27 câu hỏi thường gặp về chế định tài sản trước khi kết hôn và phân chia tài sản khi ly hôn

Ngày viết: 1/12/2021

Thông qua bài viết này, BLawyers Vietnam xin giới thiệu đến bạn đọc danh sách 27 câu hỏi thường gặp về chế định tài sản trước khi kết hôn và phân chia tài sản khi ly hôn tại Việt Nam.

hôn nhân

1. Khi nào một cuộc hôn nhân chính thức được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ?

Theo quy định hiện hành, một cuộc hôn nhân chính thức được công nhận khi đáp ứng các điều kiện sau:

  1. Nam và nữ (khác giới tính) đủ tuổi kết hôn theo quy định: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
  2. Nam và nữ kết hôn tự nguyện và không bị mất năng lực hành vi dân sự (người bị mất năng lực hành vi dân sự là người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi và bị Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự);
  3. Không thuộc các trường hợp pháp luật cấm kết hôn; và
  4. Phải đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền.
2. Tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được pháp luật Việt Nam quy định như thế nào?

Tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân gồm:

  1. Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh;
  2. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng (trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức được phân chia là tài sản riêng của vợ, chồng);
  3. Thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân;
  4. Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung; hoặc
  5. Tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
3. Tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được pháp luật Việt Nam quy định như thế nào?

Tài sản riêng của vợ, chồng gồm:

  1. Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn;
  2. Những tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
  3. Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định pháp luật;
  4. Các tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng; hoặc
  5. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng; hoặc
  6. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân sau khi phân chia tài sản chung.
4. Tài sản tạo lập trước khi kết hôn là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng?

Tài sản được tạo lập trước khi kết hôn là tài sản riêng của vợ chồng.

Trường hợp vợ chồng cùng thỏa thuận nhập tài sản đó vào khối tài sản chung của vợ chồng theo quy định pháp luật hoặc không có căn cứ chứng minh được tài sản đó được tạo lập trước khi kết hôn thì tài sản đó là tài sản chung của vợ chồng.

5. Đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản chung của vợ chồng được pháp luật Việt Nam quy định như thế nào?

Tài sản chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng bao gồm các tài sản là động sản bắt buộc phải đăng ký và bất động sản theo Bộ luật dân sự hiện hành.

Sau khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì vợ chồng sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng thỏa thuận ghi tên một trong hai người.

6. Nghĩa vụ về tài sản của vợ, chồng được pháp luật Việt Nam quy định như thế nào?
Vợ chồng có các nghĩa vụ sau đối với tài sản chung:

(i) Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ, chồng liên đới chịu trách nhiệm;

(ii) Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

(iii) Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

(iv) Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

(v) Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành; hoặc

(vi) Nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật.

Vợ chồng có các nghĩa vụ sau đối với tài sản riêng:

(i) Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;

(ii) Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình cũng như hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng là nguồn sống duy nhất của gia đình;

(iii) Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập không vì nhu cầu của gia đình; hoặc

(iv) Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.

7. Quyền của vợ/ chồng là người nước ngoài đối với tài sản chung và tài sản riêng ở Việt Nam được quy định như thế nào?

Vợ/ chồng người nước ngoài vẫn có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng hoặc chung của vợ chồng theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, người nước ngoài bị hạn chế quyền sở hữu đối với những tài sản sau:

  1. Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất;
  2. Nhà ở nằm ngoài dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại và trong khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh hoặc vượt quá số lượng nhà ở cho phép mua theo quy định của pháp luật Việt Nam;

Đối với tài sản là động sản không cần phải đăng ký thì người nước ngoài có quyền sở hữu hợp pháp thông qua các giao dịch dân sự. Đối với tài sản là động sản bắt buộc phải đăng ký thì thực hiện theo quy định pháp luật liên quan.

8. Vợ/ chồng là người nước ngoài có được nhận tặng cho tài sản chung trong thời kì hôn nhân không?

Có. Vợ/ chồng người nước ngoài vẫn có quyền nhận tài sản từ người khác tặng cho chung vợ chồng trong thời kì hôn nhân hoặc nhận tặng cho phần tài sản của vợ/ chồng người Việt Nam trong khối tài sản chung nhưng phải đảm bảo người nước ngoài đó có quyền sở hữu đối với tài sản được tặng cho theo quy định pháp luật.

