31 câu hỏi thường gặp về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Trong điều kiện thế giới “phẳng” và đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam tăng nhanh dẫn đến số lượng người lao động người nước ngoài (“NLĐNN”) vào việt Nam làm việc tăng. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp và NLĐNN nào cũng hiểu đúng pháp luật về sử dụng NLĐNN làm việc tại Việt Nam. 

Do đó, qua các câu hỏi thường gặp dưới đây, BLawyers Vietnam sẽ tổng hợp các vấn đề pháp lý liên quan để doanh nghiệp và NLĐNN cùng hiểu.

1. Điều kiện để người nước ngoài làm việc tại Việt Nam?

Để được làm việc tại Việt Nam, NLĐNN phải đáp ứng các điều kiện sau :

  1. Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
  2. Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc;
  3. Có giấy phép lao động (“GPLĐ”) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp; và
  4. Các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
2. NLĐNN có được phép giao kết hợp đồng lao động (“HĐLĐ”) không xác định thời hạn với người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) không?

NLĐNN không được giao kết HĐLĐ không xác định thời hạn vì thời hạn của HĐLĐ đối với NLĐNN làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của GPLĐ. Thời hạn của GPLĐ là 02 năm.

3. Pháp luật Việt Nam có thể áp dụng trong trường hợp người nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng ký HĐLĐ với một NSDLĐ ở nước khác không?

Pháp luật Việt Nam có thể được áp dụng với quan hệ lao động trong trường hợp NLĐNN làm việc tại Việt Nam nhưng ký HĐLĐ với NSDLĐ ở nước ngoài nếu : (1) Điều ước Quốc tế về Lao động mà Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng pháp luật Việt Nam; hoặc (2) Điều ước quốc tế không có quy định khác với pháp luật Việt Nam thì áp dụng pháp luật Việt Nam; hoặc (3) Điều ước Quốc tế cho phép các bên lựa chọn pháp luật áp dụng và các bên lựa chọn pháp luật Việt Nam.

4. Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật, NLĐNN được hưởng các loại trợ cấp và lợi ích nào?

Trường hợp NLĐNN đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng luật sẽ được hưởng các loại trợ cấp và lợi ích sau:

  1. Trợ cấp thôi việc (nếu có);
  2. Tiền lương bao gồm tiền lương ngày làm việc thực tế chưa thanh toán, tiền lương những ngày nghỉ hàng năm mà NLĐ chưa nghỉ và các khoản trợ cấp khác; và
  3. Nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội (“BHXH”) bắt buộc, bảo hiểm y tế (“BHYT”), bảo hiểm thất nghiệp (“BHTN”) vào các quỹ bảo hiểm này được thực hiện bởi NSDLĐ; hoặc
  4. Một khoản tiền tương đương với mức NSDLĐ đóng BHXH, BHYT và BHTN trong trường hợp NSDLĐ chưa chi trả khoản tiền này thêm vào cùng kỳ trả lương cho NLĐ trong khoảng thời gian làm việc.
5. Khi NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật thì NLĐNN được hưởng các loại trợ cấp và lợi ích nào?

Trường hợp NSDLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng luật, NLĐNN sẽ được hưởng các loại trợ cấp và lợi ích sau:

  1. Trợ cấp thôi việc (nếu có);
  2. Tiền lương bao gồm tiền lương ngày làm việc thực tế chưa thanh toán, tiền lương những ngày nghỉ hàng năm mà NLĐ chưa nghỉ và các khoản trợ cấp khác; và
  3. Nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN vào các quỹ bảo hiểm này được thực hiện bởi NSDLĐ; hoặc
  4. Một khoản tiền tương đương với mức NSDLĐ đóng BHXH, BHYT, BHTN trong trường hợp NSDLĐ chưa chi trả khoản tiền này thêm vào cùng kỳ trả lương cho NLĐ trong khoảng thời gian làm việc.
6. Khi NLĐNN đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì phải chịu những nghĩa vụ nào? Trong trường hợp này họ có được hưởng lợi ích nào hay không?

NLĐNN đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật nếu không báo trước cho NSDLĐ đúng thời hạn. NLĐNN đó sẽ phải chịu những nghĩa vụ sau:

  1. Không được hưởng trợ cấp thôi việc;
  2. Bồi thường cho NSDLĐ nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ;
  3. Bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo HĐLĐ trong những ngày không báo trước; và
  4. Phải hoàn trả cho NSDLĐ chi phí đào tạo (nếu có).

