#6 Năng lượng tái tạo: Tín chỉ carbon và thị trường carbon tại Việt Nam

Phát triển thị trường tín chỉ carbon, biến CO2 thành hàng hóa là một trong những giải pháp để huy động nguồn lực cho công tác bảo vệ, phát triển môi trường. Thị trường mua bán tín chỉ carbon đang dần nóng lên ở Việt Nam, đặc biệt sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Dự kiến đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Thông qua tập Podcast của The Lawyers Talk kỳ này, chúng tôi sẽ giới thiệu về tín chỉ carbon và thị trường carbon tại Việt Nam.

Chủ biên

Xin chào quý khán thính giả đã quay trở lại với kênh The Lawyers Talk của Hãng luật BLawyers Vietnam. Tôi là Minh Ngô. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng thảo luận về một chủ đề đang rất được quan tâm trong thời gian gần đây, đó chính là Tín chỉ carbon và thị trường carbon tại Việt Nam.

Trong số Podcast này, tôi rất vui khi mời cô Nguyễn Thị Thuỳ Linh cùng tham gia và trao đổi về chủ đề này. Cô Linh hiện đang công tác tại BLawyers Vietnam, người đã thường nghiên cứu và có các bài đăng tải và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Qua số podcast này, chúng tôi sẽ mời cô Linh chia sẻ ý kiến về loại tín chỉ mới này và lộ trình phát triển trong thời gian tới.

Khách mời

Cảm ơn lời giới thiệu của anh Minh. Xin chào quý khán thính giả, tôi là Nguyễn Thị Thuỳ Linh, là hiện đang công tác tại BLawyers Vietnam. Thông qua Podcast này, tôi sẽ trao đổi cùng với anh Minh về các vấn đề liên quan đến tín chỉ carbon và thị trường carbon tại Việt Nam. Đây là một đề tài khá mới nhưng nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các tổ chức, cá nhân không chỉ ở Việt Nam mà còn ở quốc tế, không biết là anh Minh có đánh giá sơ lược như thế nào về loại tín chỉ mới này?

Chủ biên

Theo quan điểm của tôi thì việc phát triển thị trường tín chỉ carbon, biến CO2 thành hàng hóa là một trong những giải pháp để huy động nguồn lực cho công tác bảo vệ, phát triển môi trường. Thị trường mua bán tín chỉ carbon đang dần nóng lên ở Việt Nam, đặc biệt sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.
Nhưng trước khi đi sâu vào các vấn đề, chúng ta sẽ giới thiệu cho quý khán thính giả hiểu tín chỉ carbon và thị trường carbon là gì trước cô Linh nhỉ?

Khách mời

Đầu tiên tôi xin giới thiệu về định nghĩa tín chỉ carbon:

Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí carbon dioxide (CO2) tương đương.

Tấn CO2 tương đương là khối lượng của các khí nhà kính được quy đổi thành tấn CO2 theo hệ số làm nóng lên toàn cầu của các khí nhà kính đó.

Như vậy, có thể hiểu đơn giản Tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho một tấn Co2 hoặc khối lượng của một khí nhà kính tương đương với một tấn Co2. Việc mua bán sự phát thải khí Co2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ.

Tiếp theo, tôi xin giới thiệu về định nghĩa thị trường carbon:

Thị trường carbon được bắt nguồn từ nghị định thư Kyoto của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua năm 1997. Theo nghị định này, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/ hấp thu phát thải khí nhà kính. Do CO2 là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.

Ví dụ: Công ty A có giới hạn 10 tấn khí thải CO2 nhưng chỉ phát thải 7 tấn, nên sẽ thừa 3 tín chỉ, trong khi công ty B cũng có giới hạn phát thải 10 tấn khí thải CO2 nhưng thải ra tận 13 tấn. Như vậy, công ty B có thể mua 3 tín chỉ bổ sung từ công ty A để tuân thủ đúng quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường.