Lưu ý, hợp đồng tặng cho bất động sản giữa vợ và chồng được phải lập thành văn bản và được công chứng bởi cơ quan có thẩm quyền.

9. Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện như thế nào?

Việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung vợ chồng bao gồm các bước sau:

  1. Bước 1: Vợ chồng phải có thỏa thuận để nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung. Thỏa thuận phải bảo đảm tuân thủ quy định hình thức (ví dụ thỏa thuận liên quan đến tài sản là bất động sản thì phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực);
  2. Bước 2: Thực hiện các thủ tục hành chính như cập nhật tên cả hai vợ chồng đối với bất động sản hoặc động sản yêu cầu đăng ký quyền sở hữu.

Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung trừ khi có thỏa thuận khác.

10. Vợ chồng có được thỏa thuận phân chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân?

Có. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, ngoại trừ:

  1. Các trường hợp ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích gia đình, quyền và lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; hoặc
  2. Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ theo pháp luật.

Như vậy, vợ chồng có quyền lập thỏa thuận phân chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân và thỏa thuận này phải được lập thành văn bản được công chứng theo yêu cầu của vợ hoặc chồng hoặc theo quy định của pháp luật.

11. Nội dung và hình thức của thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng được quy định như thế nào?

Về nội dung, thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng gồm các nội dung chủ yếu sau:

  1. Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;
  2. Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan;
  3. Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản; và
  4. Nội dung khác có liên quan.

Về hình thức, thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng phải được lập thành văn bản và công chứng theo quy định pháp luật.

12. Tài sản được tạo lập bằng tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân thì có phải phân chia khi ly hôn?

Không. Tài sản được tạo lập bằng tài sản riêng trong thời kì hôn nhân vẫn là tài sản riêng của vợ, chồng và vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản này đã được nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng hoặc tài sản là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân chưa phân chia hoặc các bên có thỏa thuận khác.

Trên nguyên tắc phân chia tài sản khi ly hôn thì tài sản trên được xác định là tài sản riêng của vợ chồng và sẽ không bị phân chia khi ly hôn.

13. Tài sản được tạo lập từ tài sản chung có phải phân chia khi ly hôn?

Có. Tài sản được tạo lập từ tài sản chung là tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân. Tài sản này sẽ được phân chia khi ly hôn theo Quyết định của Tòa án hoặc theo thỏa thuận của vợ chồng (nếu có).

Trường hợp vợ chồng thỏa thuận xác định tài sản trên là tài sản riêng thì thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng và không phân chia khi ly hôn.

14. Vợ hoặc chồng tự ý bán tài sản chung có vi phạm pháp luật không?

Có. Việc bán tài sản chung phải do vợ chồng cùng thỏa thuận. Tuy nhiên, vợ chồng được tự ý bán tài sản chung mà nếu việc bán tài sản là để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Theo đó, thỏa thuận bán tài sản chung của vợ chồng phải được lập thành văn bản đối với tài sản là:

  1. Bất động sản;
  2. Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu; hoặc
  3. Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.

Như vậy, việc tự ý bán tài sản chung mà không phải để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Nếu một bên tự ý bán tài sản thì bên kia có thể yêu cầu Tòa án tuyên giao dịch vô hiệu theo quy định của pháp luật.

15. Con có mặc định được chia tài sản chung khi cha mẹ ly hôn?

Không. Tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia cho vợ chồng theo thỏa thuận hoặc bằng Quyết định của Tòa án. Như vậy, tài sản sẽ thuộc sở hữu của vợ, chồng sau khi chia. Trường hợp này con cái không mặc định có quyền sở hữu tài sản của vợ chồng trừ trường hợp vợ chồng thỏa thuận chia tài sản cho con sau ly hôn.

