Chứng nhận lãnh sự và Hợp pháp hóa lãnh sự: Những điều khác biệt đặc biệt

Ngày viết: 17/8/2021

Tác giả: Quang Nguyễn & Linh Nguyễn

Trong thời điểm hội nhập quốc tế như hiện nay, sự liên kết giữa các đất nước trên toàn cầu ngày một nhiều hơn. Điều này dẫn đến việc gia tăng các thủ tục hành chính liên quan đến các cá nhân, tổ chức nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam và các cá nhân, tổ chức Việt Nam được thực hiện tại nước ngoài. Lúc này, các cá nhân, tổ chức sẽ cần phải cung cấp cho các cơ quan nhà nước các nước một số tài liệu do tổ chức của nước mình ban hành. Tuy nhiên, không phải tài liệu nào cũng có thể được chấp nhận bởi các cơ quan Nhà nước. Để được công nhận và sử dụng ở nước ngoài hay ở Việt Nam, các tài liệu này phải trải qua thủ tục Chứng nhận lãnh sự hoặc Hợp pháp hóa lãnh sự. Qua bài viết này, BLawyers Vietnam sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về hai thủ tục này.

1. Chứng nhận lãnh sự, Hợp pháp hóa lãnh sự là gì?

Chứng nhận lãnh sự là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của Việt Nam để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng ở nước ngoài.

Hợp pháp hóa lãnh sự là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam.

Cơ quan có thẩm quyền thực hiện các thủ tục này :

  1. Bộ Ngoại giao có thẩm quyền Chứng nhận lãnh sự, Hợp pháp hóa lãnh sự ở trong nước và có thể ủy quyền cho các cơ quan ngoại vụ cấp tỉnh, thành phố để tiếp nhận hồ sơ;
  2. Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài có thẩm quyền Chứng nhận lãnh sự, Hợp pháp hóa lãnh sự ở nước ngoài.

Dựa vào phần định nghĩa ở trên, có thể thấy Chứng nhận lãnh sự và Hợp pháp hóa lãnh sự đều thuộc thẩm quyền của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam. Điểm khác biệt đáng lưu ý của hai thủ tục này chính là:

  1. Chứng nhận lãnh sự là chứng nhận giấy tờ, tài liệu của Việt Nam để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng ở nước ngoài;
  2. Hợp pháp hóa lãnh sự là chứng nhận giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để giấy tờ, tài liệu đó được sử dụng tại Việt Nam.

2. Lưu ý về thủ tục Chứng nhận lãnh sự và Hợp pháp hóa lãnh sự

Việc Chứng nhận lãnh sự và Hợp pháp hóa lãnh sự chỉ là công nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu chứ không bao hàm chứng nhận về nội dung và hình thức của giấy tờ, tài liệu.

Không phải tất cả các giấy tờ, tài liệu đều sẽ bắt buộc Chứng nhận lãnh sự hoặc Hợp pháp hóa lãnh sự. Một số giấy tờ, tài liệu sẽ được miễn Chứng nhận lãnh sự, Hợp pháp hóa lãnh sự như sau:

  1. Tài liệu được miễn Chứng nhận lãnh sự, Hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên, hoặc theo nguyên tắc có đi có lại;
  2. Giấy tờ, tài liệu được chuyển giao trực tiếp hoặc qua đường ngoại giao giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài;
  3. Giấy tờ, tài liệu được miễn Chứng nhận lãnh sự, Hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam; hoặc
  4. Tài liệu mà cơ quan tiếp nhận của Việt Nam hoặc của nước ngoài không yêu cầu Chứng nhận lãnh sự, Hợp pháp hóa lãnh sự.

Như vậy, để tài liệu được công nhận và sử dụng trong các thủ tục hành chính có yếu tố nước ngoài, tùy vào tài liệu đó được cơ quan nào ban hành và tiếp nhận mà khi đó thực hiện thủ tục Chứng nhận lãnh sự hay Hợp pháp hóa lãnh sự tương ứng.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ consult@blawyersvn.com. BLawyers Vietnam rất muốn nghe từ bạn!

Có thể bạn muốn tìm hiểu thêm:

Xung đột pháp luật về hợp đồng theo luật Việt Nam và 4 nguyên tắc giải quyết xung đột

Tại sao Đặng Văn Lâm nhập quốc tịch Việt Nam dễ dàng hơn Filip Nguyen theo luật Việt Nam?

Đâu là lý do chính đáng để các bên tranh chấp vắng mặt trong các buổi làm việc tại Tòa án?

blawyersvn-cta-image

Yêu cầu tư vấn luật miễn phí

Vui lòng gọi cho chúng tôi hoặc điền vào mẫu đơn bên dưới. Chúng tôi sẽ phản hồi bạn trong vòng 24 giờ đồng hồ.

This field is for validation purposes and should be left unchanged.