#4 Đăng ký khoản vay: Doanh nghiệp Việt nam huy động vốn bằng khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh cần lưu ý những vấn đề nào?

Liên quan đến khoản vay nước ngoài không được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh, còn được gọi là khoản vay tự vay, tự trả tự chịu trách nhiệm trả nợ của doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, BLawyers Vietnam sẽ chia sẻ những kinh nghiệm thực tế liên quan đến tư vấn và hỗ trợ cho các Khách hàng là doanh nghiệp tại Việt Nam huy động vốn bằng các khoản vay tự vay, tự trả từ nước ngoài không được chính phủ Việt Nam bảo lãnh. Trong số đó, đa phần là các khoản vay từ công ty mẹ ở nước ngoài hoặc nhà đầu tư ở nước ngoài cho công ty ở Việt Nam vay.

Chủ biên

Xin chào quý khán thính giả đến với kênh The Lawyers Talk của Hãng luật BLawyers Vietnam. Tôi là Nguyễn Khắc Tính. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng thảo luận về một chủ đề được nhiều doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam đặc biệt quan tâm, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đó chính là huy động vốn bằng khoản vay nước ngoài không được chính phủ bảo lãnh.

Trong số này, tôi rất vui khi được đồng hành cùng Luật sư Ngô Nhật Minh – Luật sư điều hành của BLawyers Vietnam. Anh là một luật sư có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn cho các doanh nghiệp liên quan đến việc thực hiện đăng ký khoản vay nước ngoài để huy động vốn. Qua số podcast này, Luật sư Minh sẽ cùng chúng ta chia sẻ, thảo luận một số góc nhìn về thủ tục này và các kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình hành nghề luật.

Khách mời

Xin chào quý khán thính giả, tôi là Ngô Nhật Minh, Luật sư của BLawyers Vietnam. Thông qua Podcast này, tôi sẽ chia sẻ những kinh nghiệm mà bản thân và đội ngũ BLawyers Vietnam có được trong quá trình tư vấn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp tại Việt Nam huy động vốn bằng các khoản vay tự vay, tự trả từ nước ngoài không được chính phủ Việt Nam bảo lãnh. Trong số đó, đa phần là các khoản vay từ công ty mẹ ở nước ngoài hoặc nhà đầu tư ở nước ngoài cho công ty ở Việt Nam vay.

Hiện nay, cơ sở pháp lý chính cho việc vay nước ngoài tự vay, tự trả là Pháp lệnh ngoại hối 2005 (sửa đổi năm 2013), Nghị định số 219/2013/NĐ-CP và các thông tư của Ngân hàng Nhà nước như Thông tư số 12/2022/TT-NHNNThông tư số 08/2023/TT-NHNN.

Chủ biên

Khi một doanh nghiệp muốn đăng ký một khoản vay nước ngoài, họ sẽ đặt rất nhiều câu hỏi về hồ sơ, trình tự, thủ tục phải thực hiện. Luật sư Minh có thể chia sẻ khái quát các vấn đề nào là quan trọng không?

Khách mời

Vâng. Đầu tiên, doanh nghiệp cần lưu ý khoản vay nào cần phải đăng ký với NHNN. Có 3 loại, đó là:

  • Thứ nhất, khoản vay trung, dài hạn nước ngoài.
  • Thứ hai, khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 năm.
  • Thứ ba, khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc nói trên trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ thời điểm tròn 01 năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên.

Về hồ sơ đăng ký khoản vay, doanh nghiệp cần lưu ý 5 tài liệu chính là:

  1. Đơn đăng ký khoản vay.
  2. Hồ sơ pháp lý của bên đi vay: Giấy phép thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, …
  3. Văn bản chứng minh mục đích vay bao gồm:
    • Đối với khoản vay để thực hiện dự án đầu tư: Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan;
    • Đối với khoản vay để cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài của bên đi vay: Phương án cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài của bên đi vay được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ doanh nghiệp;
    • Thỏa thuận vay nước ngoài.
  4. Cam kết bảo lãnh (thư bảo lãnh, hợp đồng bảo lãnh hoặc hình thức cam kết bảo lãnh khác) trong trường hợp khoản vay được bảo lãnh.
  5. Văn bản phê duyệt, chấp thuận việc vay nước ngoài

