Tác phẩm phái sinh là gì? Quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh?

Hiện nay, các bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết, bản dịch sách, truyện rất phổ biến. Theo luật Việt Nam, những sản phẩm như vậy được coi là tác phẩm phái sinh. Vậy tác phẩm phái sinh là gì? Quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh được bảo hộ như thế nào?

Thông qua bài viết này, BLawyers Vietnam sẽ cung cấp một số thông tin sau đây.

1. Tác phẩm phái sinh là gì?

Pháp luật Việt Nam không định nghĩa cụ thể thế nào là tác phẩm phái sinh mà chỉ liệt kê các loại hình tác phẩm thuộc tác phẩm phái sinh. Tác phẩm phái sinh gồm tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.

2. Điều kiện để tác phẩm phái sinh được bảo hộ quyền tác giả

  1. Không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh;
  2. Làm tác phẩm phái sinh phải được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;
  3. Mang đậm dấu ấn riêng của tác giả tác phẩm phái sinh.

Tác phẩm phái sinh phải dựa trên tác phẩm gốc, không làm sai ý tác giả, không xâm phạm đến quyền tài sản, quyền nhân thân của tác giả tạo ra tác phẩm gốc và không trái với thuần phong mỹ tục nhưng vẫn phải thể hiện được sự sáng tạo để được bảo hộ một cách độc lập.

3. Quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh

Tương tự với tác phẩm gốc, tác phẩm phái sinh được bảo hộ từ khi tạo ra tác phẩm, là quyền tự động, được pháp luật bảo hộ mà không cần phải đăng ký.

Tác giả của tác phẩm phái sinh có quyền công bố tác phẩm và các quyền tài sản đối với tác phẩm của mình.

4. Ví dụ về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ liên quan tác phẩm phái sinh và thực tiễn xét xử tại Việt Nam

Tại bài viết này, chúng tôi đề cập đến Bản án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ số 774/2019/DSPT ngày 03/09/2019. Trong vụ việc này, Công ty PT là tổ chức giao nhiệm vụ cho ông Lê Phong L vẽ minh họa nên là chủ sở hữu tác phẩm E còn ông L là tác giả hình thức thể hiện của các nhân vật O, P, Q, R do ông vẽ. Công ty PT là chủ sở hữu tác phẩm nên có quyền làm tác phẩm phái sinh nhưng không được sửa chữa, cắt xén hình thức thể hiện của các nhân vật O, P, Q, R hoặc xuyên tạc các tác phẩm này dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của ông L.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Công ty PT sử dụng hình thức thể hiện của các nhân vật O, P, Q, R để thực hiện các tập từ tập 79 trở đi của bộ truyện tranh E cũng như thực hiện các bộ truyện tranh E Mỹ Thuật, E Khoa Học, với hình thức thể hiện khác so với hình thức thể hiện đã được đăng ký tại Cục Bản quyền tác giả nhưng không nêu được đó là hoạt động nào trong các hoạt động dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải hay tuyển chọn.

Do đó, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh không có cơ sở xem việc thực hiện các tập từ tập 79 trở đi của bộ truyện tranh E cũng như thực hiện các bộ truyện tranh E Mỹ Thuật, E Khoa Học là tác phẩm phái sinh. Công ty PT đã có hành vi xâm phạm quyền nhân thân của tác giả Lê Phong L.

Tóm lại, có thể thấy để bảo vệ quyền cho các tác phẩm phái sinh và hạn chế xảy ra tranh chấp với tác giả của tác phẩm gốc đó là xin phép tác giả và trả tiền bản quyền để có thể thực hiện tác phẩm phái sinh.

Nội dung nêu trên không phải là ý kiến tư vấn chính thức từ BLawyers Vietnam. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ consult@blawyersvn.com. Chúng tôi rất vui khi nghe từ bạn.

Ngày: 02/02/2023

Người viết: Trâm Nguyễn

blawyersvn-cta-image

Yêu cầu tư vấn luật miễn phí

Vui lòng gọi cho chúng tôi hoặc điền vào mẫu đơn bên dưới. Chúng tôi sẽ phản hồi bạn trong vòng 24 giờ đồng hồ.

This field is for validation purposes and should be left unchanged.