Việt Nam: 23 câu hỏi thường gặp và câu trả lời về việc phát hành trái phiếu của công ty đại chúng

1. Trái phiếu là gì?

Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành. Nói cách khác, người nắm giữ trái phiếu là người cho vay của tổ chức phát hành trái phiếu.

2. Có bao nhiêu loại trái phiếu?

Tùy theo cách phân loại trái phiếu mà có các loại trái phiếu sau đây:

i. Phân loại theo người phát hành:

  • Trái phiếu Chính phủ;
  • Trái phiếu Doanh nghiệp;
  • Trái phiếu ngân hàng và các tổ chức tài chính.

ii. Phân loại theo lợi tức trái phiếu:

  • Trái phiếu có lãi suất cố định;
  • Trái phiếu có lãi suất biến đổi;
  • Trái phiếu có lãi suất bằng không.

iii. Phân loại theo mức độ bảo đảm của người thanh toán:

  • Trái phiếu bảo đảm;
  • Trái phiếu không bảo đảm.

iv. Phân loại dựa vào tính chất trái phiếu:

  • Trái phiếu có quyền mua cổ phiếu;
  • Trái phiếu có thể mua lại;
  • Trái phiếu có thể chuyển đổi.

v. Phân loại dựa vào hình thức trái phiếu:

  • Trái phiếu ghi danh;
  • Trái phiếu vô danh.
3. Công ty đại chúng là gì?

Công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong hai trường hợp sau đây:

  1. Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ; hoặc
  2. Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
4. Làm thế nào để trở thành công ty đại chúng?

Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ quy định phải nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty hoàn thành việc góp vốn và có cơ cấu cổ đông đáp ứng quy định của pháp luật.

5. Công ty đại chúng được chào bán những loại trái phiếu nào?

Công ty đại chúng được chào bán 03 loại trái phiếu sau: Trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền, trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền.

6. Điều kiện để công ty đại chúng chào bán trái phiếu là gì?

Điều kiện để chào bán trái phiếu ra công chúng của một công ty bao gồm:

  1. Có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
  2. Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm;
  3. Có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua;
  4. Có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác;
  5. Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán;
  6. Không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích;
  7. Có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành trái phiếu theo quy định của Chính phủ về các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng;
  8. Phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua trái phiếu của đợt chào bán; và
  9. Có cam kết và phải thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán.
7. Trường hợp nào phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm khi chào bán trái phiếu ra công chúng?

Tổ chức phát hành hoặc trái phiếu đăng ký chào bán phải được xếp hạng tín nhiệm bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong các trường hợp sau:

  1. Tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất trong các báo cáo sau: báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét (trường hợp tổ chức phát hành là đối tượng phải công bố báo cáo tài chính bán niên được soát xét) bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận; hoặc
  2. Tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất trong các báo cáo sau: báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét (trường hợp tổ chức phát hành là đối tượng phải công bố báo cáo tài chính bán niên được soát xét) bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.
8. Quy trình chào bán trái phiếu của công ty đại chúng?

Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền của công ty đại chúng, quy trình chào bán trái phiếu như sau:

  1. Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ chào bán trái phiếu;
  2. Doanh nghiệp công bố thông tin trước đợt chào bán;
  3. Doanh nghiệp phát hành thực hiện đăng ký, lưu ký trái phiếu.

Đối với chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của công ty đại chúng, quy trình chào bán trái phiếu như sau:

  1. Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ chào bán trái phiếu;
  2. Doanh nghiệp gửi 01 bộ hồ sơ chào bán trái phiếu quy định tại mục (i) ở trên đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
  3. Sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, doanh nghiệp công bố thông tin trước đợt chào bán và tổ chức phát hành trái phiếu.
  4. Số tiền thu được từ đợt chào bán phải được chuyển vào tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
  5. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, doanh nghiệp báo cáo kết quả chào bán, kèm theo xác nhận của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ báo cáo kết quả chào bán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo cho doanh nghiệp phát hành, đồng thời đăng lên trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc nhận được báo cáo kết quả chào bán.
  6. Sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo nhận được báo cáo kết quả chào bán, doanh nghiệp phát hành được giải tỏa số tiền thu được từ chào bán;
  7. Doanh nghiệp phát hành thực hiện đăng ký, lưu ký trái phiếu.
9. Điều kiện chào bán trái phiếu chuyển đổi ra công chúng?