Hiện nay có hai loại thị trường carbon chính trên thế giới:

  1. Thị trường carbon bắt buộc: là thị trường mà quốc gia, tổ chức hoặc doanh nghiệp theo luật phải kiểm kê và giảm lượng phát thải khí nhà kính và có quyền tham gia các hoạt động trao đổi, buôn bán, chuyển giao hạn ngạch phát thải khí nhà kính cũng như tín chỉ carbon. Việc giảm phát thải phải tuân thủ các quy định bắt buộc của quốc gia, khu vực và quốc tế.
  2. Thị trường carbon tự nguyện: dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp.

Thị trường carbon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế.

Chủ biên

Như vậy thì trên thị trường carbon ai là bên bán và ai là bên mua, cơ chế trao đổi như thế nào?

Khách mời

Vâng, thị trường tín chỉ carbon vận hành có các bên mua, bán và các tổ chức trung gian. Trong đó:

  1. Bên bán có thể là mọi tổ chức nếu hoạt động phát thải carbon trong toàn bộ hoạt động (chuỗi cung ứng, kinh doanh trực tiếp, chuỗi phân phối) có tổng mức phát thải ròng CO2 âm. Họ có thể là người thực hiện các dự án trồng rừng và bảo vệ hệ sinh thái, doanh nghiệp phát triển dự án năng lượng tái tạo, công ty sản xuất xe điện…
  2. Bên mua là các doanh nghiệp có lượng phát thải CO2 dương, có thể là công ty sản xuất thép, xi măng, hóa dầu, sản xuất hóa chất, may mặc… Bên mua buộc phải mua tín chỉ carbon để hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường có quy định về tiêu chuẩn sản xuất xanh.
  3. Ở giữa người mua và người bán, các đối tác trung gian là các đơn vị tư vấn, đơn vị kiểm toán, các nhà môi giới trung gian chia theo nhiều cấp độ.

Về cơ chế trao đổi, mỗi một nhà máy, công ty sản xuất đều có thải ra không khí một lượng CO2 nhất định, nếu vượt quá mức quy định, họ phải mua thêm tín chỉ carbon, ngược lại doanh nghiệp phát sinh lượng phát thải thực tế thấp hơn mức giới hạn của nó thì doanh nghiệp đó có thể bán phần tín chỉ chưa được sử dụng đó cho một doanh nghiệp khác có phát thải vượt quá mức giới hạn. Dự kiến từ năm 2028, tín chỉ carbon sẽ được giao dịch tại sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Đây là một tin tốt đúng không anh Minh?

Chủ biên

Theo ý kiến của tôi thì đúng vậy. Sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ là trung tâm xử lý các giao dịch về mua, bán tín chỉ carbon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính và đấu giá, vay mượn, nộp trả, chuyển giao hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Điều này sẽ giúp cho cơ quan có thẩm quyền kiểm soát được hoạt động mua bán, trao đổi tín chỉ carbon.

Một thông tin mà tôi cũng muốn chia sẻ thêm đó là để có thể giao dịch tín chỉ carbon, các cá nhân và tổ chức phải thực hiện thủ tục xin xác nhận tín chỉ carbon tại Bộ Tài nguyên và Môi trường bằng cách nộp đơn xin xác nhận qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, sau đó Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xác minh nội dung hồ sơ và cấp giấy xác nhận tín chỉ carbon trong thời gian không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Ngoài ra, thị trường carbon tại Việt Nam cũng đang dần phát triển và được quan tâm nhiều. Theo thông tin tôi tìm hiểu thì Quảng Nam là địa phương đầu tiên trên cả nước được Chính phủ chấp thuận cho lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng giai đoạn 2022–2026, trong đó có huyện Nam Trà My. Một số ước tính cho biết Việt Nam có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon rừng cho các tổ chức quốc tế, nếu tính theo giá tối thiểu năm đô la Mỹ thì có thể thu về hàng trăm triệu đô la Mỹ.