Một lưu ý của tôi về giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đó là một dự án đầu tư sẽ có thông tin về tổng vốn đầu tư của dự án được chia thành vốn góp thực hiện dự án và vốn huy động. Thông thường, một doanh nghiệp chỉ được phép đăng ký một khoản vay nước ngoài trong hạn mức vốn huy động trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, căn cứ Thông tư 08/2023/TT-NHNN:

Về thủ tục đăng ký, khi nhận được bộ hồ sơ để đăng ký khoản vay nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành văn bản xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký khoản vay (có nêu rõ lý do) trong thời hạn:

  1. 12 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của bên đi vay trong trường hợp bên đi vay đã khai báo thông tin khoản vay trên Trang điện tử;
  2. 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của bên đi vay trong trường hợp bên đi vay không khai báo thông tin khoản vay trên Trang điện tử.
Chủ biên

Trong trường hợp nhà đầu tư thay đổi thông tin về khoản vay trong văn bản xác nhận thì có cần thực hiện thủ tục nào với Ngân hàng Nhà nước không?

Khách mời

Về câu hỏi này tôi sẽ trình bày thành 4 phần theo Thông tư số 12/2022/TT-NHNN như sau:

1. Trình tự, thủ tục

Bước 1: Bên đi vay chuẩn bị Đơn đăng ký thay đổi khoản vay.

  1. Trường hợp bên đi vay đã khai báo thông tin thay đổi khoản vay trên Trang điện tử trước khi gửi hồ sơ thì bên đi vay in Đơn từ Trang điện tử, ký và đóng dấu;
  2. Trường hợp bên đi vay không khai báo thông tin thay đổi khoản vay trên Trang điện tử trước khi gửi hồ sơ: bên đi vay hoàn thành mẫu Đơn đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài ban hành kèm theo Thông tư 12/2022/TT-NHNN.

Bước 2: Bên đi vay gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ các thời điểm sau:

  1. Các bên ký thỏa thuận thay đổi hoặc trước thời điểm thực hiện nội dung thay đổi (đối với trường hợp nội dung thay đổi không cần ký thỏa thuận thay đổi song vẫn đảm bảo phù hợp với thỏa thuận vay nước ngoài);
  2. Tổ chức kế thừa nghĩa vụ trả nợ khoản vay nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc ngày các bên ký thỏa thuận về việc thay đổi bên đi vay trong trường hợp bên đi vay ban đầu bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập (tùy thuộc ngày nào đến sau) và trước khi tiếp tục rút vốn, trả nợ khoản vay nước ngoài;
  3. Bên đi vay hoàn thành việc cập nhật thông tin thay đổi tên và/hoặc thay đổi địa chỉ chuyển trụ sở chính sang tỉnh, thành phố khác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;
  4. Bên cho vay (hoặc tổ chức đại diện bên cho vay trong khoản vay hợp vốn – nếu có), bên bảo đảm, bên bảo lãnh hoặc các bên liên quan khác được nêu tại văn bản xác nhận đăng ký, văn bản xác nhận đăng ký thay đổi gửi văn bản thông báo cho bên đi vay về việc đổi tên và trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền liên quan đến các bên này.

Bước 3: Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác nhận hoặc từ chối xác nhận đăng ký khoản vay (nêu rõ lý do) trong các thời hạn sau:

