thành viên này sở hữu 20% phần vốn góp, giá trị 05 tỷ đồng. Trong quá trình hoạt động, thành viên này đã góp thêm nhiều tài sản vào công ty. Tuy nhiên, công ty đã không cấp giấy chứng nhận phần vốn góp, không chia lợi nhuận hoạt động kinh doanh, cũng như cung cấp tình hình hoạt động cho thành viên góp vốn này. Thành viên này đã khởi kiện ra Toà án để rút vốn, yêu cầu công ty trả lại toàn bộ số vốn đã góp. Theo đó, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đều nhận định rằng lý do yêu cầu rút vốn mà thành viên góp vốn đưa ra không thuộc các trường hợp rút vốn được pháp luật quy định, không có cơ sở để chấp nhận. Toà án cũng nhận định rằng thành viên này có quyền khởi kiện yêu cầu công ty xác định lại tỷ lệ góp vốn của mình hoặc khởi kiện trách nhiệm của người quản lý công ty bằng một vụ án khác (Tham khảo Bản án 112/2023/KDTM-PT ngày 08 tháng 11 năm 2023 của Toà án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh).

Ngoài ra, việc xác định bản chất pháp lý của khoản tiền, tài sản mà thành viên giao cho công ty là vô cùng quan trọng để giải quyết tranh chấp liên quan đến việc đòi lại phần vốn góp hoặc tài sản. Nếu khoản tiền hay tài sản đó là phần vốn góp vào công ty thì như trình bày ở trên, nguyên tắc là thành viên sẽ không được tự do và trực tiếp rút vốn. Tuy nhiên, nếu khoản tiền không phải là vốn góp mà là khoản vay, giao dịch tài chính khác thì việc buộc công ty hoàn trả là có cơ sở tuỳ theo khả năng chứng minh và cung cấp chứng cứ.

Từ quy định của pháp luật Việt Nam và thực tiễn giải quyết tranh chấp, có thể thấy rằng việc rút vốn không được thực hiện dựa trên các phương thức do pháp luật quy định sẽ bị coi là trái pháp luật, bất kể có sự đồng thuận về việc rút vốn giữa thành viên và công ty hay rút vốn vì bất kỳ lý do nào khác.

Tổ chức, cá nhân đang có hoạt động góp vốn kinh doanh cần tìm hiểu pháp luật và tham vấn ý kiến của Luật sư để giúp lựa chọn một phương án rút vốn thích hợp, đảm bảo vừa đáp ứng được mục đích vừa tuân thủ quy định của pháp luật.

Nội dung nêu trên không phải là ý kiến tư vấn chính thức từ BLawyers Vietnam. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ consult@blawyersvn.com. Chúng tôi rất vui khi nghe từ bạn.

Ngày: 22/02/2024

Người viết: Trinh Nguyễn

blawyersvn-cta-image

Yêu cầu tư vấn luật miễn phí

Vui lòng gọi cho chúng tôi hoặc điền vào mẫu đơn bên dưới. Chúng tôi sẽ phản hồi bạn trong vòng 24 giờ đồng hồ.

This field is for validation purposes and should be left unchanged.