Tuy nhiên, trong trường hợp này NLĐNN vẫn có quyền yêu cầu nhận những lợi ích khác thuộc về quyền lợi cơ bản của mình như:

  1. Tiền lương bao gồm tiền lương ngày làm việc thực tế chưa thanh toán, tiền lương những ngày nghỉ hàng năm mà NLĐNN chưa nghỉ và các khoản trợ cấp khác; và
  2. Một khoản tiền tương đương với mức NSDLĐ đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN trong trường hợp NSDLĐ chưa chi trả khoản tiền này cho NLĐNN trong khoảng thời gian làm việc.
7. Khi NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, NLĐNN được hưởng các loại trợ cấp và lợi ích nào?

NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật nếu (i) không có căn cứ cho việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ và/hoặc (ii) vi phạm thời hạn báo trước. Khi đó, NLĐNN sẽ được hưởng các trợ cấp và lợi ích sau:

a. Trường hợp NSDLĐ thỏa thuận nhận NLĐNN trở lại làm việc, NLĐNN sẽ được nhận những lợi ích sau:

  1. Khoản tiền lương trong những ngày NLĐNN không được làm việc;
  2. Được đóng BHXH, BHYT những ngày NLĐNN không được làm việc;
  3. Trả thêm khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ;
  4. Một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo HĐLĐ cho những ngày không báo trước trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ báo trước.

b. Trường hợp NLĐNN không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài các khoản tiền như mục a, NLĐNN còn được nhận thêm trợ cấp thôi việc.

c. Trường hợp NSDLĐ không muốn nhận lại NLĐNN và NLĐNN đó đồng ý thì ngoài các khoản tiền tại mục a và mục b ở trên, NLĐNN còn được nhận thêm khoản tiền bồi thường thêm ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ.

8. NLĐNN có được làm việc cho nhiều NSDLĐ tại một thời điểm hay không?

BLLĐ cho phép NLĐ có thể giao kết nhiều HĐLĐ với nhiều NSDLĐ nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết. Đối với NLĐNN thì phải có GPLĐ tương ứng với từng NSDLĐ mà họ làm việc.

9. NLĐNN đã đóng bảo hiểm ở nước ngoài theo quy định nước đó thì có được trừ phần bảo hiểm này khi quyết toán thuế ở Việt Nam không?

NLĐNN làm việc tại Việt Nam sẽ được trừ các khoản bảo hiểm đã đóng ở nước ngoài khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân (thuế “TNCN”) đối với tiền lương, tiền công nếu đáp ứng các điều kiện sau:

  1. Các khoản bảo hiểm bắt buộc đã đóng phải tương tự quy định của pháp luật Việt Nam như BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc và các khoản bảo hiểm bắt buộc khác (nếu có); và
  2. Phải có chứng từ chứng minh đã tham gia đóng các khoản bảo hiểm nêu trên.
10. NLĐNN tự nguyện đóng vào quỹ hưu trí tử tuất của BHXH với thời gian 20 năm thì có được hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu theo quy định hay không?

Trên thực tế, trường hợp người nước ngoài tự nguyện đóng vào quỹ hưu trí tử tuất thì cơ quan BHXH sẽ từ chối thu số tiền này do NLĐNN không thuộc đối tượng được tham gia BHXH tự nguyện. Hơn nữa, trước ngày 1/1/2022 NLĐNN cũng không thuộc đối tượng được đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, nhưng từ ngày 1/1/2022 trở đi, NLĐNN là đối tượng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất nên nếu NLĐNN đóng góp đầy đủ vào quỹ hưu trí tử, tuất ít nhất 20 năm từ ngày 01/01/2022 thì sẽ được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật.

11. Khi chấm dứt HĐLĐ với NSDLĐ thì thời hạn GPLĐ có đương nhiên chấm dứt?

Một trong các trường hợp khiến GPLĐ hết hiệu lực là việc chấm dứt HĐLĐ . Do đó, khi chấm dứt HĐLĐ thì GPLĐ cũng đương nhiên chấm dứt.

12. Nếu NLĐNN là trưởng văn phòng đại diện ở Việt Nam mà họ nhận lương từ công ty nước ngoài thì ai sẽ chịu trách nhiệm kê khai và quyết toán thuế cho người này?

NLĐNN có nghĩa vụ kê khai thuế TNCN theo quý và quyết toán thuế TNCN theo quy định. Xem thêm về văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại đây.

13. Có quy định nào hạn chế quyền của NLĐNN khi làm việc tại Việt Nam không?

Không. Pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể về việc hạn chế quyền của NLĐNN khi làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, để được làm việc tại Việt Nam, NLĐNN phải đáp ứng các điều kiện theo pháp luật Việt Nam để có thể thực hiện thủ tục xin cấp GPLĐ nếu không thuộc trường hợp không thuộc diện cấp GPLĐ. Đồng thời, NLĐNN chỉ được làm các vị trí công việc như quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà NLĐ Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

14. Người nước ngoài vào Việt Nam để đi dạy ở các Trung tâm tiếng Anh thì có cần ký HĐLĐ hay không? Trong trường hợp này có cần xin GPLĐ không?

