Ngày viết: 09/12/2021
Người viết: Thư Trần
Trợ cấp thôi việc (“TCTV”) là một quyền lợi dành cho người lao động (“NLĐ”) khi chấm dứt hợp đồng lao động (“HĐLĐ”). Tuy nhiên, người lao động nước ngoài (“NLĐNN”) làm việc tại Việt Nam lại là một đối tượng đặc thù mà pháp luật lao động có những quy định khác biệt so với NLĐ là công dân Việt Nam. Như vậy, NLĐNN sẽ hưởng TCTV như thế nào? Thông qua bài viết này, BLawyers Vietnam sẽ nêu 3 ý để bàn về việc trả TCTV cho NLĐNN làm việc tại Việt Nam.
1. NLĐNN nào là đối tượng được hưởng TCTV?
Theo luật hiện hành, TCTV sẽ được chi trả cho NLĐ trong một số trường hợp chấm dứt HĐLĐ nhất định. Theo đó, người sử sụng lao động (“NSDLĐ”) có trách nhiệm chi trả khoản trợ cấp này cho NLĐ làm việc cho mình thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên trừ trường hợp:
(i) NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định; và
(ii) NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên.
Quy định trên đang áp dụng chung cho tất cả NLĐ. Theo đó, NSDLĐ phải xác định điều kiện riêng đối với NLĐNN như:
- Trường hợp chấm dứt HĐLĐ nào thì NLĐNN được hưởng trợ cấp thôi việc?;
- NLĐNN có là đối tượng được hưởng lương hưu theo quy định?; và
- NLĐNN nghỉ việc 5 ngày làm việc liên tục trở lên thì đã có lý do chính đáng theo luật định chưa?
Cần lưu ý hiện nay có nhiều luồng ý kiến trái chiều về điều kiện hưởng lương hưu của NLĐNN. Lý do là NLĐ nước ngoài chưa phải bắt buộc tham gia quỹ hưu trí và tử tuất của bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên vẫn có trường hợp, NSDLĐ và NLĐNN vẫn tự nguyện tham gia chế độ hưu trí và tử tuất theo luật Việt Nam.
2. Việc chi trả khoản tiền tương đương bảo hiểm thất nghiệp (“BHTN”) có là căn cứ để tính giảm trừ vào thời gian tính hưởng trợ cấp thôi việc hay không?
Theo luật hiện hành thì, trợ cấp thôi việc = ½ x tiền lương tính TCTV x thời gian làm việc tính TCTV.
Trong đó:
- Tiền lương tính TCTV là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề theo hợp đồng lao động;
- Thời gian làm việc tính TCTV là thời gian NLĐ đã làm việc thực tế trừ thời gian NLĐNN tham gia BHTN hoặc thời gian được NSDLĐ chi trả khoản tương đương BHTN vào cùng kỳ lương trừ thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả TCTV, trợ cấp mất việc làm.
Trên thực tế, tiền lương theo hợp đồng lao động của NLĐNN là một khoản tiền lớn. Vì luật chỉ cho phép tuyển dụng NLĐNN có trình độ chuyên môn, kỹ thuật vào một số chức danh có yêu cầu cao. Do đó, số tiền TCTV của NLĐNN cũng không hề thấp. Mặt khác, có thể thấy thời gian NLĐ đóng BHTN ảnh hưởng rất nhiều đến số tiền trợ cấp thôi việc.
Theo Luật Việc Làm 2013, NLĐNN không thuộc đối tượng đóng BHTN. Thay vào đó, NSDLĐ sẽ phải chi trả khoản tương đương mức đóng BHTN vào cùng kỳ trả lương cho NLĐNN. Thời gian chi trả khoản tương đương này sẽ được trừ vào thời gian làm việc tính TCTV. Thực tế nhiều NSDLĐ không chi trả khoản tiền tương đương này vào cùng kỳ trả lương mà lựa chọn chi trả một lần cho NLĐ khi chấm dứt HĐLĐ nhằm “trả bù” cho toàn bộ thời gian làm việc. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa có quy định công nhận hoặc không công nhận việc “trả bù” này.
3. NLĐ nước ngoài có phải đóng thuế thu nhập cá nhân (“TNCN”) đối với khoản trợ cấp thôi việc hay không?
Theo Thông tư số 111/2013/TT-BTC, TCTV không phải là thu nhập chịu thuế TNCN. Vì vậy NLĐ sẽ không phải đóng thuế TNCN khi nhận khoản tiền này. Tuy nhiên, nếu phần chi trả TCTV vượt quá mức trợ cấp luật định thì NLĐ phải nộp thuế TNCN trên phần vượt quá đó.
Vậy NSDLĐ có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN cho NLĐ nước ngoài với mức thuế suất áp dụng nào? Việc áp dụng mức thuế suất 10% hay biểu thuế lũy tiến từng phần từ 5% đến 35% để khấu trừ phụ thuộc vào thời điểm chi trả trước hay sau khi chấm dứt HĐLĐ và theo hướng dẫn của cơ quan thuế quản lý.
Hiện nay, việc áp dụng quy định pháp luật đối với vấn đề chi trả TCTV cho NLĐNN nước ngoài đang còn chưa rõ ràng. NSDLĐ và NLĐNN nên nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thực hiện để tránh các tranh chấp tiềm ẩn.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc góp ý về nội dung trên, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ consult@blawyersvn.com. BLawyers Vietnam rất muốn nghe từ bạn!
Có thể bạn muốn tìm hiểu thêm:
6 điều người sử dụng lao động không được làm đối với người lao động trong thời kì dịch bệnh Covid-19