#3 Di chúc: sự cần thiết của việc chuẩn bị trước di chúc và các vấn đề cần lưu ý

Khi nhắc đến di chúc, chắc Quý khán thính giả có thể nhận ra rằng đây là một chủ đề đang được xã hội quan tâm trong suốt thời gian qua, bởi vì các câu chuyện gây tranh cãi liên quan đến vấn đề tranh chấp di sản giữa những người thân trong gia đình.

Vậy thì, một vấn đề được đặt ra rằng chúng ta có bao giờ ý thức về sự ra đi của bản thân, và khái niệm sinh lão bệnh tử là không bao giờ xa lạ và nó gắn liền với đời sống con người.
Khi còn khỏe mạnh, minh mẫn, chúng ta đã trải qua và bỏ ra rất nhiều công sức để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp và đầy đủ, nhằm để tích lũy một cơ nghiệp và tài sản cho gia đình. Tuy nhiên, đôi khi ít có ai nghĩ đến việc tự lập kế hoạch cho sự ra đi của mình, dự trù việc gìn giữ, trao gửi các di sản của bản thân cho những ai có thể tiếp nối, phát huy khi bản thân đã không còn hiện hữu trên đời nữa.

Thấu hiểu sự trăn trở này, Luật sư của BLawyers Vietnam sẽ đưa ra những kinh nghiệm thực tế cũng như chia sẻ các kiến thức pháp lý liên quan đến vấn đề Di chúc và thừa kế thông qua tập Podcast phát hành kỳ này.

Chủ biên

Xin chào mừng quý khán thính giả đã đến với kênh The Lawyers Talk của hãng luật BLawyers Vietnam. Mình là Trần Lê Phương Uyên. Ở số podcast này, Uyên rất vui khi được đồng hành và cùng chia sẻ với mọi người các câu chuyện pháp luật xoay quanh đời sống thường ngày của chúng ta.

Trong số podcast này, Uyên rất hân hạnh được chào đón Luật sư Trần Ngọc Thuyết – Luật sư cấp cao của hãng luật BLawyers Vietnam.

Luật sư sẽ cùng Uyên trao đổi, thảo luận về một chủ đề pháp lý vô cùng quan trọng trong đời sống thường nhật. Đó là sự cần thiết của việc lập di chúc và các vấn đề pháp lý cần lưu ý.

Khách mời

Xin chào quý khán thính giả đang theo dõi số podcast này, chào Phương Uyên. Tôi là Trần Ngọc Thuyết – Luật sư Thành viên Cấp cao của hãng luật BLawyers Vietnam.

Chủ biên

Xin cảm ơn Luật sư Thuyết đã đến với số podcast này.

Thưa Luật sư Thuyết, khi nhắc đến di chúc, chắc Luật sư Thuyết và mọi người có thể nhận ra rằng đây là một chủ đề đang được xã hội quan tâm trong suốt thời gian qua bởi vì các câu chuyện gây tranh cãi liên quan đến vấn đề tranh chấp di sản giữa những người thân trong gia đình.

Vậy thì, một vấn đề được đặt ra rằng chúng ta có bao giờ ý thức về sự ra đi của bản thân, và khái niệm sinh lão bệnh tử là không bao giờ xa lạ và nó gắn liền với đời sống con người.

Khi còn khỏe mạnh, minh mẫn, chúng ta đã trải qua và bỏ ra rất nhiều công sức để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp và đầy đủ, nhằm để tích lũy một cơ nghiệp và tài sản cho gia đình. Tuy nhiên, đôi khi ít có ai nghĩ đến việc tự lập kế hoạch cho sự ra đi của mình, dự trù việc gìn giữ, trao gửi các di sản của bản thân cho những ai có thể tiếp nối, phát huy khi bản thân đã không còn hiện hữu trên đời nữa.

Là môt luật sư có nhiều năm kinh nghiệm hành nghề trong lãnh vực dân sự, Luật sư Thuyết có thể chia sẽ kinh nghiệm và quan điểm như thế nào về việc cá nhân chuẩn bị trước bản di chúc?

Khách mời

Thực ra đối với nhiều người nhất là tại các nước tiên tiến phương Tây, việc cá nhân lập di chúc chỉ là một hoạt động xã hội bình thường và một hành động pháp lý đơn giản mà ai cũng có quyền thực hiện, bất kể là giàu sang hay nghèo khó chăng nữa. Tuy nhiên, đối với xã hội phương Đông, nơi hàng nghìn năm ảnh hưởng về Nho học, tôn giáo, và chịu ảnh hưởng từ nền văn hóa Á Đông sâu đậm, thì việc một cá nhân lập di chúc đôi khi như là điều cấm kị, hay gây ra nhiều điềm xấu cho người đang sống và cả gia đình họ.