NLĐNN làm việc ở Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục có thể thỏa thuận ký kết các loại hợp đồng không bắt buộc phải là HĐLĐ theo quy định. Tuy nhiên, trường hợp này NLĐNN vẫn phải xin cấp GPLĐ theo luật định và phải cung cấp hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác phía Việt Nam và phía nước ngoài về việc cử NLĐNN làm việc tại Việt Nam hoặc hợp đồng giữa NLĐNN và Cơ sở giáo dục tại Việt Nam.

15. Khi chấm dứt HĐLĐ và NLĐNN về nước thì những thiệt hại phát sinh khi NLĐNN làm việc cho NSDLĐ có căn cứ khởi kiện yêu cầu bồi thường hay không?

Có. Trừ trường hợp Điều ước Quốc tế có quy định khác với Luật Việt Nam, NLĐNN làm việc tại Việt Nam phải tuân theo BLLĐ 2019. Nếu NLĐNN làm việc tại Việt Nam và không tuân thủ BLLĐ 2019, gây thiệt hại cho NSDLĐ thì NSDLĐ có thể yêu cầu NLĐNN bồi thường thiệt hại theo luật.

16. Thủ tục xin cấp GPLĐ như thế nào?

NLĐNN khi đáp ứng các điều kiện làm việc tại Việt Nam thì phải xin cấp GPLĐ với trình tự thủ tục như sau:

  1. Bước 1: NSDLĐ xin chấp thuận nhu cầu sử dụng NLĐNN. Cụ thể, trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến làm việc của NLĐNN, NSDLĐ cần phải thực hiện báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng NLĐNN tới UBND cấp tỉnh.
  2. Bước 2: NSDLĐ nộp hồ sơ xin cấp GPLĐ tại cơ quan có thẩm quyền. Trước ít nhất 15 ngày, kể từ ngày NLĐNN dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam, người nộp hồ sơ nộp hồ sơ cho Sở lao động thương binh và xã hội (“SLĐTBXH”) nơi NLĐNN dự kiến làm việc.
17. Thủ tục xin cấp lại GPLĐ như thế nào?

Thủ tục xin GPLĐ gồm các bước sau:

  1. Bước 1: Chuẩn bị một bộ hồ sơ đề nghị cấp lại GPLĐ theo quy định pháp luật.
  2. Bước 2: Nộp bộ hồ sơ đề nghị cấp lại GPLĐ đến SLĐTBXH.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp lại GPLĐ, SLĐTBXH cấp lại GPLĐ, nếu không cấp lại thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

18. Thủ tục gia hạn GPLĐ như thế nào?

Thủ tục gia hạn GPLĐ gồm các bước sau:

  1. Bước 1: Chuẩn bị một bộ hồ sơ đề nghị gia hạn GPLĐ theo quy định của pháp luật.
  2. Bước 2: Trước ít nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày trước ngày GPLĐ hết hạn, NSDLĐ phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn GPLĐ cho SLĐTBXH nơi đã cấp GPLĐ.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị gia hạn GPLĐ, SLĐTBXH sẽ gia hạn GPLĐ. Trường hợp không gia hạn GPLĐ thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

19. Thủ tục xin miễn GPLĐ như thế nào?

Thủ tục xin xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ gồm các bước sau:

  1. Bước 1: Chuẩn bị một bộ hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ theo quy định của pháp luật.
  2. Bước 2: Nộp hồ sơ tại SLĐTBXH.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ, SLĐTBXH có văn bản xác nhận NLĐNN không thuộc diện cấp GPLĐ. Trường hợp không xác nhận thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

20. NLĐNN tại Việt Nam có được ký hợp đồng với doanh nghiệp cho thuê lại lao động hay không?

Pháp luật không cấm NLĐNN tại Việt Nam ký HĐLĐ với doanh nghiệp cho thuê lại lao động. Tuy nhiên, để làm việc cho doanh nghiệp khác thì NLĐNN phải thực hiện việc cấp mới GPLĐ theo quy định của pháp luật.

