Bản tin tháng 10/2022

Bản tin pháp luật Việt Nam số 3 mang đến bạn các thông tin sau:

CẬP NHẬT PHÁP LUẬT

I. Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đề ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế với những nội dung đáng chú ý sau: 

  • Doanh nghiệp phát hành được mua lại trước hạn hoặc hoán đổi trái phiếu.
  • Các trường hợp mua lại trái phiếu trước hạn bao gồm:
    • Mua lại trước hạn theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp phát hành và người sở hữu trái phiếu.
    • Bắt buộc mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư khi:
      • Doanh nghiệp phát hành vi phạm pháp luật về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà vi phạm đó: Không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận.
      • Doanh nghiệp phát hành vi phạm phương án phát hành trái phiếu mà vi phạm đó không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận.
      •  Các trường hợp khác được nêu cụ thể tại phương án phát hành trái phiếu quy định tại Điều 13 Nghị định 153/2020/NĐ-CP (nếu có).
  • Thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 30 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán. Tổng thời gian chào bán trái phiếu thành nhiều đợt tối đa không quá 06 tháng kể từ ngày phát hành của đợt chào bán đầu tiên.
  • Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán trái phiếu, doanh nghiệp công bố thông tin về kết quả của đợt chào bán cho các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin đến Sở giao dịch chứng khoán.

II. Hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 12/2022/TT-NHNN đề ngày 30/9/2022 để cung cấp những hướng dẫn mới về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp với những nội dung đáng chú ý sau:

  • Thông tư này quy định về:
    • Thủ tục đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh;
    • Việc mở và sử dụng tài khoản vay, trả nợ nước ngoài của bên đi vay; việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán của bên cho vay tại tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam để thực hiện khoản vay nước ngoài;
    • Việc rút vốn, trả nợ và chuyển tiền khác liên quan đến thực hiện khoản vay nước ngoài;
    • Quản lý ngoại hối đối với các giao dịch chuyển tiền liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm trên lãnh thổ Việt Nam, chuyển tiền bảo lãnh cho khoản vay nước ngoài, hoàn trả khoản nhận nợ giữa bên đi vay và bên bảo đảm liên quan đến khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh;
    •  Việc cung cấp, sử dụng và quản lý thông tin trên Trang điện tử quản lý vay, trả nợ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh (sau đây gọi là Trang điện tử);
    • Chế độ báo cáo thống kê về hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.
  • Thông tư có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện khoản vay nước ngoài sau khi bên đi vay chia, tách, hợp nhất hoặc sáp nhập. Theo đó, khi bên đi vay bị chia, tách, hợp nhất hoặc sáp nhập, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ liên quan đến khoản vay nước ngoài tiếp tục thực hiện trách nhiệm của bên đi vay theo quy định.
  • Các tài khoản vay, trả nợ nước ngoài của bên đi vay được hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp sau:
    • Đối với khoản vay trung, dài hạn nước ngoài của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: tài khoản vốn đầu tư trực tiếp;
    • Đối với khoản vay ngắn hạn nước ngoài của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: tài khoản vốn đầu tư trực tiếp hoặc tài khoản vay, trả nợ nước ngoài khác;
    • Đối với khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp không có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: mở tài khoản vay, trả nợ nước ngoài tại ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản để thực hiện các giao dịch chuyển tiền liên quan đến khoản vay nước ngoài.
  • Chế độ báo cáo định kỳ đối với bên đi vay: Định kỳ hàng tháng (thay vì hàng quý theo quy định trước), chậm nhất vào ngày 05 của tháng tiếp theo kỳ báo cáo, bên đi vay phải báo cáo trực tuyến tình hình thực hiện các khoản vay ngắn, trung và dài hạn tại Trang điện tử.
  • Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/11/2022.

III. Quy định về bảo lãnh ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước Việt nam đã ban hành Thông tư số 11/2022/TT-NHNN đề ngày 30/9/2022 quy định về bảo lãnh ngân hàng với những nội dung đáng chú ý sau:

  • Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên bảo lãnh là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh; bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh theo thỏa thuận đã ký.
  • Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng được lựa chọn thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng qua việc sử dụng các phương tiện điện tử.
  • Những trường hợp không được bảo lãnh, hạn chế bảo lãnh và thực hiện giới hạn cấp tín dụng bao gồm: khi thực hiện bảo lãnh, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về những trường hợp không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng, giới hạn cấp tín dụng.
  • Đối với phạm vi bảo lãnh, bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ tài chính mà bên được bảo lãnh có nghĩa vụ thực hiện với bên nhận bảo lãnh.
  • Thông tư này có hiệu lực vào ngày 01/4/2023.

CÁC BÀI BÁO ĐÃ ĐĂNG

  1. 03 trường hợp cơ quan thuế Việt Nam từ chối áp dụng DTAs 
  2. 08 nội dung cơ bản của một hợp đồng theo luật hiện hành của Việt Nam 
  3. 04 lưu ý khi kinh doanh xe máy điện, xe đạp điện nhập khẩu tại Việt Nam
  4. Phương pháp xây dựng khung giá phát điện của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp 

VIDEO ĐÃ ĐĂNG

Lưu ý về sự kiện bất khả kháng theo luật Việt Nam khi soạn thảo hợp đồng

Bạn “take-away” gì trong video này? Luật sư của BLawyers Vietnam đã đưa ra 2 vấn đề gồm:

  1. Quy định về sự kiện bất khả kháng theo pháp luật Việt Nam .
  2. Lưu ý khi soạn thảo điều khoản sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng.

SỰ KIỆN SẮP TỚI

KIẾN THỨC PHÁP LUÂT LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG, HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP VÀ KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TẠI TÒA ÁN TRONG HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG

Thời gian: 10/11/2022

Địa điểm: Trực tuyến

Cơ quan bảo trợ:

  • Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
  • Tòa án nhân dân TP Hà Nội

Xem thêm chi tiết tại: Mời tham dự khóa đào tạo liên quan đến Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp và kỹ năng giải quyết tranh chấp tại Tòa án (vnba.org.vn)

Tải bản đẹp: 

Bản tin #3 (Tiếng Việt)

Có thể bạn muốn đọc thêm CNPL khác: Bản tin tháng 9/2022

blawyersvn-cta-image

Yêu cầu tư vấn luật miễn phí

Vui lòng gọi cho chúng tôi hoặc điền vào mẫu đơn bên dưới. Chúng tôi sẽ phản hồi bạn trong vòng 24 giờ đồng hồ.

This field is for validation purposes and should be left unchanged.