Vì quan điểm trên đây, cho nên chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng người Việt Nam hiện nay vẫn đang mang tâm lý e dè, ngại ngần khi đề cập đến việc lập di chúc; cũng như việc đề cập đến tài sản và sự ra đi của một ai đó được xem là các chủ đề nhạy cảm, tránh bàn luận trực diện; cùng một số tập quán khác như truyền thống cha truyền con nối, cháu đích tôn… khiến cho vấn đề lập di chúc trở nên kém quan trọng hoặc ít được quan tâm hơn trong mắt mọi người.

Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật, mọi người chúng ta nên nhìn nhận di chúc là một dạng công cụ xã hội và pháp lý giúp cho một cá nhân có thể tự lên kế hoạch bảo vệ tài sản, cơ nghiệp hợp pháp của bản thân một cách hữu hiệu. Đồng thời, công cụ này còn giúp mỗi người có thể hoạch định được nguồn tài sản của bản thân vào các đối tượng phù hợp trong tương lai, đáng tin tưởng, tránh câu chuyện tài sản cả đời gây dựng lại rơi vào tay các đối tượng xấu.

Ngoài ra, việc chuẩn bị di chúc không chỉ tạo hành làng pháp lý an toàn đối với toàn bộ tài sản của cá nhân mà còn góp phần gìn giữ sự bình yên, trật tự trong chính gia đình của người đó. Như mọi người có thể hiểu, con người luôn phải đối mặt với vấn đề cơm áo gạo tiền hằng ngày, vì vậy di sản thừa kế là một trong các cơ hội vật chất chính đáng mà mỗi người có thể xem xét. Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để đảm bảo việc phân chia di sản được thực hiện một cách tốt đẹp, đạt được thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, phù hợp với pháp luật, và quan trọng nhất là vẫn giữ được hòa khí, sự yêu thương trong gia đình. Câu trả lời nằm ở việc chuẩn bị trước một bản di chúc ngay khi chúng ta còn đang hiện hữu!

Chủ biên

Thưa Luật sư Thuyết, vậy thì ai có quyền lập di chúc và thời điểm nào là phù hợp để cá nhân có thể lập di chúc?

Khách mời

Theo quy định pháp luật, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Theo đó, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; được hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Người được quyền lập di chúc theo quy định pháp luật bao gồm:

Thứ nhất, người thành niên có trạng thái minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.

Thứ hai, người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

Đối chiếu với các quy định pháp luật nêu trên thì ai cũng có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.

Chủ biên

Thưa Luật sư, vậy pháp luật có quy định quyền của người lập di chúc và hình thức di chúc như thế nào?

Khách mời

Theo quy định pháp luật dân sự, người lập di chúc có các quyền sau đây:

  1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
  2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
  3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
  4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
  5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Hình thức của di chúc, di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

Tuy nhiên theo kinh nghiệm thực tiễn, di chúc phải được lập thành văn bản; ngoại trừ trường hợp tính mạng người lập di chúc bị cái chết de dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì người lập di chúc mới được lập di chúc miệng.

Cũng lưu ý thêm rằng, di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

Theo quy định, di chúc bằng văn bản bao gồm các loại sau:

a) Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;

Đối với loại di chúc này, người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc. Ngoài ra, di chúc phải bao gồm các nội dung do pháp luật quy định như đã nói trên.

b) Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;

Đối với loại di chúc này, người lập di chúc được quyền đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc. Tuy nhiên, pháp luật yêu cầu phải có ít nhất 02 (hai) người làm chứng cho việc lập di chúc này.

Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

c) Di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

Việc công chứng di chúc được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng viên tới chỗ ở của mình để lập di chúc; việc chứng thực di chúc được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Theo đó, người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ là đối tượng phải lập di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

Mặc dù pháp luật không có sự phân biệt về hiệu lực của di chúc được công chứng bởi văn phòng công chứng và di chúc được chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền, trên thực tế, những người lập di chúc thường lựa chọn thủ tục công chứng bởi do được chứng nhận toàn bộ nội dung của di chúc là phù hợp pháp luật, giảm thiểu các rủi ro pháp lý có thể xảy ra liên quan đến nội dung của di chúc sau này.

Chủ biên

Cảm ơn các chia sẻ của Luật sư, như vậy quý khán thính giả cũng đã hiểu rõ các quy định về độ tuổi, quyền của người lập di chúc và hình thức của di chúc. Tuy nhiên, để đảm bảo một bản di chúc hợp pháp và có hiệu lực thì chắc hẳn người lập di chúc còn phải đáp ứng một số điều kiện cơ bản khác phải không?