Khách mời

Dạ đúng thật vậy ạ, những chủ rừng sẽ được hưởng lợi khi tham gia thị trường carbon. Bởi các chủ rừng này có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý ra lượng hấp thụ khí CO2 (cacbon dioxit, khí gây hiệu ứng nhà kính). Giá giao dịch thông thường của thị trường quốc tế theo thời điểm hiện tại là 5 USD/tấn CO2.

Với kinh nghiệm thực tiễn từ các dự án năng lượng tái tạo như nặng lượng điện mặt trời, năng lượng điện gió, anh Minh có đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa tín chỉ carbon và các dự án năng lượng tái tạo này?

Chủ biên

Đây là một câu hỏi hay và rất thú vị. Bởi lẽ, tín chỉ carbon sẽ được xem là một trong các lợi ích mà dự án năng lượng tái tạo hướng đến.

Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt vào tháng 5/2023 ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo và đưa ra mục tiêu kiểm soát mức phát thải nhà kính từ sản xuất điện. Đây là bước quan trọng để các doanh nghiệp năng lượng và doanh nghiệp sản xuất tham gia thị trường tín chỉ carbon.

Các doanh nghiệp sản xuất có thể tự đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái, đáp ứng cho mục tiêu sử dụng tại chỗ, giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch hay giảm nguồn phát thải carbon. Trong trường hợp doanh nghiệp chưa sẵn sàng thị trường đã xuất hiện các tổ chức tài chính chuyên đi đầu tư điện mặt trời áp mái và bán lại cho chính doanh nghiệp cho thuê mái với giá rẻ hơn 20–25% giá mua từ EVN. Đổi lại, nhà đầu tư giành được quyền khai thác tín chỉ carbon để kinh doanh trên thị trường quốc tế.

Do đó, tín chỉ carbon sẽ là một nguồn lợi tài chính mà các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo hướng tới trong thời gian tới. Ngoài ra, liên quan đến tín chỉ carbon thì một vấn đề được quan tâm nữa là về thuế carbon, mời Linh chia sẻ tiếp về vấn đề này.

Khách mời

Dạ vâng, liên quan đến thuế carbon, theo như tôi có tìm hiểu thì thuế carbon là một loại thuế môi trường đánh vào lượng carbon của nhiên liệu, do các nguyên tử carbon khi đốt cháy tạo ra khí CO2, là một trong những tác nhân làm trái đất nóng lên và gây ảnh hưởng biến đổi khí hậu toàn cầu. Thuế carbon có mục đích định giá phát thải, ngăn chặn các hoạt động khai thác, sử dụng, tiêu dùng năng lượng quá mức bằng cách hạn chế và giảm thiểu khả năng sinh lời của các hoạt động đó.

Cơ quan có thẩm quyền có thể xây dựng định mức thuế carbon dựa trên lượng phát thải mà một thực thể tạo ra hoặc đối với hàng hóa, dịch vụ phát thải nhiều carbon, chẳng hạn như thuế carbon đối với xăng dầu.

Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam chưa có quy định đối với thuế carbon. Tôi xin chia sẻ thông tin về một số nước áp dụng thuế carbon như sau:

  1. Tại Úc, thuế carbon được áp dụng từ ngày 01/7/2012 và duy trì ở mức thuế suất 26 USD/tấn CO2.
  2. Thuế carbon được Nhật Bản áp dụng cho tất cả các nhiên liệu, trừ các ngành nông – lâm nghiệp, vận tải hàng không, đường sắt và hàng hải, với thuế suất chỉ 3 USD/tấn CO2 tương đương và khoản thuế này được chính phủ Nhật Bản sử dụng để đầu tư phát triển công nghệ carbon thấp.
  3. Ở Pháp, thuế carbon có hiệu lực vào ngày 01/4/2014, với mức thuế suất là 8 USD/tấn CO2, tăng lên 27 USD/tấn vào năm 2016. Ngày 22/7/2015, Pháp chính thức thông qua Luật Năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh, bổ sung mức thuế carbon cho năm 2020 và 2030 lần lượt là 62 USD/tấn vào và 110 USD/tấn.
Chủ biên

Tôi biết rằng vừa qua Nghị viện Liên minh Châu Âu đã bỏ phiếu thông qua Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), theo đó sẽ đánh thuế đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia không có cơ chế định giá carbon.