16. Nguyên tắc Tòa án phân chia tài sản vợ chồng sau khi ly hôn là gì?

Vợ chồng có thể yêu cầu Tòa án phân chia tài sản khi ly hôn nếu không tự thỏa thuận được. Theo đó, Tòa án sẽ quyết định phân chia tài sản vợ chồng dựa trên các nguyên tắc sau:

  • Đối với tài sản đã được vợ chồng thỏa thuận bằng văn bản: Tòa án áp dụng các nội dung của văn bản thỏa thuận để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.
  • Đối với tài sản không có văn bản thỏa thuận, thỏa thuận không rõ ràng hoặc văn bản thỏa thuận vô hiệu:

Tòa án áp dụng nguyên tắc chia đôi tài sản chung có xét đến các yếu tố bao gồm:

(i) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

(ii) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

(iii) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; và

(iv) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

  • Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc giá trị, bên nào nhận hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được chia thì thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
  • Tài sản riêng của vợ chồng thì thuộc quyền sở hữu của người đó.
17. Vợ chồng không giải quyết xong việc chia tài sản, có được ly hôn?

Có thể, tùy thuộc Tòa án xem xét. Vợ chồng có thể tự thỏa thuận chia tài sản hoặc yêu cầu Tòa án chia tài sản theo thỏa thuận hoặc yêu cầu ngay trong đơn ly hôn. Trường hợp sau khi ly hôn mà vợ chồng chưa chia tài sản chung thì cả hai vợ chồng vẫn có quyền sở hữu chung đối với tài sản đó cho tới khi thỏa thuận phân chia.

Như vậy, vợ chồng vẫn có thể thực hiện theo thỏa thuận phân chia tài sản trước hoặc sau khi ly hôn. Việc chia tài sản vợ chồng không phải là điều kiện bắt buộc để Tòa án giải quyết quan hệ ly hôn.

18. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu trong trường hợp nào?

Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu trong các trường hợp:

(i) Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; hoặc

(ii) Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ:

  • Nuôi dưỡng, cấp dưỡng;
  • Bồi thường thiệt hại;
  • Thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản;
  • Trả nợ cho cá nhân, tổ chức;
  • Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; hoặc
  • Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của pháp luật.
19. Thỏa thuận chia tài sản khi thuận tình ly hôn có phải chịu án phí không?

Tùy trường hợp cụ thể. Theo quy định tại Điều 27.5.d Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, trường hợp đương sự tự thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định trước khi Tòa án tiến hành hòa giải thì đương sự không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với việc phân chia tài sản chung.

20. Xử lý như thế nào trong trường hợp phát hiện tài sản bí mật sau khi ly hôn?

Điều 33.1 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 (“LHNGĐ 2014”) quy định tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân.

Do đó, khi phát hiện tài sản bí mật sau khi ly hôn mà xác định được tài sản này hình thành trong trong thời kỳ hôn nhân thì có cơ sở để xem tài sản này là tài sản chung của vợ, chồng.

Theo quy định tại Điều 59.1 LHNGĐ 2014, trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì các áp dụng quy định cảu pháp luật để giải quyết.

Theo đó, trong trường hợp này, sau khi ly hôn, vợ chồng có thể thỏa thuận về việc chia tài sản chung. Nếu hai bên không thỏa thuận được hoặc thỏa thuận không đầy đủ thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung sau khi ly hôn.

21. Tài sản vợ chồng kết hôn trái pháp luật xử lý như thế nào?

Theo quy định tại Điều 12.3 và Điều 16 LHNGĐ 2014, quan hệ tài sản giữa các bên khi kết hôn trái pháp luật được giải quyết như sau:

(i) Quan hệ tài sản được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan; và

(ii) Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

22. Tài sản chung của vợ chồng có liên quan đến bên thứ ba thì có được tự thỏa thuận phân chia khi ly hôn?

Có. Quyền và nghĩa vụ tài sản của vợ chồng liên quan đến bên thứ ba được pháp luật quy định như sau:

  1. Theo quy định tại Điều 39.4 của LHNGĐ 2014, quyền, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc chia tài sản chung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
  2. Điều 40.2 của LHNGĐ 2014 quy định thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng không làm thay đổi quyền, nghĩa vụ về tài sản được xác lập trước đó giữa vợ, chồng với người thứ ba; và
  3. Theo quy định tại Điều 60.1 của LHNGĐ 2014, quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.

Do đó, các bên được phép tự thỏa thuận phân chia tài sản liên quan đến bên thứ ba sau khi ly hôn, nhưng quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với bên thứ ba không thay đổi sau khi phân chia tài sản.