Công ty đại chúng cần đạt được những điều kiện sau đây để phát hành trái phiếu chuyển đổi ra công chúng:

  1. Có phương án phát hành, phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền được Đại hội đồng cổ đông thông qua;
  2. Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán;
  3. Có cam kết và phải thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán;
  4. Phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của đợt chào bán;
  5. Tổng giá trị trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền tính theo mệnh giá không lớn hơn tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành tính theo mệnh giá, trừ trường hợp có bảo lãnh phát hành với cam kết nhận mua toàn bộ trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền để bán lại hoặc mua số trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền còn lại chưa được phân phối hết;
  6. Đối với đợt chào bán ra công chúng nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án của tổ chức phát hành, số lượng trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền bán được phải đạt tối thiểu là 70% số trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền dự kiến chào bán để thực hiện các dự án. Tổ chức phát hành phải có phương án bù đắp phần thiếu hụt vốn dự kiến huy động từ đợt chào bán để thực hiện các dự án; và
  7. Đáp ứng các quy định khác có liên quan của Luật Chứng khoán.
10. Có phải mọi trường hợp chào bán trái phiếu ra công chúng đều phải đăng ký?

Không phải. Trong một số trường hợp sau đây, tổ chức phát hành, cổ đông công ty đại chúng không phải đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng:

  1. Chào bán công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh do ngân hàng chính sách phát hành, trái phiếu chính quyền địa phương;
  2. Chào bán trái phiếu của tổ chức tài chính quốc tế được Chính phủ Việt Nam chấp thuận; hoặc
  3. Việc chào bán trái phiếu theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc việc bán trái phiếu của người quản lý hoặc người được nhận tài sản trong trường hợp phá sản hoặc mất khả năng thanh toán.
11. Đối tượng nào sẽ mua trái phiếu của công ty đại chúng?
  1. Đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
  2. Đối với trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.
12. Công ty đại chúng có thể chào bán trái phiếu dưới hình thức nào?

Công ty đại chúng có thể chào bán trái phiếu riêng lẻ hoặc chào bán trái phiếu ra công chúng.

13. Sự khác nhau giữa chào bán trái phiếu riêng lẻ và chào bán trái phiếu ra công chúng?

1. Chào bán trái phiếu ra công chúng là việc chào bán trái phiếu theo một trong các phương thức sau đây:

  1. Chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng;
  2. Chào bán cho từ 100 nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
  3. Chào bán cho các nhà đầu tư không xác định.

2. Chào bán trái phiếu riêng lẻ là việc chào bán trái phiếu không thuộc trường hợp chào bán qua phương tiện thông tin đại chúng và theo một trong các phương thức sau đây:

  1. Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
  2. Chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
14. Để chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế, công ty đại chúng cần thực hiện thủ tục gì?

Để chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế, công ty đại chúng cần thực hiện thủ tục sau:

  1. Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế và gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
  2. Sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, doanh nghiệp công bố thông tin trước khi chào bán và thực hiện chào bán trái phiếu theo quy định của thị trường phát hành;
  3. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, doanh nghiệp báo cáo kết quả chào bán cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
15. Hồ sơ chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế của công ty đại chúng bao gồm những gì?

Hồ sơ chào bán trái phiếu bao gồm các tài liệu cơ bản sau:

  1. Phương án chào bán trái phiếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận;
  2. Giấy xác nhận tài khoản vốn phát hành chứng khoán bằng ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
  3. Văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận hạn mức phát hành nằm trong tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài của quốc gia;
  4. Quyết định phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành trái phiếu của cấp có thẩm quyền;
  5. Báo cáo tài chính được lập theo chuẩn mực kế toán quốc tế trong trường hợp thị trường phát hành yêu cầu;
  6. Hồ sơ đăng ký chào bán với cơ quan có thẩm quyền tại thị trường phát hành hoặc ý kiến pháp lý của công ty tư vấn luật quốc tế về việc doanh nghiệp không phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền nước sở tại khi phát hành trái phiếu;
  7. Giấy đăng ký chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế;
  8. Bản sao Quyết định của Đại hội đồng cổ đông/Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty phê duyệt hồ sơ chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.
16. Các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ cách nhau tối thiểu bao nhiêu tháng?

Các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 06 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán gần nhất.