Khách mời

Đúng vậy, mọi người rất cần phải lưu ý đáp ứng đủ các điều kiện của di chúc theo luật định như sau:

  1. Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
  2. Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, điều kiện về hình thức di chúc phải được tuân thủ như sau:

  1. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
  2. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
  3. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện đã được tôi đề cập trước đó.

Trên đây là các điều kiện cần có để bản di chúc của chúng ta được xem là hợp pháp, có hiệu lực pháp luật. Người lập di chúc cần phải xem xét cẩn trọng rằng mình đã đáp ứng đầy đủ các yếu tố trên hay chưa, tránh trường hợp chưa thỏa mãn đủ điều kiện cơ bản khiến di chúc có khả năng bị vô hiệu vào thời điểm mở di chúc thừa kế, gây ra các hệ quả và tranh chấp không đáng có.

Chủ biên

Em thấy rằng chuẩn bị trước di chúc thực chất là việc lập kế hoạch cho tương lai, và quy định của pháp luật cũng không khắt khe về độ tuổi mà các cá nhân có thể lập di chúc. Do đó, em nghĩ rằng sau chia sẻ của Luật sư thì mọi người có thể cân nhắc đến việc chuẩn bị di chúc.

Đến đây, có một vấn đề mà em thấy rằng mọi người rất quan tâm, đó là pháp luật có quy định về nội dung bắt buộc của di chúc không?

Khách mời

Bản di chúc, về cơ bản, là một văn bản ghi nhận các nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của cá nhân đối với việc phân chia tài sản hoặc các vấn đề khác mà cá nhân này mong muốn được người khác thực hiện sau khi qua đời. Tuy nhiên, trước hết một bản di chúc phải thể hiện rõ các nội dung theo luật định như sau:

Thứ nhất, ngày, tháng, năm lập di chúc;

Thứ hai, các thông tin về nhân thân của người lập di chúc bao gồm họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

Thứ ba, các thông tin về nhân thân, về pháp nhân đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

Thứ tư, kê khai đầy đủ, rõ ràng các thông tin kèm tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền sở hữu đối với di sản để lại và nơi có di sản.

Lưu ý thêm rằng, di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Và trong trường hợp di chúc có tẩy xóa, sửa chữa thì người lập di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa đó.

Chủ biên

Đây là các lưu ý quan trọng về việc trình bày nội dung của bản di chúc mà mọi người cần ghi nhớ.

Như Luật sư vừa trình bày trên đây: nếu một cá nhân rơi vào tình huống thập tử nhất sinh, không có điều kiện để họ thực hiện một bản di chúc như bình thường thì việc họ bày tỏ di nguyện của bản thân qua lời nói thì làm thế nào lời di chúc đó có được pháp luật công nhận như một bản di chúc bằng văn bản không?

Khách mời

Trường hợp mà Phương Uyên vừa nhắc đến, theo pháp luật dân sự, được nhìn nhận là di chúc miệng. Di chúc miệng được quy định nhằm tiên liệu ở một số trường hợp cá nhân lâm vào tình huống nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng, và tất nhiên là không thể viết di chúc thành văn bản như điều kiện bình thường.

Tuy nhiên, di chúc miệng vẫn đòi hỏi người lập di chúc các điều kiện sau đây:

  1. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
  2. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Vậy thì, chúng ta thấy điều gì trong thủ tục lập di chúc miệng theo luật định, đó chính là yêu cầu về người làm chứng, và kết quả cuối cùng của di chúc miệng vẫn phải là dưới dạng văn bản, và phải được công chứng, chứng thực chữ ký hoặc điểm chỉ. Sau khi thực hiện tất cả các thủ tục bắt buộc này, di chúc miệng mới được pháp luật công nhận và có hiệu lực pháp luật.

Chủ biên

Khi tìm hiểu về điều kiện của một bản di chúc hợp pháp, em thấy rằng vai trò của người công chứng, chứng thực và người làm chứng cho việc lập di chúc cũng rất quan trọng. Vậy thì Luật sư có lưu ý nào về tư cách và vai trò của những cá nhân này không?

Khách mời

Như tôi đã chia sẻ trên đây, đối với việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng, hoặc có công chứng hoặc chứng thực. Pháp luật dân sự quy định rất chặt chẽ về điều kiện của người công chứng, chứng thực, người làm chứng đối với việc lập di chúc của một cá nhân. Để đảm bảo tính minh bạch, công khai và khách quan của việc lập di chúc, không phải ai cũng là đối tượng phù hợp để thực hiện vai trò làm chứng này.

Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:

  1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
  2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
  3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Công chứng viên, người có thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã không được công chứng, chứng thực đối với di chúc nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
  2. Người có cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
  3. Người có quyền, nghĩa vụ về tài sản liên quan tới nội dung di chúc.