23. Vợ/ chồng là người nước ngoài có quyền sở hữu đối với tài sản chung là bất động sản ở Việt nam hay không?

Theo Điều 5 của Luật Đất đai 2013, cá nhân nước ngoài không thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Theo Điều 159.2.b của Luật Nhà ở 2014, người nước ngoài có quyền mua, thuê mua, nhận chuyển nhượng, thừa kế nhà ở thương mại bao gồm cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án xây dựng nhà ở, trừ các khu vực quản lý liên quan đến quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Do đó, đối với bất động sản tại Việt Nam, vợ hoặc chồng là người nước ngoài không có quyền sở hữu nếu tài sản chung là đất hoặc quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, họ có quyền sở hữu đối với tài sản chung là nhà ở thương mại nếu người đó đáp ứng các quy định của pháp luật.

24. Tài sản chung là bất động sản ở nước ngoài thì phân chia như thế nào khi ly hôn?

Theo Điều 127.3 của LHNGĐ 2014, việc phân chia tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn sẽ được giải quyết theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

25. Tài sản là quyền sử dụng đất được vợ/chồng người nước ngoài mua trong thời kì hôn nhân nhưng nhờ bên thứ ba đứng tên thì có được phân chia khi ly hôn?

Có. Theo quy định tại điều 33.1 LHNGĐ 2014, quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Do đó nếu có căn cứ xác định tài sản là quyền sử dụng đất được vợ/chồng người nước ngoài mua trong thời kì hôn nhân mà không phải thông qua giao dịch bằng tài sản riêng của người này và tài sản này được các bên nhờ bên thứ ba đứng tên thì tài sản này được xác định là tài sản chung và được phân chia khi ly hôn.

26. Quyền sử dụng đất được vợ chồng mua trong thời kì hôn nhân nhưng chưa sang tên thì có được phân chia khi ly hôn?

Theo Điều 503 của Bộ luật dân sự 2015, việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký theo quy định của Luật đất đai. Điều 188.3 của Luật đất đai 2013 quy định việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

Do đó, có thể hiểu quyền sử dụng đất được vợ chồng mua trong thời kì hôn nhân mà chưa sang tên nhưng nếu đã được đăng ký vào sổ địa chính thì việc chuyển quyền sử dụng đất này đã có hiệu lực và thuộc quyền sở hữu của vợ chồng. Căn cứ Điều 33.1 của LHNGĐ 2014, quyền sử dụng đất được vợ,chồng mua trong thời kì hôn nhân mà không phải thông qua giao dịch bằng tài sản riêng thì tài sản này được xác định là tài sản chung và được phân chia khi ly hôn.

27. Tài sản chung đã thỏa thuận phân chia khi ly hôn mà sau ly hôn có tranh chấp thì xử lý như thế nào?

Pháp luật hiện hành không quy định rõ về việc khởi kiện do một bên vi phạm thỏa thuận phân chia tài sản sau khi ly hôn. Tuy nhiên, Điều 29.11 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 có quy định về việc những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật. Do đó, có thể hiểu là việc khởi kiện do một bên vi phạm thỏa thuận phân chia tài sản sau khi ly hôn thuộc trường hợp khác do tòa án giải quyết và một bên có thể yêu cầu Tòa án giải quyết khi có căn cứ xác định bên còn lại vi phạm thỏa thuận này.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ consult@blawyersvn.com. BLawyers Vietnam rất muốn nghe từ bạn!

Có thể bạn muốn tìm hiểu thêm:

20 câu hỏi thường gặp về vấn đề con chung trong quá trình giải quyết tranh chấp ly hôn

21 câu hỏi thường gặp về quan hệ vợ chồng trong giai đoạn ly hôn và thủ tục ly hôn

Một bên có thể yêu cầu tăng mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn không?

blawyersvn-cta-image

Yêu cầu tư vấn luật miễn phí

Vui lòng gọi cho chúng tôi hoặc điền vào mẫu đơn bên dưới. Chúng tôi sẽ phản hồi bạn trong vòng 24 giờ đồng hồ.

This field is for validation purposes and should be left unchanged.