Các nhà nhập khẩu phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu của họ mà không phải trả một khoản điều chỉnh phí nào trong giai đoạn chuyển tiếp từ năm 2023 đến hết năm 2025. Thế còn ở Việt Nam thì như thế nào?

Khách mời

Thông tin anh vừa nêu chỉ ra rằng các quốc gia trên thế giới cũng đang chú trọng đến thị trường carbon và áp dụng các khoản thuế lên hàng hoá, dịch vụ phát thải nhiều carbon. Theo Nghị định số 06/2022 thì Chính Phủ Việt Nam cũng đã vạch ra lộ trình phát triển và thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước.

Theo đó, lộ trình được chia thành 02 giai đoạn:

  1. Giai đoạn từ nay đến hết năm 2027
    • Tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon;
    • Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế;
    • Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025;
    • Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.
  2. Giai đoạn từ năm 2028
    • Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028;
    • Quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Chủ biên

Như cô Linh đã đề cập về sàn giao dịch tín chỉ carbon, về nguyên tắc vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon thì carbon là một loại hàng hóa, vậy cơ quan nào sẽ giám sát quá trình giao dịch này và các bên tham gia giao dịch phải đáp ứng điều kiện như thế nào?

Khách mời

Một câu hỏi rất thú vị thưa anh Minh, có thể thấy thì việc giao dịch tín chỉ carbon sẽ cần sự phối hợp của nhiều cơ quan ban ngành trong việc giám sát quá trình giao dịch. Tại thời điểm hiện tại chưa có quy định cụ thể về cơ chế giao dịch, điều kiện giao dịch tín chỉ carbon. Nhưng nếu việc trao đối tín chỉ carbon như một loại hàng hoá thì các cơ quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Tổng cục thuế có thể sẽ phối hợp với nhau để điều hành và giám sát việc giao dịch này.

Chủ biên

Vậy thì Cơ quan nào ở Việt Nam sẽ điều hành và quản lý sàn giao dịch tín chỉ carbon?

Khách mời

Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường có vai trò chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan tổ chức vận hành thí điểm và vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon phục vụ quản lý và theo dõi, giám sát thị trường này; quy định các hoạt động kết nối sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước với thị trường khu vực và thế giới. Dự kiến 2028 sàn giao dịch tín chỉ carbon mới chính thức vận hành.

Do đó, tại thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định được cơ quan nào sẽ điều hành và quản lý sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Theo tôi thì trong giai đoạn từ 2023 đến trước 2028, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng các quy định liên quan đến việc điều hành và quản lý sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Chủ biên

Tôi được biết rằng ở Việt Nam đã có những giao dịch mà bên bán là các doanh nghiệp tại Việt Nam bán tín chỉ carbon cho các bên ở nước ngoài? Vậy giao dịch của họ đang theo cơ chế nào? Các cơ quan ở Việt Nam đã có ý kiến như thế nào về các giao dịch này?

Khách mời

Theo tôi nghiên cứu thì hiện nay Việt Nam và Nhật Bản đang triển khai tín chỉ carbon chung. Các dự án triển khai tại Việt Nam sẽ nhận được tài chính từ hai nguồn gồm của Bộ Môi trường Nhật (nhận tối đa 5% kinh phí/ dự án) và Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật (nhận tối đa 100%). Tuy nhiên, tín chỉ carbon thu được từ các dự án sẽ phải phân bổ lại cho Chính phủ Nhật Bản, tùy theo lượng đóng góp về tài chính, cũng như thỏa thuận giữa các bên. Đã có 14 dự án đăng ký và 8 dự án trong đó được cấp hơn 4.000 tín chỉ carbon, giúp Việt Nam thu về gần 40 triệu USD.