21. Những nghĩa vụ thuế nào NLĐNN phải hoàn thành trước khi về nước?

Trường hợp người nước ngoài là cá nhân không cư trú thì khi về nước không cần thực hiện nghĩa vụ quyết toán thuế khi đã đóng thuế suất 20% đối với từng lần phát sinh thu nhập . Trường hợp NLĐNN là cá nhân cư trú tại Việt Nam thì khi về nước phải thực hiện quyết toán thuế với Cơ quan quản lý thuế hoặc ủy quyền cho đơn vị trả thu nhập quyết toán thuế cho năm làm việc cuối cùng trước khi kết thúc HĐLĐ và xuất cảnh.

22. Trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT, BHTN của NLĐNN được quy định như thế nào?

Theo quy định hiện hành, NLĐNN và NSDLĐ sử dụng NLĐNN thuộc đối tượng tham gia BHXH trừ trường hợp là (i) đối tượng di chuyển nội bộ trong doanh nghiệp hoặc (ii) đã đủ tuổi nghỉ hưu. Hơn nữa, NLĐNN không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật việc làm 2013 nên không là đối tượng tham gia BHTN. Tuy nhiên, NLĐNN là đối tượng tham gia BHYT .

23. Có quy định nào về tỷ lệ NLĐNN so với lao động địa phương không?

Không có quy định nào.

24. Những trường hợp nào không phải xin GPLĐ khi thuê NLĐNN?

Những trường hợp sau đây không phải xin GPLĐ:

  1. Trưởng văn phòng đại diện, dự án hoặc chịu trách nhiệm chính về hoạt động của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam;
  2. Luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật Luật sư;
  3. Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam; và
  4. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
25. HĐLĐ với người nước ngoài bao gồm các hình thức nào?

NLĐNN thuộc diện phải xin GPLĐ thì chỉ được giao kết HĐLĐ xác định thời hạn.

26. Thanh toán lương cho NLĐNN như thế nào?

Pháp luật hiện hành quy định hai hình thức trả lương cho NLĐ (bao gồm cả NLĐNN) : (1) Tiền mặt; (2) Thanh toán qua tài khoản cá nhân của NLĐ mở tại ngân hàng.

27. Chế độ báo cáo về việc sử dụng NLĐNN như thế nào?

Trước ngày 05 tháng 7 và ngày 05 tháng 01 của năm sau, NSDLĐ báo cáo 6 tháng đầu năm và hàng năm về tình hình sử dụng NLĐNN. Thời gian chốt số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm được tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 6 của kỳ báo cáo, thời gian chốt số liệu báo hằng năm tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo.

28. Ngày nghỉ lễ tết của NLĐNN được quy định như thế nào?

Ngoài 11 ngày nghỉ được pháp luật quy định thì người nước ngoài làm việc tại Việt Nam còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

29. Người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam và làm việc tại Việt Nam thì có cần GPLĐ không?

Không, họ không cần.

30. NSDLĐ có thể thử việc NLĐNN trước khi tuyển dụng không?

Có. Theo quy định của pháp luật lao động, NLĐNN trước khi bắt đầu làm việc tại Việt Nam thì phải có GPLĐ. Sau khi được cấp GPLĐ thì phải nộp bản sao HĐLĐ đã ký kết tới cơ quan có thẩm quyền đã cấp GPLĐ . Dựa trên quy định này có thể thấy HĐLĐ là văn bản duy nhất được thực hiện sau khi có GPLĐ.

Ngoài ra, NSDLĐ và NLĐ có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong HĐLĐ. Do đó, NSDLĐ có thể thử việc NLĐNN bằng cách ký kết HĐLĐ trong đó thể hiện nội dung thử việc.

31. Sử dụng NLĐNN không có GPLĐ bị xử phạt thế nào?

Theo quy định pháp luật hiện hành, thì trường hợp NSDLĐ là cá nhân sử dụng NLĐNN không có GPLĐ sẽ bị xử phạt từ 30.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng, tùy thuộc vào số lượng NLĐ không có giấy phép. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ consult@blawyersvn.com. BLawyers Vietnam rất muốn nghe từ bạn!

Có thể bạn muốn tìm hiểu thêm:

Cổ phiếu thưởng ESOP: Danh sách 30 câu hỏi thường gặp dưới góc nhìn chứng khoán và lao động

Thỏa Ước Lao Động Tập Thể (TƯLĐTT): 16 câu hỏi nào luật sư thường gặp từ người sử dụng lao động

18 câu hỏi và trả lời quan trọng về nội quy lao động (NQLĐ) theo luật Việt Nam

Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam: Danh sách 26 câu hỏi thường gặp và câu trả lời

blawyersvn-cta-image

Yêu cầu tư vấn luật miễn phí

Vui lòng gọi cho chúng tôi hoặc điền vào mẫu đơn bên dưới. Chúng tôi sẽ phản hồi bạn trong vòng 24 giờ đồng hồ.

This field is for validation purposes and should be left unchanged.