  1. 12 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của bên đi vay trong trường hợp bên đi vay đã khai báo thông tin thay đổi khoản vay trên Trang điện tử trước khi gửi hồ sơ đăng ký thay đổi;
  2. 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của bên đi vay trong trường hợp bên đi vay không khai báo thông tin thay đổi khoản vay trên Trang điện tử trước khi gửi hồ sơ đăng ký thay đổi.
2. Hồ sơ đăng ký thay đổi khoản vay
  1. Đơn đăng ký thay đổi khoản vay;
  2. Bản sao và bản dịch tiếng Việt các thỏa thuận thay đổi liên quan đến nội dung bên đi vay đăng ký thay đổi;
  3. Bản sao văn bản của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp về việc chấp thuận thay đổi phương án vay nước ngoài của bên đi vay là doanh nghiệp nhà nước đối với trường hợp thay đổi tăng số tiền vay hoặc kéo dài thời hạn vay (không áp dụng đối với khoản vay của ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước là cơ quan đại diện chủ sở hữu và đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, chấp thuận theo quy định về quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp);
  4. Bản sao hoặc bản chính văn bản chứng minh mục đích vay bao gồm:
    • Đối với khoản vay để thực hiện dự án đầu tư: Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan;
    • Đối với khoản vay thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh khác không phải dự án đầu tư: Phương án sử dụng vốn vay nước ngoài được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và điều lệ doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và điều lệ hợp tác xã và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
    • Đối với khoản vay để cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài của bên đi vay: Phương án cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài của bên đi vay được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và điều lệ hợp tác xã và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
    • Đối với khoản vay (1) Khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 năm; và (2) Khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 năm: Báo cáo việc sử dụng khoản vay nước ngoài ngắn hạn ban đầu đáp ứng quy định về điều kiện vay nước ngoài ngắn hạn (kèm theo các tài liệu chứng minh như phương án sử dụng vốn vay nước ngoài của bên đi vay, phương án cơ cấu khoản nợ nước ngoài);
  5. Văn bản xác nhận của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản về tình hình rút vốn, trả nợ (gốc và lãi) đến thời điểm đăng ký thay đổi khoản vay đối với trường hợp đăng ký thay đổi số tiền vay, kế hoạch rút vốn, kế hoạch trả nợ hoặc thay đổi ngân hàng thương mại cung ứng dịch vụ tài khoản.
3. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và xử lý việc đăng ký thay đổi khoản vay

Ngân hàng nhà nước hoặc Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phụ thuộc vào giá trị của khoản vay.

4. Lưu ý về 7 trường hợp sau đây không cần phải đăng ký thay đổi khoản vay
  1. Thay đổi thời gian rút vốn, trả nợ gốc trong phạm vi 10 ngày làm việc so với kế hoạch đã được Ngân hàng Nhà nước xác nhận;
  2. Thay đổi địa chỉ của bên đi vay nhưng không thay đổi tỉnh, thành phố nơi bên đi vay đặt trụ sở chính, bên đi vay gửi thông báo về việc đổi địa chỉ cho Cơ quan có thẩm quyền xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của bên đi vay;
  3. Thay đổi bên cho vay, các thông tin liên quan về bên cho vay trong khoản vay hợp vốn có chỉ định đại diện các bên cho vay, trừ trường hợp bên cho vay đồng thời là đại diện các bên cho vay trong khoản vay hợp vốn và việc thay đổi bên cho vay làm thay đổi vai trò đại diện các bên cho vay;
  4. Thay đổi tên giao dịch thương mại của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản, ngân hàng phục vụ giao dịch bảo đảm;
  5. Thay đổi kế hoạch trả lãi, phí của khoản vay nước ngoài so với kế hoạch đã được Ngân hàng Nhà nước xác nhận tại văn bản xác nhận đăng ký, xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài nhưng không thay đổi cách xác định lãi, phí quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài. Bên đi vay có trách nhiệm lập bảng tính lãi, phí phải trả để ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản có cơ sở kiểm tra, theo dõi khi thực hiện việc chuyển tiền;
  6. Thay đổi (tăng hoặc giảm) số tiền rút vốn, trả nợ gốc, lãi, phí trong phạm vi 100 đơn vị tiền tệ của đồng tiền vay nước ngoài so với số tiền đã nêu trong văn bản xác nhận đăng ký, văn bản xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài;
  7. Thay đổi số tiền rút vốn, trả nợ gốc thực tế của một kỳ cụ thể ít hơn số tiền được nêu tại kế hoạch rút vốn, trả nợ trên văn bản xác nhận đăng ký hoặc văn bản xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài.
Chủ biên

Các doanh nghiệp cần phải lưu ý các nội dung quan trọng trong văn bản xác nhận đăng ký khoản vay nước ngoài do NHNN cấp nhằm thực hiện đúng các quy trình, thủ tục tiếp theo theo yêu cầu của Ngân hàng nhà nước. Trong số đó, việc thực hiện báo cáo hàng quý cho NHNN đối với khoản vay nước ngoài là thủ tục rất quan trọng đúng không Luật sư Minh?