17. Bản cáo bạch khi phát hành trái phiếu cần có những nội dung chính nào?

Đối với việc chào bán trái phiếu ra công chúng, Bản cáo bạch bao gồm các nội dung chính như sau:

  1. Thông tin tóm tắt về tổ chức phát hành bao gồm mô hình tổ chức bộ máy, hoạt động kinh doanh, tài sản, tình hình tài chính, Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc), Kế toán trưởng và cơ cấu cổ đông (nếu có);
  2. Thông tin về đợt chào bán và chứng khoán chào bán bao gồm: điều kiện chào bán, các yếu tố rủi ro, dự kiến kế hoạch lợi nhuận và cổ tức của năm gần nhất sau khi phát hành chứng khoán, phương án phát hành và phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán;
  3. Báo cáo tài chính của tổ chức phát hành trong 02 năm gần nhất;
  4. Thông tin khác quy định trong mẫu Bản cáo bạch.
18. Có thể chào bán trái phiếu thành nhiều đợt không?

Có thể. Công ty đại chúng được phép chào bán trái phiếu thành nhiều đợt nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau:

  1. Các điều kiện chào bán trái phiếu;
  2. Có nhu cầu huy động vốn thành nhiều đợt phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu được phê duyệt;
  3. Có phương án phát hành trái phiếu trong đó dự kiến cụ thể về khối lượng, thời điểm và kế hoạch sử dụng vốn của từng đợt chào bán.
19. Các trường hợp nào được mua lại trái phiếu trước hạn?

Các trường hợp mua lại trái phiếu trước hạn bao gồm:

  1. Mua lại trước hạn theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp phát hành và người sở hữu trái phiếu.
  2. Bắt buộc mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư khi:
  • Doanh nghiệp phát hành vi phạm pháp luật về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà vi phạm đó không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận.
  • Doanh nghiệp phát hành vi phạm phương án phát hành trái phiếu mà vi phạm đó không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận.
  • Các trường hợp khác được nêu cụ thể tại phương án phát hành trái phiếu (nếu có).
20. Có được công bố thông tin chứa nội dung có tính chất quảng cáo, mời chào mua trái phiếu được chào bán hoặc phát hành riêng lẻ không?

Không. Việc công bố thông tin chứa đựng nội dung có tính chất quảng cáo, mời chào mua chứng khoán được chào bán hoặc phát hành riêng lẻ; quảng cáo việc chào bán hoặc phát hành chứng khoán riêng lẻ trên phương tiện thông tin đại chúng sẽ có thể bị phạt tiền lên đến 150.000.000 đồng.

21. Hành vi không đăng ký, lưu ký trái phiếu chào bán, phát hành riêng lẻ hoặc không thực hiện đúng thời hạn bị xử lý như thế nào?

Đối với các hành vi không đăng ký, lưu ký trái phiếu chào bán, phát hành riêng lẻ hoặc không thực hiện đúng thời hạn, pháp luật hiện hành quy định mức phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng.

22. Có được đảm bảo với nhà đầu tư về giá trái phiếu trong tương lai, lợi nhuận đạt được hoặc đảm bảo không bị thua lỗ?

Không. Theo quy định, việc đưa ra nhận định hoặc đảm bảo với nhà đầu tư về giá chứng khoán trong tương lai, về mức thu nhập, lợi nhuận đạt được trên khoản đầu tư hoặc đảm bảo không bị thua lỗ là hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp phát hành trái phiếu không chuyển đổi. Do đó, hành vi này sẽ bị phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng.

23. Vi phạm công bố thông tin không đúng thời hạn về việc dự kiến giao dịch, về kết quả thực hiện giao dịch thì bị xử lý như thế nào?

Hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn về việc dự kiến giao dịch, về kết quả thực hiện giao dịch bị xử phạt theo giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch có thể bị phạt tiền lên đến 75.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị đăng ký giao dịch.

Nội dung nêu trên không phải là ý kiến tư vấn chính thức từ BLawyers Vietnam. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ consult@blawyersvn.com. Chúng tôi rất vui khi nghe từ bạn.

Ngày: 29/3/2023

Người viết: Tuyến Phạm & Trâm Nguyễn

blawyersvn-cta-image

Yêu cầu tư vấn luật miễn phí

Vui lòng gọi cho chúng tôi hoặc điền vào mẫu đơn bên dưới. Chúng tôi sẽ phản hồi bạn trong vòng 24 giờ đồng hồ.

This field is for validation purposes and should be left unchanged.