Do đó, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh thành sở hữu diện tích rừng lớn muốn tham gia chuyển nhượng tín chỉ carbon thì phải thực hiện thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay Chính phủ.

Nếu có đối tác muốn mua tín chỉ carbon rừng của từ hai tỉnh trở lên thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trực tiếp ký, nếu một tỉnh thì chủ tịch tỉnh có thể ký, và nếu mua của chủ rừng thì chủ rừng ký trực tiếp. Số tiền bán được sẽ chuyển về Quỹ Bảo vệ phát triển rừng Việt Nam để phân phối.

Về mặt quy định pháp lý thì vẫn chưa có quy định về cơ chế giao dịch tín chỉ carbon với thị trường quốc tế, dự kiến các quy định sẽ được xây dựng trước khi tiến hành vận hành Sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028.

Thực tiễn thì nhiều công ty năng lượng, tổ chức tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, dịch vụ ở nước ngoài muốn mua tín chỉ carbon tại Việt Nam. Tuy nhiên, họ bày tỏ lo ngại do Việt Nam chưa có hành lang pháp lý rõ ràng nên không biết phải làm gì. Khi vào Việt Nam, doanh nghiệp cần một cơ quan điều phối từ phía Chính phủ để hướng dẫn vì thị trường carbon có rất nhiều lĩnh vực như: Lâm nghiệp, năng lượng, chăn nuôi, thú y… Việt Nam vẫn chưa có hệ thống đăng ký quyền carbon hay danh sách cơ sở, dự án về carbon để doanh nghiệp tìm đến.

Chủ biên

Qua phần chia sẻ vừa rồi của BLawyers Vietnam, chúng tôi hi vọng rằng quý khán thính giả sẽ nắm và hiểu thêm về tín chỉ carbon và thị trường carbon tại Việt Nam để từ đó có cơ sở để nghiên cứu và tìm hiểu nhiều hơn về lĩnh vực này trước khi tiến hành giao dịch tín chỉ carbon trong thời gian tới.

Cảm ơn cô Linh đã cùng thảo luận với tôi về những câu hỏi hết sức thú vị trong podcast kỳ này.

Khách mời

Cảm ơn anh Minh đã cùng thảo luận với tôi về những câu hỏi hết sức thú vị trong podcast kỳ này. Hy vọng những chia sẻ vừa rồi của tôi sẽ giúp cho quý khán thính giả hiểu rõ hơn về tín chỉ carbon và thị trường carbon tại Việt Nam cũng như những triển vọng trong tương lại của loại hàng hoá đặc biệt này.

Chủ biên

Xin cảm ơn cô Linh rất nhiều.

Đến đây, Podcast của The Lawyers Talk chia sẻ về chủ đề tín chỉ carbon xin dừng lại ở đây, cảm ơn quý khán giả đã quan tâm theo dõi, xin chào và hẹn gặp lại trong chương trình Podcast kỳ sau.

Nếu có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc nào, các bạn để lại dòng bình luận bên dưới.

Hoặc để biết thêm thông tin về BLawyers Vietnam, xin mời các bạn xem Website của chúng tôi bên dưới màn hình Podcast của The Lawyers Talk.

Xin chào và hẹn gặp lại.

Nội dung nêu trên không phải là ý kiến tư vấn chính thức từ BLawyers Vietnam. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hay góp ý về nội dung trên vui lòng liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ ⁠⁠⁠⁠consult@blawyersvn.com⁠⁠⁠⁠. Chúng tôi rất vui khi nghe từ bạn.

Chủ biên

Thanhnguyen
Thanh Nguyễn

Xem thêm thông tin tại đường dẫn

#6 Năng lượng tái tạo: Tín chỉ carbon và thị trường carbon tại Việt Nam
Linh Nguyễn

Xem thêm thông tin tại đường dẫn

Khách mời

#6 Năng lượng tái tạo: Tín chỉ carbon và thị trường carbon tại Việt Nam
Minh Ngô

Xem thêm thông tin tại đường dẫn