Khách mời

Đúng vậy.

  1. Bên đi vay phải thực hiện chế độ báo cáo như sau: Định kỳ hàng tháng, chậm nhất vào ngày 05 của tháng tiếp theo kỳ báo cáo, bên đi vay phải báo cáo trực tuyến tình hình thực hiện các khoản vay ngắn, trung và dài hạn tại Trang điện tử.
  2. Bên đi vay vi phạm chế độ báo cáo khi thực hiện các hành vi sau đây:
  1. Vi phạm quy định về thời hạn, yêu cầu đầy đủ, chính xác từ lần thứ hai trở lên trong năm tài chính của các báo cáo thống kê có định kỳ dưới 01 tháng;
  2. Gửi báo cáo không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật;
  3. Không lưu giữ, bảo quản hồ sơ, tài liệu đúng thời hạn;
  4. Số liệu báo cáo gửi không chính xác từ 02 lần trở lên trong năm tài chính.

Mức phạt đối với các hành vi này là từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Chủ biên

Qua thông tin này, các cá nhân, doanh nghiệp cần phải lưu ý thực hiện đúng chế độ báo cáo này để tránh rủi ro bị phạt hành chính cũng như sẽ ảnh hưởng đến thủ tục gia hạn khoản vay.

Trở lại với thủ tục đăng ký khoản vay, tôi giả sử rằng nếu (i) bên vay không có khả năng thanh toán nợ đối với bên cho vay theo thỏa thuận vay khoản vay ngắn hạn và các bên đã đàm phán được với nhau về việc kéo dài thời hạn thanh toán khoản nợ; hoặc là (ii) các bên đã thỏa thuận để thay đổi thời hạn của khoản vay hoặc thời hạn trả nợ, mà các tình huống này làm phát sinh vấn đề chuyển đổi hình thức khoản vay từ khoản vay ngắn hạn sang khoản vay trung và dài hạn. Vậy Luật sư Minh vui lòng chia sẻ cách xử lý trong trường hợp này là gì?

Khách mời

Theo luật Việt Nam, các bên hoàn toàn có thể chuyển đổi hình thức khoản vay từ khoản vay ngắn hạn sang khoản vay trung và dài hạn. Tuy nhiên, các bên cần lưu ý một số điểm quan trọng như sau:

  1. Các bên cần thỏa thuận bằng văn bản về việc thay đổi thời hạn của khoản vay;
  2. Bên đi vay thực hiện thủ tục đăng ký khoản vay trung và dài hạn với NHNN;
  3. Bên đi vay cần đảm bảo các chế độ báo cáo của khoản vay ngắn hạn đã được thực hiện đầy đủ, và các nội dung của báo cáo là chính xác, hợp lệ.
Chủ biên

Theo kinh nghiệm thực tiễn của luật sư Minh thì liên quan đến khoản vay nước ngoài, các doanh nghiệp thường hay vi phạm những hành vi vi phạm hành chính nào? Nói nôm na là dễ mắc phải nhất?

Khách mời

Tôi xin chia sẻ ở đây 2 vấn đề thực tiễn được rút ra một vụ việc của một doanh nghiệp kinh doanh địa ốc. Doanh nghiệp đó có một khoản vay nước ngoài ngắn hạn với hợp đồng vay ghi nhận thời gian vay là 12 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên. Sau đó, hết thời hạn 30 ngày kể từ “ngày tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên”, doanh nghiệp đó không đăng ký khoản vay nước ngoài với NHNN nên đã bị phạt với số tiền lên đến 40.000.000 Đồng.

