04 vấn đề cần lưu ý về việc xác lập hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong giao dịch bảo đảm theo pháp luật Việt Nam

Xác lập hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong giao dịch bảo đảm theo pháp luật Việt Nam

Các giao dịch dân sự có giá trị tài sản lớn thường được các bên áp dụng một hoặc một số biện pháp bảo đảm nhằm ràng buộc bên thực hiện nghĩa vụ. Theo đó, thông thường các biện pháp bảo đảm này sẽ phát sinh việc xác lập hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong giao dịch bản đảm nhằm mục đích bảo vệ bên nhận bảo đảm và bên ngay tình khác có liên quan đến tài sản bảo đảm.

Trong bài viết này, BLawyers Vietnam sẽ trình bày khái quát 04 vấn đề trọng tâm liên quan đến việc xác lập hiệu lực đối kháng với người thứ ba khi các bên thỏa thuận thực hiện giao dịch bảo đảm.

1. Luật Việt Nam quy định như thế nào về hiệu lực đối kháng với người thứ ba?

Pháp luật Việt Nam hiện hành không quy định rõ về khái niệm của hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định liên quan, hiệu lực đối kháng với người thứ ba được hiểu là quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong giao dịch bảo đảm không chỉ phát sinh với các bên tham gia trực tiếp vào giao dịch mà còn phát sinh hiệu lực với cả một bên thứ ba trong trường hợp các bên xác lập một giao dịch bảo đảm hợp pháp, và thời điểm phát sinh hiệu lực kể từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm.

2. Thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba

Hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong giao dịch bảo đảm phát sinh trong các trường hợp sau đây:

  1. Trường hợp 1: Đối với các biện pháp bảo đảm phải đăng ký bắt buộc tại cơ quan có thẩm quyền theo luật định hoặc theo thỏa thuận giữa các bên, thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền là thời điểm biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba.
  2. Trường hợp 2: Đối với các trường hợp không thuộc Mục (i) ở trên và bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm thì hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp cầm cố tài sản, đặt cọc, ký cược phát sinh từ thời điểm bên nhận bảo đảm nắm giữ tài sản bảo đảm.
  3. Trường hợp 3: Trong trường hợp tài sản bảo đảm thuộc biện pháp bảo đảm tại Mục (ii) ở trên được giao cho người khác quản lý thì hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm với người thứ ba phát sinh từ thời điểm sau:
    • Bên nhận cầm cố, bên nhận đặt cọc hoặc bên nhận ký cược nắm giữ tài sản bảo đảm;
    • Người quản lý tài sản nhận trực tiếp tài sản bảo đảm từ bên cầm cố, bên đặt cọc hoặc bên ký cược;
    • Hợp đồng bảo đảm có hiệu lực trong trường hợp người khác đang quản lý trực tiếp tài sản mà tài sản này được dùng để cầm cố, để đặt cọc hoặc để ký cược.
  4. Trường hợp 4: Đối với trường hợp tài sản bảo đảm thuộc biện pháp ký quỹ thì hiệu lực đối kháng với người thứ ba phát sinh từ thời điểm tài sản ký quỹ được gửi vào tài khoản phong tỏa tại tổ chức tín dụng nơi ký quỹ.

Lưu ý rằng biện pháp bảo đảm chỉ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba nếu hợp đồng bảo đảm đáp ứng điều kiện về hiệu lực pháp luật.

3. Quyền lợi của bên nhận bảo đảm khi phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba

Kể từ thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba, bên nhận bảo đảm có quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được yêu cầu thanh toán theo thứ tự ưu tiên thanh toán được xác lập trong giao dịch bảo đảm.

Theo đó, bất kể tài sản bảo đảm bị chuyển giao cho người khác do mua bán, tặng cho, trao đổi, chuyển nhượng, chuyển giao khác về quyền sở hữu, chiếm hữu, sử dụng hoặc được lợi về tài sản bảo đảm không có căn cứ pháp luật thì bên nhận bảo đảm vẫn có quyền truy đòi tài sản bảo đảm này.

Ngoài ra, trong trường hợp bên bảo đảm là cá nhân chết, pháp nhân chấm dứt tồn tại thì bên nhận bảo đảm vẫn có quyền truy đòi tài sản bảo đảm nhưng phải tuân theo nguyên tắc về thứ tự ưu tiên thanh toán và quy định khác về thừa kế.

Tuy nhiên, lưu ý rằng bên nhận bảo đảm không có quyền truy đòi đối với các tài sản sau đây:

  1. Tài sản bảo đảm đã được bán, được chuyển nhượng hoặc đã được chuyển giao khác về quyền sở hữu do có sự đồng ý của bên nhận bảo đảm và không được tiếp tục dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận;
  2. Tài sản thế chấp được bán, được thay thế hoặc được trao đổi;
  3. Tài sản bảo đảm không còn hoặc bị thay thế bằng tài sản khác; và
  4. Các trường hợp khác theo luật định.
4. Các biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba

Khi xác lập giao dịch bảo đảm, các bên cần lưu ý rằng hiệu lực đối kháng với người thứ ba không áp dụng cho mọi biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, hiệu lực đối kháng với người thứ ba chỉ phát sinh đối với 04 biện pháp bảo đảm như sau:

  1. Cầm cố tài sản;
  2. Thế chấp tài sản;
  3. Bảo lưu quyền sở hữu; và
  4. Cầm giữ tài sản.

Các biện pháp bảo đảm nêu trên đều có điểm chung là bên bảo đảm sẽ dùng tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ với bên nhận bảo đảm. Đây chính là điều kiện để một giao dịch bảo đảm có thể xác lập hiệu lực đối kháng với người thứ ba.

Nội dung nêu trên không phải là ý kiến tư vấn chính thức từ BLawyers Vietnam. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ consult@blawyersvn.com. Chúng tôi rất vui khi nghe từ bạn.

Ngày: 07/3/2024

Người viết: Uyên Trần

blawyersvn-cta-image

Yêu cầu tư vấn luật miễn phí

Vui lòng gọi cho chúng tôi hoặc điền vào mẫu đơn bên dưới. Chúng tôi sẽ phản hồi bạn trong vòng 24 giờ đồng hồ.

This field is for validation purposes and should be left unchanged.