Bởi vì, việc công chứng, chứng thực, làm chứng đối với việc lập di chúc ảnh hưởng không nhỏ đến điều kiện có hiệu lực của bản di chúc nên chúng ta cần phải lưu tâm, kiểm tra cẩn thận tư cách của các cá nhân thực hiện nhiệm vụ này.

Chủ biên

Qua các vấn đề trao đổi phía trên, chúng ta thấy rằng các yếu tố về đối tượng thực hiện, nội dung, hình thức quyết định đến tính hợp pháp của một bản di chúc. Tuy nhiên, còn một vấn đề vô cùng quan trọng mà chúng ta phải xét đến khi lập di chúc, đó là hiệu lực pháp luật của di chúc.

Thưa Luật sư, pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về hiệu lực của di chúc, và các cá nhân lập di chúc phải lưu ý những vấn đề thực tiễn nào liên quan đến hiệu lực di chúc?

Khách mời

Đây là một nội dung quan trọng mà bất kỳ người lập di chúc nào cũng quan tâm.
Theo quy định pháp luật, di chúc có hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế. Theo đó, thời điểm mở thừa kế là thời điểm mà người để lại tài sản thừa kế chết.

Ngoài ra, di chúc có thể không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần nếu phát sinh các tình huống sau đây:

  1. Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
  2. Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
  3. Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực;
  4. Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực;
  5. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực;
  6. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.
  7. Đối với di chúc miệng, sau 03 (ba) tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Chủ biên

Thưa quý khán thính giả, qua chia sẻ của Luật sư Thuyết, chúng ta thấy rằng việc chuẩn bị trước di chúc và nắm vững các quy định về điều kiện để di chúc hợp pháp là một việc làm vô cùng thiết yếu nhằm bảo vệ an toàn cho sản nghiệp, và gia đình của mỗi cá nhân.

Cũng chính vì chúng ta sẽ không thể biết trước điều gì sẽ xảy ra với bản thân mình, nên ngay từ lúc mỗi cá nhân đang ở đỉnh cao sự nghiệp, có đầy đủ sức khỏe và trí tuệ thì mỗi người nên chủ động, lập kế hoạch, chuẩn bị cho bản thân một bản di chúc.

Điều quan trọng nhất chính là việc làm này sẽ giúp những người thân trong gia đình chúng ta dễ dàng giải quyết các vấn đề hậu sự, và tránh tối đa các mâu thuẫn không đáng có xảy ra giữa những người thân yêu.

Cảm ơn Luật sư Thuyết đã dành thời gian chia sẻ về những vấn đề cũng như các kiến thức pháp lý vô cùng cần thiết vừa rồi. Hy vọng rằng những thông tin đã được Luật sư Thuyết và Uyên thảo luận sẽ mang đến cho quý khán thính giả một góc nhìn toàn diện về câu chuyện pháp lý xoay quanh việc lập di chúc.

Khách mời

Cảm ơn Phương Uyên đã cùng thảo luận với tôi về chủ đề hết sức quan trọng trong podcast kỳ này. Hy vọng những chia sẻ vừa rồi của tôi đã đem đến cho quý khán thính giả nhiều thông tin pháp lý bổ ích về việc lập di chúc, và quan trọng hơn hết là giảm bớt tâm lý e dè, ngại ngần trước vấn đề lập di chúc.

Chủ biên

Cảm ơn Luật sư Thuyết rất nhiều. Đến đây, Podcast của The Lawyers Talk chia sẻ về chủ đề tầm quan trọng của việc chuẩn bị di chúc xin phép dừng lại ở đây, cảm ơn quý khán thính giả đã quan tâm theo dõi, xin chào và hẹn gặp lại trong số Podcast kỳ sau.

Nếu có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc nào, các bạn để lại dòng bình luận bên dưới.

Hoặc để biết thêm thông tin về BLawyers Vietnam, xin mời các bạn xem Website của chúng tôi bên dưới màn hình Podcast của The Lawyers Talk.

Xin chào và hẹn gặp lại.

Nội dung nêu trên không phải là ý kiến tư vấn chính thức từ BLawyers Vietnam. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hay góp ý về nội dung trên  vui lòng liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ ⁠⁠⁠⁠consult@blawyersvn.com⁠⁠⁠⁠. Chúng tôi rất vui khi nghe từ bạn.

Chủ biên:

Thanhnguyen
Thanh Nguyễn

Xem thêm thông tin tại đường dẫn

#3 Di chúc: sự cần thiết của việc chuẩn bị trước di chúc và các vấn đề cần lưu ý
Uyên Trần

Xem thêm thông tin tại đường dẫn

Khách mời

#3 Di chúc: sự cần thiết của việc chuẩn bị trước di chúc và các vấn đề cần lưu ý
Thuyết Trần

Xem thêm thông tin tại đường dẫn