Đồng thời có một vấn đề rất quan trọng đến khoản vay nước ngoài là mục đích vay, mà Nghị định số 219/2013/NĐ-CP quy định rằng bên đi vay phải sử dụng vốn vay nước ngoài đúng mục đích, phù hợp với phạm vi hoạt động của bên đi vay và tuân thủ quy định của pháp luật. Tại thời điểm đăng ký khoản vay nước ngoài, doanh nghiệp phải kê khai với NHNN về mục đích vay và các tài liệu chứng minh tính hợp pháp của mục đích vay. Tại thời điểm xác nhận đăng ký khoản vay nước ngoài, NHNN cũng xác nhận mục đích vay trên văn bản ban hành cho doanh nghiệp. Thông tư số 08/2023/TT-NHNN đã quy định rõ mục đích vay đối với bên vay không phải tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài như sau:

A. Khoản vay ngắn hạn

  1. Để cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài và thanh toán các khoản nợ ngắn hạn phải trả bằng tiền (không bao gồm các khoản nợ gốc của khoản vay trong nước) của bên đi vay; và
  2. Để phục vụ hoạt động nghiệp vụ của bên đi vay có thời hạn sử dụng vốn không quá 12 tháng kể từ thời điểm rút vốn khoản vay nước ngoài khi bên đi vay thuộc đối tượng phải đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính theo pháp luật chuyên ngành (ví dụ: công ty chứng khoán)

B. Khoản vay dài hạn

  1. Thực hiện dự án đầu tư của bên đi vay;
  2. Thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự án khác của bên đi vay; và
  3. Cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài của bên đi vay.

Quay trở với vụ việc thực tiễn mà tôi vừa nêu, doanh nghiệp địa ốc đã sử dụng một phần khoản vay để cho một cá nhân khác vay mà điều đó được thể hiện trên bản sao kê tài khoản của doanh nghiệp, nên doanh nghiệp đã vi phạm mục đích vay và bị phạt với số tiền 300.000.000 đồng. Đây là một số tiền phạt rất lớn.

Chủ biên

Tôi được biết rằng các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi vay một khoản vay từ công ty mẹ ở nước ngoài, các bên có thể chọn phương án chuyển đổi khoản vay nước ngoài thành vốn góp của công ty mẹ trong doanh nghiệp kia. Vậy trên thực tế quy trình này như thế nào và luật sư Minh có lưu ý gì với các doanh nghiệp không?

Khách mời

Đây cũng là một vấn đề mà tôi rất muốn chia sẻ trong buổi nói chuyện này.

Tôi xin dẫn một câu chuyện thực tiễn của một khách hàng của chúng tôi là một công ty sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài tọa lạc trong một khu công nghiệp tại TP. HCM. Doanh nghiệp này muốn thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 1 triệu USD bằng cách chuyển đổi khoản vay nước ngoài trung và dài hạn của công ty mẹ ở nước ngoài đã ký kết trước đó.

Theo quy định của Thông tư số 12/2022/TT-NHNN, một doanh nghiệp khi đã nhận khoản vay từ cổ đông hay thành viên góp vốn nước ngoài không phải trả nợ thông qua tài khoản vay, trả nợ nước ngoài khi có thỏa thuận chuyển đổi dư nợ thành cổ phần hoặc phần vốn góp trong doanh nghiệp đó. Như vậy, thông qua quy định nêu trên, pháp luật Việt Nam đã cho phép và thừa nhận việc chuyển đổi khoản vay nước ngoài đã có thành vốn điều lệ của doanh nghiệp đó.

Đối chiếu với quy định của Luật Doanh nghiệp, ứng với mỗi loại hình doanh nghiệp thì đều có quy định về tăng vốn điều lệ. Mặc dù không có trường hợp tăng vốn điều lệ từ việc chuyển đổi khoản vay được cấp bởi thành viên góp vốn hay cổ đông, nhưng Luật Doanh nghiệp cũng có những quy định mở về hình thức tăng vốn, như là trường hợp chủ sở hữu trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được quyết định hình thức tăng và mức tăng vốn điều lệ.

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỗ trợ khách hàng thực hiện nộp hồ sơ điều chỉnh tăng vốn đầu tư trên GCNĐKĐT và tăng vốn điều lệ trên GCNĐKDN thì cả 02 cơ quan quản lý là HEPZA và DPI đều từ chối nội dung doanh nghiệp tăng vốn bằng cách chuyển đổi từ khoản vay nước ngoài của công ty mẹ, mặc dù NHNN đã có văn bản xác nhận kế hoạch trả nợ gốc của công ty Việt Nam là chuyển nợ gốc thành vốn góp của bên cho vay vào công ty. Lý do hai cơ quan này đưa ra đều căn cứ theo quy định Luật Doanh nghiệp thì không có trường hợp tăng vốn bằng các chuyển đối khoản vay để từ chối hồ sơ điều chỉnh tăng vốn.

Chúng tôi thấy rằng đang có một “khoảng hở” giữa quy định giữa Luật doanh nghiệp 2019 và pháp luật ngoại hối liên quan đến việc trả các khoản vay nước ngoài, dẫn đến việc các cơ quan như HEPZA và DPI từ chối một cách “cứng nhắc” và gây khó khăn cho doanh nghiệp. Phía các nhà đầu tư cũng lấy làm khó hiểu tại sao pháp luật Việt Nam không thống nhất và mỗi cơ quan Nhà nước lại có cách chấp thuận hoặc từ chối kế hoạch trả nợ của các bên như vậy. Đồng thời, nhà đầu tư phải chứng minh rằng họ có khả năng góp thêm 1 triệu USD bằng một bản sao kê ngân hàng hoặc báo cáo tài chính đã kiểm toán cho năm tài chính gần nhất dù họ đã góp sẵn 1 triệu USD đó vào doanh nghiệp thông qua một hợp đồng vay.

Chủ biên

Qua phần chia sẻ của Luật sư Minh, chúng ta thấy ra việc vay vốn nước ngoài và đăng ký các khoản vay này theo pháp luật Việt Nam thật sự là một thủ tục phức tạp, yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp phải nắm vững các quy định về vấn đề này.

Thật sự rất cám ơn Luật sư Minh đã dành thời gian chia sẻ về những thông tin về chủ đề này cũng như kiến thức pháp lý cần thiết vừa rồi. Hy vọng rằng những thông tin bên trên sẽ thật sự hữu ích đối với thính giả.

Khách mời

Cảm ơn Tính đã cùng thảo luận với tôi về những câu hỏi hết sức thú vị trong podcast kỳ này. Hy vọng những chia sẻ vừa rồi của tôi đã đem đến cho quý khán thính giả một góc nhìn thực tiễn về việc thực hiện thủ tục đăng ký khoản vay nước ngoài, và có thể tham chiếu nhằm cân nhắc thực hiện thủ tục này.

Chủ biên

Xin cảm ơn Luật sư Ngô Nhật Minh rất nhiều.

Đến đây, Podcast của The Lawyers Talk chia sẻ về chủ đề đăng ký khoản vay nước ngoài dừng lại ở đây, cảm ơn quý khán giả đã quan tâm theo dõi, xin chào và hẹn gặp lại trong chương trình Podcast kỳ sau.

Nếu có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc nào, các bạn để lại dòng bình luận bên dưới.

Hoặc để biết thêm thông tin về BLawyers Vietnam, xin mời các bạn xem Website của chúng tôi bên dưới màn hình Podcast của The Lawyers Talk.

Xin chào và hẹn gặp lại.

Nội dung nêu trên không phải là ý kiến tư vấn chính thức từ BLawyers Vietnam. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hay góp ý về nội dung trên vui lòng liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ ⁠⁠⁠⁠consult@blawyersvn.com⁠⁠⁠⁠. Chúng tôi rất vui khi nghe từ bạn.

Chủ biên

Thanhnguyen
Thanh Nguyễn

Xem thêm thông tin tại đường dẫn

#4 Đăng ký khoản vay: Doanh nghiệp Việt nam huy động vốn bằng khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh cần lưu ý những vấn đề nào?
Tính Nguyễn

Xem thêm thông tin tại đường dẫn

Khách mời

#4 Đăng ký khoản vay: Doanh nghiệp Việt nam huy động vốn bằng khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh cần lưu ý những vấn đề nào?
Minh Ngô

Xem thêm thông tin tại đường dẫn